'Tự truyện của một Geisha': Vì sao hấp dẫn?
Vừa qua, NXB Phụ nữ Việt Nam đã ấn hành cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới mang tên 'Tự truyện của một Geisha' của tác giả người Mỹ Arthur Golden qua bản dịch của Nguyễn Bích Lan. Được xuất bản lần đầu vào năm 1997, 'Tự truyện của một Geisha' (tên tiếng Anh là 'The Memoirs of a Geisha') đã nhanh chóng trở thành một trong những kiệt tác văn học, làm say đắm độc giả trên toàn thế giới nhờ lối viết tinh tế và câu chuyện đầy cảm xúc.
Từ hơn 20 năm trước, độc giả Việt Nam được tiếp cận cuốn tiểu thuyết của Arthur Golden qua một số bản dịch với tựa đề “Hồi ức của một Geisha”. Cuốn tiểu thuyết càng trở nên nổi tiếng khi được Hollywood dựng thành bộ phim cùng tên với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng thế giới như Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di, Ken Watanabe...
Trong văn hóa Nhật Bản, thế giới của Geisha vốn là một nơi kín đáo và phức tạp. Trở thành Geisha không chỉ là khoác tấm áo kimono rực rỡ và ngồi tiếp chuyện ở phòng trà để “hầu chuyện” các quý ông, Geisha được coi là chuẩn mực, biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ trong văn hóa Nhật Bản: Họ không những phải xinh đẹp, duyên dáng mà còn phải có tài năng, phải biết im lặng...
Trong bối cảnh của tác phẩm (từ những năm 1920 đến trước thế kỷ 21), Geisha được coi là hình mẫu mà mọi phụ nữ theo đuổi, nhất là phụ nữ thượng lưu. Geisha còn xuất hiện trên các áp phích vào thời kỳ này với mục đích quảng bá hình ảnh của Nhật Bản cho bạn bè quốc tế.
Điều gây bất ngờ với độc giả thế giới chính là, “The Memoirs of a Geisha” được chắp bút bởi một tác giả không phải người Nhật, mà là nhà văn người Mỹ Arthur Golden. Arthur Golden sinh năm 1956 tại Tennessee, Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard, ngành Lịch sử nghệ thuật với chuyên môn là nghệ thuật Nhật Bản. Ngoài ra, Arthur Golden có bằng cử nhân ngành Lịch sử Nhật Bản tại Đại học Columbia và từng có thời gian làm việc tại Trung Quốc và Nhật Bản. Trong thời kỳ ở Nhật, ông đã phỏng vấn một số Geisha, trong đó có bà Mineko Iwasaki, người đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình sáng tác “The Memoirs of a Geisha”.
Tác phẩm trở nên nổi tiếng ngay sau khi xuất bản, đứng trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của New York Time trong suốt hơn 50 tuần liên tiếp và trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, đi vào lịch sử với hơn 4 triệu bản bán ra tại Mỹ. Sau đó, tác phẩm được dịch sang 32 ngôn ngữ với ước tính hơn 5 triệu bản, được dựng thành phim điện ảnh phát hành tại Mỹ năm 2005. Điều này chứng minh sức hấp dẫn không ngừng của câu chuyện về thế giới bí ẩn của Geisha Nhật Bản.
Cuốn tiểu thuyết của Arthur Golden kể về cuộc đời nàng Geisha Nitta Sayuri - tên thật là Sakamoto Chiyo - huyền thoại một thời của khu phố Gion, Kyoto. Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, bắt đầu từ tuổi thơ Chiyo ở làng chài Yoroido, tới thời gian nàng học tập và hành nghề tại Gion, đến lúc nàng chuyển đến New York ở tuổi trung niên. Người đọc ngay lập tức bị cuốn hút vào từng trang sách mô tả chi tiết về một thế giới từ lâu bị che giấu hoặc cố tình quên lãng - thế giới của các Geisha.
Từ một làng chài nghèo ở thị trấn Yoroido, cô bé Chiyo 9 tuổi xinh xắn với đôi mắt màu xanh xám đẹp lạ đã bị lừa bán cho một nhà Geisha ở Tokyo. Đương đầu với hết mất mát này đến tai ương khác trong một thế giới đầy bất trắc, khắc nghiệt và tàn nhẫn, với quyết tâm phi thường, cô bé ấy không chỉ sống sót mà còn trở thành một Geisha xuất sắc.
Từ trong những tháng ngày khổ cực gần như tuyệt vọng, Chiyo đã gặp được một người đàn ông mang lại cho cô những rung động trong tim, thắp lên trong lòng cô ngọn lửa của tình yêu và sức mạnh, là động lực giúp cô quyết tâm trở thành một Geisha nổi tiếng để có thể tiếp cận người đàn ông duy nhất của đời mình...
Cuốn sách đi sâu vào những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của cô bé, đặc biệt là sự rung động đầu đời trước lòng nhân ái của một người đàn ông đã làm thay đổi cuộc đời cô, khát khao được trở thành một nghệ sĩ tài hoa, đến khát khao có được một tình yêu đích thực...
Nhà văn Nguyễn Bích Lan, dịch giả của cuốn tiểu thuyết “Tự truyện của một Geisha” chia sẻ: Tôi đọc khá nhiều sách về Nhật Bản và từng dịch 2 cuốn tiểu thuyết do các nhà văn sống ở các nước phương Tây viết về Nhật Bản, đó là cuốn “Pachinko” và cuốn “Phật ở tầng áp mái”. Nhưng, không phải vì thế mà tôi không gặp khó khăn, trở ngại gì khi dịch cuốn sách của Arthur Golden.
Cầm bản tiếng Việt dày 638 trang khổ khá lớn trên tay, ngay lập tức bạn sẽ hiểu được một số khó khăn mà tôi gặp phải khi dịch cuốn sách. Không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để dịch một cuốn sách nhiều chữ như thế, hay nói cách khác, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo dõi câu chuyện dài mà tác giả kể, để rồi kể lại nó từ đầu đến cuối bằng ngôn ngữ của mình một cách chính xác từng chi tiết, bảo tồn tất cả mọi khía cạnh, từ cảm xúc, hình ảnh đến văn phong...
Không chỉ đáng kể về độ dài, “Tự truyện của một Geisha” được coi là một tác phẩm kinh điển nên dĩ nhiên nó có chiều sâu. Bởi vậy, tạo được một bản dịch đạt chất lượng cao của tác phẩm này là sự kỳ công. Tôi không dám nói điều gì to tát, tôi chỉ muốn nói rằng đã rất cố gắng để làm tốt nhất việc dịch một tác phẩm như thế trong khả năng của mình...”.
Điểm độc đáo của tác phẩm nằm ở cách Arthur Golden tái hiện chi tiết và chân thực thế giới nội tâm của một Geisha - nơi vẻ đẹp, nghệ thuật, những giấc mơ bị kìm nén, cảm xúc hòa quyện với những đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt. “Tự truyện của một Geisha” không chỉ cho thấy bức tranh xã hội và văn hóa Nhật Bản thời kỳ hoàng kim của những Geisha, tác phẩm còn là tiếng nói cảm thông, chia sẻ và trân trọng những người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa, vai trò của họ và cách họ phải đối mặt với áp lực và kỳ vọng từ xã hội.
Khâm phục tài năng, sự tinh tế của nhà văn Arthur Golden, dịch giả Nguyễn Bích Lan tâm sự: “Dựa trên chuyện đời có thật của một Geisha, Arthur Golden đã sáng tác ra một chuyện đời người Geisha trong thế giới tinh thần của riêng ông. Đó là một câu chuyện độc đáo và nó thực sự hấp dẫn nhờ tài kể chuyện của ông. Cũng là người sáng tác văn học, tôi thực sự thán phục cách ông tạo được sự hấp dẫn xuyên suốt từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách. Nếu không có sự hấp dẫn đó thì tôi đã chẳng nhớ đến nó sau 20 năm và quyết định dịch nó sang tiếng Việt. Dù sách mới phát hành vài ngày nhưng tôi đã nhận được phản hồi của một số độc giả. Điều thú vị là họ đều kể với tôi rằng, mình “đọc không dứt ra được”. Qua đó, tôi thấy vui vì bước đầu thấy rằng, sự hấp dẫn của cuốn sách đã được mình bảo tồn khá tốt!”.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan:
“Hơn 20 năm trước, khi tiểu thuyết “The Memoirs of a Geisha” được xuất bản lần đầu ở Mỹ và nó gây ra một cơn sốt. Tôi nhớ, thời đó, các báo lớn ở Anh và Mỹ đều nhắc đến nó như một hiện tượng trên thị trường sách. Hồi đó, do có em họ làm cho một tổ chức quốc tế nên tôi được đọc bản tiếng Anh. Đọc xong, tôi rất thích, không chỉ vì câu chuyện đời rất hấp dẫn của một Geisha mà còn về những kiến thức và không khí văn hóa Nhật Bản mà cuốn sách mang đến cho người đọc. Ngay từ ngày đó, tôi đã ước cuốn sách được dịch ra tiếng Việt để nhiều người cùng đọc.
Tôi nghe nói từ bấy đến nay đã có vài bản dịch được xuất bản ở Việt Nam. Tôi chưa từng đọc bản nào nên không biết chúng hay dở ra sao nhưng tôi nghĩ khi tôi vẫn muốn tạo ra bản dịch theo cách của riêng mình, chuyển tải cả giá trị và sức hấp dẫn của cuốn sách tới những người chưa được thưởng thức tác phẩm này.
Đầu năm nay, NXB Phụ nữ Việt Nam lập dự án “Tủ sách Love Story” và tôi gợi ý họ mua bản quyền xuất bản bản dịch của tôi như một sự mở đầu cho tủ sách. Tên cuốn sách có chút thay đổi so với các bản dịch đã có.
Đọc toàn bộ cuốn sách, bạn sẽ thấy đó không phải là những “hồi ức” vụn vặt, cách quãng, mà là chuyện về cả cuộc đời của một Geisha được kể theo trình tự thời gian: từ lúc sinh ra ở một làng chài nghèo đến lúc sống những năm cuối đời ở New York.
Dù là tiểu thuyết, tác phẩm này có hình thức như một tự truyện do nhân vật chính kể lại, vậy nên tôi dịch là “Tự truyện của một Geisha” chứ không phải cố ý dịch như thế để bản dịch của tôi khác với bản dịch nào đó đã có từ trước. Một tác phẩm hay nên có nhiều hơn một bản dịch để độc giả và thời gian lựa chọn bản dịch đáng được tìm kiếm nhất...”.