Từ Triển lãm Giảng Võ đến công trình biểu tượng của Thủ đô

Nằm trên địa bàn quận Ba Đình, trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, khu đất Triển lãm Giảng Võ vang danh một thời đang chuẩn bị bước sang trang mới.

Nơi từng là cánh cửa giao thương đầu tiên của Thủ đô giờ đây được kỳ vọng sẽ tái sinh thành một biểu tượng phồn vinh, hiện thân cho khát vọng vươn cao của một Hà Nội năng động, bản lĩnh trong kỷ nguyên hội nhập.

Triển lãm Giảng Võ là biểu tượng hoàng kim của Hà Nội một thời. Ảnh: ST

Triển lãm Giảng Võ là biểu tượng hoàng kim của Hà Nội một thời. Ảnh: ST

Thủ đô cần biểu tượng thương mại mới

Hà Nội là thành phố sở hữu nhiều di sản đô thị. Bao đời nay, người Hà Nội luôn dành sự trân trọng sâu sắc với những giá trị làm nên hồn cốt của vùng đất. Khu phố cổ lưu giữ kiến trúc Thăng Long xưa cùng nhịp sống thị thành. Những công trình mang dấu ấn Pháp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ kính và hiện đại. Và cả Triển lãm Giảng Võ - nơi từng sôi động với các hội chợ, sự kiện thương mại tầm quốc gia. Tất cả là những mảng ký ức sống động, khắc họa chiều sâu và làm nên bản sắc riêng biệt của Thủ đô nghìn năm tuổi.

Triển lãm Giảng Võ là một điểm chạm đặc biệt của ký ức đô thị, một biểu tượng vàng son rực rỡ của Hà Nội một thời. Nằm tại quận Ba Đình, trái tim của Thủ đô, đây cũng là địa danh lắng đọng các tầng ký ức của nhiều thế hệ.

Trong suốt các thập niên cuối của thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Triển lãm Giảng Võ là điểm hẹn kinh tế và văn hóa lớn nhất miền Bắc, với hàng trăm sự kiện hội chợ, triển lãm, trình diễn văn hóa nghệ thuật quy mô quốc gia và quốc tế được tổ chức.

Triển lãm Giảng Võ khi đó giữ vị trí trọng yếu trong bức tranh kinh tế Thủ đô, thúc đẩy kết nối các ngành nghề, mở rộng cánh cửa giao thương quốc tế. Các chương trình, sự kiện quy mô đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế và phát triển đô thị suốt nhiều thập niên, góp phần khẳng định vị thế và tầm vóc kinh tế Hà Nội.

Theo thời gian, Hà Nội không ngừng vận động và phát triển. Một Thủ đô hiện đại và hội nhập, vì thế, cần không gian mới để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, có vị thế xứng tầm và sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Đồng thời, nhịp sống hiện đại cũng xuất hiện những nhu cầu mới, đòi hỏi những công trình mang tính biểu tượng mới ra đời.

Vì vậy, năm 2016, sau hơn 40 năm, Triển lãm Giảng Võ hoàn thành sứ mệnh, khép lại một giai đoạn vàng son trong ký ức nhiều thế hệ. Gần một thập niên qua, người Hà Nội mong chờ một biểu tượng mới được kiến tạo từ vị trí của Triển lãm Giảng Võ xưa, như một sự chuyển mình của không gian, sự nối tiếp của các giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử vốn đã khắc sâu nơi đây.

Dấu ấn mới của Thủ đô trên bản đồ du lịch, thương mại toàn cầu

Khu đất từng là Triển lãm Giảng Võ xưa đang chuẩn bị thức giấc với những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Tháng 7-2024, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi khu đất gần 7 ha này sang mục đích thương mại, dịch vụ. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu hành trình hồi sinh của khu đất “kim cương” giữa lòng Ba Đình lịch sử.

Một tổ hợp thương mại, dịch vụ cao cấp, lưu giữ không gian văn hóa, mang tầm vóc quốc tế - nơi người dân và du khách có thể mua sắm, giải trí, kết nối giao thương, thưởng lãm nghệ thuật đỉnh cao sẽ sớm được hình thành.

Công trình sẽ kế thừa tinh thần “hội tụ và kết nối” từng làm nên dấu ấn Triển lãm Giảng Võ năm xưa, đồng thời khắc họa một hình ảnh đẳng cấp và thịnh vượng của Thủ đô trong thế kỷ XXI.

Người Hà Nội trông đợi một biểu tượng thịnh vượng mới sẽ hình thành trên nền Triển lãm Giảng Võ xưa. Ảnh: ST

Người Hà Nội trông đợi một biểu tượng thịnh vượng mới sẽ hình thành trên nền Triển lãm Giảng Võ xưa. Ảnh: ST

Trong bối cảnh toàn cầu hóa làm lu mờ các đặc trưng kiến trúc và quy hoạch của nhiều đô thị, các công trình mang dấu ấn thời đại càng trở nên quan trọng. Chúng không chỉ là điểm nhận diện mà còn góp phần định danh một thành phố trên bản đồ khu vực và thế giới. Hà Nội, với nền tảng di sản phong phú, cần những công trình mới để vừa gìn giữ ký ức, vừa vươn tới tương lai.

Tổ hợp thương mại, dịch vụ tại Giảng Võ, vì thế, sẽ không chỉ là nơi mua sắm, giải trí, trải nghiệm văn hóa thời thượng, mà còn là điểm đến du lịch và đầu tư hấp dẫn, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội Thủ đô.

Hướng phát triển này phù hợp với quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: Hiện đại, bền vững, đậm bản sắc và đặt người dân vào trung tâm phát triển. Đặc biệt, quy hoạch Giảng Võ được đánh giá hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển không gian sống hiện đại.

Việc kiến tạo biểu tượng mới trên nền di sản Triển lãm Giảng Võ không chỉ là một bước tiến trong quy hoạch đô thị trung tâm. Đó còn là lời đáp cho khao khát của người Hà Nội và cả những người yêu Hà Nội, được sống giữa những biểu tượng văn hóa và sở hữu một phần của di sản Thủ đô.

Với giá trị vượt trên vật chất, sở hữu bất động sản tại đây đồng nghĩa với việc nắm giữ một phần di sản của thành phố - nơi quá khứ và tương lai giao thoa, nơi biểu tượng hoàng kim một thời được tái sinh trong hình hài hiện đại, tiếp nối sứ mệnh kết nối, lan tỏa và thịnh vượng.

Hồng Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tu-trien-lam-giang-vo-den-cong-trinh-bieu-tuong-cua-thu-do-702567.html
Zalo