Từ trang sách: Xúc động về tình người, tình yêu

Truyện 'Ông bố Chân dài' cũng đã được chính Jean Webster chuyển thể thành vở kịch cùng tên, thu hút công chúng khi công diễn tại Mỹ.

Tiểu thuyết 'Ông bố Chân dài' là câu chuyện xúc động về tình người, tình yêu.

Tiểu thuyết 'Ông bố Chân dài' là câu chuyện xúc động về tình người, tình yêu.

“Thế giới quanh ta ẩn chứa muôn vàn niềm vui nếu ta sẵn sàng mở lòng đón nhận”, thông điệp mà nhân vật Judy Abbott viết trong tiểu thuyết “Ông bố Chân dài” đem đến cho độc giả những cảm giác tươi sáng về tình người và tình yêu.

Hiếm khi có cuốn sách chỉ viết một chiều, thông qua những bức thư từ một người viết cho người khác mà không hề có phản hồi, nhưng vẫn thấy được những diễn biến sôi động và cả không gian sống động xung quanh.

Đó là cái tài của nữ tác giả Jean Webster - bút danh của nữ văn sĩ, đồng thời là nhà hoạt động xã hội tích cực người Mỹ Alice Jane Chandler Webster, cháu của văn hào nổi tiếng Mark Twain.

Cuốn sách (tái bản lần 2) vừa được NXB Lao động và Công ty sách Kẹp hạt dẻ cho ra mắt độc giả, cùng với 2 cuốn phần “hậu truyện” nối tiếp mang tựa đề “Kẻ thù dấu yêu” (Dear Enermy) thành một “combo” hoàn chỉnh với bản dịch chỉn chu và trau chuốt của dịch giả Vũ Danh Tuấn (Roger Vũ).

Câu chuyện trong “Ông bố Chân dài” (tựa tiếng Anh là Daddy-Log-Legs) của Jean Webster được viết trong bối cảnh nước Mỹ từ năm 1912, nhưng đến nay, vẫn không bị lạc hậu, bởi những giá trị nhân văn chứa đựng trong sách.

Nhiều ý của nhân vật và tác giả trong sách còn như đang bình luận về cuộc sống của những năm 2024 này, qua những câu nhận xét kiểu như “Có những người không phải đang sống mà đang chạy đua”.

Giữa bối cảnh như vậy, câu chuyện về tình người càng khiến người đọc phải không dừng mắt qua từng diễn biến dưới ngòi bút khéo léo của tác giả.

Câu chuyện bắt đầu khá kỳ lạ: Jerusha Abbott, cô gái mồ côi lớn lên trong Viện Cứu tế John Grier, bất ngờ được một nhà bảo trợ bí ẩn chu cấp cho học đại học (một việc chưa từng có tiền lệ) sau khi đọc bài luận “Ngày thứ Tư buồn”, viết về cuộc sống đầy buồn tẻ của những đứa trẻ trong Viện Cứu tế - bài viết khiến những người giám sát lũ trẻ vô cùng tức giận.

Nhà bảo trợ - mà cô chỉ nhìn thấy thoáng qua với hình ảnh đôi chân dài - đã rất ấn tượng với bài luận và tin rằng cô gái có tiềm năng trở thành nhà văn, nên đã đưa ra quyết định này nhưng đã đưa ra một điều kiện kỳ quặc: Mỗi tháng Jerusha phải viết một lá thư báo cáo về cuộc sống và tình hình học tập cho ông, mà đừng hy vọng sẽ nhận được thư hồi âm.

Từ đó, qua những trang thư cho người bảo trợ mà Jerusha đặt biệt danh là Ông bố Chân dài, cô lần lượt kể lại hành trình suốt 4 năm đại học, đồng thời trút vào đó những tâm sự về cuộc sống, bạn bè, về trường lớp, cùng những niềm vui, nỗi buồn hàng ngày.

Không nhận được hồi âm trực tiếp mà chỉ là những lời nhắn từ người thư ký, nhưng cô gái luôn cảm nhận được tình yêu thương mà “ông bố nuôi” giấu mặt dành cho cô mỗi khi cô cần đến ông.

Độc giả có thể được truyền những cảm hứng tích cực từ nhân vật, khi cô viết cho Ông bố Chân dài rằng: “Cách duy nhất để con đền đáp được bố là trở thành Nữ Công Dân Có Ích (con không biết có tồn tại từ này không), nếu không dùng được từ nữ công dân thì con thay bằng Người Có Ích. Như vậy, khi thấy con, bố có thể dõng dạc tuyên bố: Mình đã cho thế giới một Người Có Ích”.

 Hình thức thể hiện sinh động.

Hình thức thể hiện sinh động.

Các câu chuyện được chắt lọc từ chính trải nghiệm của tác giả, khi bà cũng lớn lên từ Trường Lady Jane Grey sau khi người cha tự sát. Kinh nghiệm văn chương của bà đã được đúc kết vào câu chuyện của nữ nhân vật, khi Jedy liên tiếp bị từ chối các bản thảo tiểu thuyết non nớt đầu đời và nhận ra rằng: Mình phải viết về những điều mình hiểu rõ nhất!

Cuốn sách hấp dẫn bởi sự đơn giản trong cách viết. Bằng hình thức viết thư, các câu chuyện được dẫn dắt dễ hiểu, trực diện, nhưng không vì thế mà thiếu cảm động và kịch tính. Những trang thư viết cho ông bố bí ẩn khiến độc giả có thể đọc được mọi suy nghĩ, quan điểm và từ đó hiểu chính con người nữ nhân vật.

Độc giả sẽ cảm thấy thích thú khi thấy Jerusha tự đổi tên cho mình thành Judy, khi cô phản đối những áp đặt mà Ông bố Chân dài đưa ra, thậm chí cương quyết không thực hiện yêu cầu của ông về việc không nhận học bổng của nhà trường, vì cô cho rằng đó là phần thưởng xứng đáng từ nỗ lực của bản thân.

Những khi muốn đi đâu đó trong kỳ nghỉ, cô thường thông báo cho bố nuôi chứ không phải xin phép. Tuy nhiên, là một cô gái mới lớn, hoang mang trước nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống và trong tình cảm, cô cũng rất cần lời khuyên của một người thân thiết trong gia đình - vị trí mà cô chưa bao giờ có được.

Chỉ qua những lá thư, người đọc cũng dần cảm nhận được sự thay đổi trong tâm tư của cô gái, khi cô ngày càng quan tâm tới ngoại hình, trang phục, tự thấy mình xinh đẹp, và ngày càng thấy tình cảm của cô với nhân vật chú Jervis - chú họ của cô bạn cùng phòng - trở nên sâu đậm.

Qua đây, với độc giả chưa từng có trải nghiệm như nhân vật Judy có thể hiểu được rằng một đứa trẻ thiệt thòi, có thể tìm thấy ở đó niềm đồng cảm chứa chan. Với trẻ đủ đầy điều kiện hẳn sẽ thấy yêu hơn cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng trên hết, cho dù đứa trẻ ấy có là ai, chúng vẫn sẽ cảm được những điều thú vị.

Qua từng trang sách, Jean Webster khéo léo khiến độc giả phải hồi hộp, suy nghĩ: Tương lai của nhân vật Judy sẽ như thế nào? Cô ấy có trở thành nhà văn và thành công hay không? Và đặc biệt, qua diễn biến tình cảm của nhân vật, độc giả sẽ băn khoăn tự hỏi: Cô ấy sẽ yêu ai? Có hạnh phúc hay không?

“Ông bố Chân dài” kết lại với đầy bất ngờ, cảm động, và tác giả đã thành công trong việc chinh phục độc giả không chỉ cùng giới tính với mình, qua giọng văn hóm hỉnh, hài hước và một “cú twist” thật sự gây choáng cho độc giả!

Nhờ những thành công trong việc xây dựng tuyến nội dung, mà “Ông bố Chân dài” của Webster ban đầu chỉ là series truyện trên tạp chí Ladies Home, nhưng sau đó đã trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất (best-seller) khi được xuất bản dưới dạng sách.

Truyện cũng đã được chính Jean Webster chuyển thể thành vở kịch cùng tên, thu hút công chúng khi công diễn tại Mỹ. Ngoài ra, truyện còn được dựng thành phim và công chiếu ở Mỹ vào các năm 1919, 1931, 1955...; dựng thành hài kịch âm nhạc tại Anh, hài kịch lãng mạn ở Hà Lan; chuyển thể thành series phim âm nhạc hoạt hình trên truyền hình Nhật Bản, hay tại Ấn Độ năm 1984, tại Hàn Quốc năm 2005...

Với ấn bản tiếng Việt vừa được tái bản thực sự bổ ích với các bạn trẻ ở cấp trung học phổ thông đang chuẩn bị hành trang bước vào đời.

Tiên Long

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-trang-sach-xuc-dong-ve-tinh-nguoi-tinh-yeu-post698846.html
Zalo