Từ TikTok đến RedNote: Cuộc 'di cư' văn hóa vượt ranh giới địa chính trị

Giữa những tranh cãi về việc TikTok bị cấm tại Mỹ, thay vì chuyển sang các nền tảng thay thế như YouTube Shorts hay Instagram Reels, hàng trăm nghìn người dùng TikTok đã chuyển sang RedNote, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc còn được biết đến với tên gọi Xiaohongshu.

Bài viết "From TikTok to RedNote: a digital migration that defies geopolitics" đăng tải trên South China Morning Post ngày 22/1.

Bài viết "From TikTok to RedNote: a digital migration that defies geopolitics" đăng tải trên South China Morning Post ngày 22/1.

Thúc đẩy giao lưu liên văn hóa

Trong bài viết "From TikTok to RedNote: a digital migration that defies geopolitics", Phó Giáo sư Xin Wang (*) cho rằng, cuộc "di cư" hàng loạt này diễn ra cùng lúc với những gì mà Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Trung Quốc Nicholas Burns mô tả trong một phỏng vấn gần đây với tờ The Wall Street Journal. Ông Burns đã nêu ý tưởng về một “cuộc chiến trong hòa bình” nhằm giới thiệu cho người dân Trung Quốc thấy “bộ mặt thật của xã hội Mỹ”. Thế nhưng giờ đây, người dùng mạng xã hội Mỹ lại là minh chứng cho ý tưởng này khi đổ xô tìm hiểu về xã hội Trung Quốc bằng cách tham gia một nền tảng của Trung Quốc.

Ông Wang chỉ rõ, những “người tị nạn TikTok” đang làm nhiều hơn việc chỉ tìm một nền tảng mới nhằm chia sẻ nội dung. Họ tham gia vào một hình thức phản kháng số, thách thức các động lực quyền lực truyền thống trong truyền thông xã hội và truyền thông đại chúng. Những người dùng này tự nguyện bước vào một không gian số bằng tiếng Trung, đảo ngược dòng chảy điển hình của sự di cư mạng xã hội toàn cầu.

Điều làm cho cuộc "di cư" này đáng chú ý không chỉ ở quy mô mà còn ở bản chất của nó. Người dùng vừa đăng tải nội dung vừa chủ động tương tác với người dùng Internet Trung Quốc, tạo nội dung song ngữ, tìm kiếm bạn học ngôn ngữ và thậm chí giúp đỡ nhau làm bài tập.

Nhiều người dùng TikTok Mỹ chuyển sang ứng dụng RedNote (Xiaohongshu) của Trung Quốc sau khi nền tảng này bị cấm tại Mỹ. (Nguồn: South China Morning Post)

Nhiều người dùng TikTok Mỹ chuyển sang ứng dụng RedNote (Xiaohongshu) của Trung Quốc sau khi nền tảng này bị cấm tại Mỹ. (Nguồn: South China Morning Post)

Đặc biệt, theo ông Wang, hiện tượng "di cư" trên không gian mạng này cũng phản ánh về sự giao tiếp xuyên văn hóa trong thời đại siêu kết nối hiện nay. Trong khi chính phủ tiêu tốn hàng triệu USD cho các chương trình trao đổi văn hóa, những "người di cư kỹ thuật số" này lại đạt được sự thấu hiểu văn hóa hơn thông qua các meme, học hỏi ngôn ngữ và tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày cũng như thực tế xã hội của nhau.

Có thể nói, giờ đây RedNote đã trở thành một lớp học số, góp phần vào sự thấu hiểu liên văn hóa. Người dùng Mỹ chia sẻ về những khó khăn trong chi phí y tế, công việc và nợ sinh viên, người dùng Trung Quốc lại đưa đến góc nhìn về cuộc sống hàng ngày tại đất nước tỷ dân.

Không cần bất cứ sự thúc đẩy từ tổ chức nào, người dùng tự phát triển các phương pháp dịch thuật riêng và xây dựng cầu nối vượt lên ranh giới ngôn ngữ và văn hóa. Họ sử dụng công cụ dịch thuật AI, sáng tạo những trò đùa chung và phát triển các hình thức giao tiếp số mới bất chấp rào cản ngôn ngữ.

Là một nhà giáo dục có cái tích cực về giáo dục liên văn hóa, ông Xin Wang bày tỏ vui mừng khi thấy mọi người từ nhiều tầng lớp, thế hệ, độ tuổi, giới tính và ngôn ngữ tham gia vào cuộc đối thoại liên văn hóa và xuyên biên giới này. Điều này cũng vượt ra ngoài khuôn khổ của các trường đại học, chính trị nội bộ và địa chính trị.

Vị chuyên gia gọi hiện tượng này là "khoảnh khắc RedNote", đồng thời khẳng định đây không chỉ đơn thuần là một sự thay đổi nền tảng, mà còn là hình thức đối thoại dân sự kỹ thuật số và bất tuân. Khi chọn một nền tảng Trung Quốc thay vì các lựa chọn thay thế của phương Tây, người dùng Mỹ đang bác bỏ quan điểm chính trị phổ biến của phương Tây rằng các ứng dụng từ đất nước tỷ dân tiềm ẩn rủi ro an ninh. Hành động của họ chứng mình rằng, khi có cơ hội tương tác trực tiếp, cộng đồng mạng hoàn toàn có thể vượt qua những căng thẳng địa chính trị; phá vỡ những định kiến về quyền kiểm soát không gian số và khả năng tự quyết của người dùng trước các rào cản chính trị. Trong khi các chính trị gia tranh cãi về an ninh dữ liệu và lợi ích quốc gia, người dùng Internet lại tự xây dựng những kênh giao tiếp riêng nhằm thúc đẩy sự thấu hiểu toàn cầu.

Ngoại giao nhân dân

Hơn hết, hiện tượng này cũng cho thấy tiềm năng chưa được khai phá của việc trao đổi văn hóa trong kỷ nguyên số. Trong khi các tổ chức truyền thống khó khăn khi thúc đẩy hiểu biết liên văn hóa, những "người di cư kỹ thuật số" này lại là minh chứng cho việc trao đổi văn hóa đích thực không cần các can thiệp từ chính phủ.

Ông Wang nhấn mạnh, khi các chính trị gia và chuyên gia truyền thông vẫn mải mê tranh luận về lệnh cấm nền tảng và vấn đề an ninh dữ liệu, có lẽ họ nên để ý đến những gì đang diễn ra trên Xiaohongshu. Chính trong cuộc "di cư kỹ thuật số" đầy bất ngờ này, chúng ta đang chứng kiến một điều phi thường: Sự trỗi dậy của ngoại giao nhân dân thực thụ.

Sức mạnh của các nền tảng số không đến từ công cụ giám sát hay ảnh hưởng chính trị mà ở chỗ chúng tạo ra không gian nơi con người có thể kết nối, học hỏi, thấu hiểu lần nhau nhau bất chấp rào cản văn hóa và ngôn ngữ. Các nền tảng số không thuộc phương Tây có thể trở thành lực lượng đối trọng trong bối cảnh truyền thông toàn cầu. Giờ đây, RedNote cũng có thể là cầu nối góp phần thu hẹp những chia rẽ toàn cầu ngày càng sâu sắc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn luật cấm TikTok vào ngày đầu tiên nhậm chức. (Nguồn: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn luật cấm TikTok vào ngày đầu tiên nhậm chức. (Nguồn: Getty)

Ngoài ra, ông Wang cho rằng, đối với những ai lo lắng về tương lai quan hệ Mỹ-Trung, dạng trao đổi văn hóa tự phát này đang thắp lên một tia hy vọng. Những "bức tường thông tin" do các chính phủ dựng lên dường như trở nên mong manh trước sức mạnh của sự tò mò và kết nối giữa con người. Nhiều người trẻ Mỹ chia sẻ trong các video trên RedNote cách họ nhìn nhận về Trung Quốc - vốn được hình thành qua nhiều năm tiếp xúc với truyền thông và giáo dục chính thống ở Mỹ - đã thay đổi nhờ những tương tác trực tiếp với cư dân mạng Trung Quốc. Đây chính là sức mạnh của trao đổi văn hóa giữa người với người, một sức mạnh vượt xa mọi thông điệp tuyên truyền.

Tuy nhiên, có thể một phần của cuộc "di cư" này sẽ đảo ngược bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn luật cấm TikTok vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Dù vậy, "khoảnh khắc RedNote" ở Mỹ không chỉ là một hiện tượng thú vị trong lịch sử chính trị và mạng xã hội của quốc gia này mà còn là một dấu mốc quan trọng, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về vai trò của các nền tảng số và sức mạnh của cộng đồng mạng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế. Đôi khi, những bước đột phá ngoại giao ý nghĩa nhất không diễn ra trong các phòng họp chính phủ mà lại bắt nguồn từ không gian số, nơi con người kết nối, trò chuyện và khám phá giá trị chung của nhân loại.

Tựu trung, cuộc chuyển dịch kỹ thuật số từ TikTok sang RedNote thực sự là minh chứng cho sức mạnh của kết nối con người trong thời đại công nghệ hiện nay. Bằng sự tò mò, tinh thần cởi mở, người dùng Mỹ và Trung Quốc đã vượt qua ranh giới văn hóa-chính trị, tạo nên một hình thức ngoại giao nhân dân đầy ý nghĩa. "Khoảnh khắc RedNote" này không chỉ mở ra cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế mà còn khẳng định những bước tiến lớn trong quan hệ toàn cầu dường như có thể xuất phát từ những hành động nhỏ bé và có phần tự phát của người bình thường.

(*) Ông Xin Wang là Phó Giáo sư chuyên ngành Nghiên cứu Trung Quốc, Giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á tại Đại học Baylor, bang Texas. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề về giai cấp xã hội, sự thay đổi văn hóa và giáo dục ở Trung Quốc.

(theo South China Morning Post)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-tiktok-den-rednote-cuoc-di-cu-van-hoa-vuot-ranh-gioi-dia-chinh-tri-301891.html
Zalo