Từ Thức - Giáng Hương: Mối duyên trời định và khúc tình ca vượt thời gian

Ngày 26/12/2001, tác giả Quốc Chấn - Hội Tâm lý học tỉnh Thanh Hóa gửi cho tác giả bài viết này một bức thư tay ngắn, kèm theo bản thần phả Hán Nôm dịch thuật về nhân vật Từ Thức.

Vào đời Trần Thuận Tông (1378 - 1399), niên hiệu Thái Trung, có người họ Từ, tên Thức, quê ở Hóa Châu, làm quan Lệnh doãn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (cũ). Do "thiên duyên kỳ ngộ", Từ Thức đã nên duyên cùng nàng Giáng Hương - một tiên nữ kiều diễm của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Câu chuyện tình đầy mê hoặc và huyền ảo này, qua bao thế kỷ, vẫn sống động trong ký ức dân gian như một khúc tình ca giao hòa giữa cõi trần và chốn tiên giới.

Di tích cấp tỉnh - Đền thờ Từ Thức được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa hàng tỷ đồng

Di tích cấp tỉnh - Đền thờ Từ Thức được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa hàng tỷ đồng

Chuyện kể rằng: Ở làng Cẩm La, xã Hà Dương, huyện Tống Sơn xưa (phường Quang Trung, Bỉm Sơn), tỉnh Thanh Hóa, có người họ Từ tên Thức - con một nhà hàn sĩ nhưng sáng dạ, học giỏi. Từ Thức dùi mài kinh sử, thi đỗ cử nhân kỳ thi Hội, được bổ làm quan tri huyện Tiên Du. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, thương dân, được người dân kính trọng.

Thời bấy giờ, ở huyện Tiên Du có ngôi chùa mang tên “Mẫu Đơn Tự” thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước chùa trồng nhiều cây mẫu đơn, đến mùa xuân, hoa nở ngũ sắc, tỏa ngát hương thơm. Lễ hội mùa xuân tại chùa thu hút đông đảo tín đồ và khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh. Để bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên, nhà chùa treo bảng cảnh báo: “Ai làm hư hỏng hoa sẽ phải đền ba quan tiền”.

Năm ấy, nàng tiên Giáng Hương từ trời cao nhìn xuống, thấy chùa Mẫu Đơn mở hội, lòng ham vui nổi lên, nàng cưỡi mây xuống trần gian. Say mê sắc hoa mẫu đơn, nàng vô ý làm gãy một bông hoa. Không có tiền đền, nàng bị chú tiểu trong chùa trói vào gốc cây hoa.

Từ Thức tình cờ đến vãn cảnh chùa, thấy chuyện lạ, hỏi rõ đầu đuôi. Dù bản thân không mang theo tiền, chàng bèn cởi áo gấm vua ban trao cho nhà chùa chuộc tội cho nàng. Được cứu, Giáng Hương tạ ơn và trao cho chàng một cây bút, dặn rằng: “Nhà thiếp ở phía đông huyện Tống Giang, trong một dãy núi đá cao. Xin mời chàng đến chơi, cứ cầm bút này đề thơ vào cửa thì cửa sẽ mở”.

Chuyện đến tai cấp trên, một viên quan vốn có hiềm khích với Từ Thức đã lấy cớ xử tội ông vì dám đem áo vua ban mà "gán nợ" cho một người con gái. Bị cách chức, Từ Thức trở về quê thì thấy nhà cũ bị phá, đất vườn bị cường hào chiếm đoạt. Chán nản, chàng bỏ đi phiêu bạt.

Nhớ lời Giáng Hương, chàng tìm tới dãy núi đá phía đông, cầm bút đề thơ lên cửa động - cánh cửa liền mở ra. Chàng được Giáng Hương đón vào tiên giới.

Trên tiên giới, Từ Thức sống những ngày nhàn nhã: đánh cờ, gảy đàn, ngâm thơ. Giáng Hương đem lòng yêu mến, mong kết duyên, nhưng Từ Thức một mực từ chối. Dù sống trong chốn bồng lai, lòng chàng vẫn nhớ quê hương. Sau 81 ngày nơi tiên cảnh, nỗi nhớ trần gian thôi thúc chàng xin trở về. Giáng Hương biết không thể ngăn cản, trao cho chàng cây bút khác và dặn: “Khi nào chàng muốn trở lại, hãy cầm bút đề thơ như lần trước, tất cửa động sẽ mở”.

Nhưng vừa rời khỏi động, Từ Thức ném luôn cây bút, thầm nghĩ sẽ không bao giờ trở lại. Về đến làng Cẩm La, chàng sững sờ: cảnh vật đổi thay, người xưa không còn, không ai nhớ gì về ông. Buồn bã, chàng trở lại động đá, song cửa đã đóng, không có bút tiên để mở nữa. Không nơi nương tựa, chàng ra Núi Chóp Chài đánh cờ với một lão chài, rồi nhịn ăn mà chết.

Giáng Hương hay tin, xuống trần đem xác Từ Thức về chôn cất trong động. Trên đỉnh động, nàng kết hoa lá làm mộ viếng chàng.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức - Phòng Kinh tế Hạ tầng đô thị phường Quang Trung được biết: Ngôi đền cổ thờ Từ Thức ở làng Cẩm La (huyện Tống Sơn xưa) đã được Sở Văn hóa - Thông tin xếp hạng. Do thiên tai và thời gian vùi lấp, nay chỉ còn ít đồ thờ sót lại. Nhờ sự công đức của nhân dân và nhà đầu tư, ngôi đền được trùng tu với quy mô 3 gian 2 chái, mái lợp ngói cong, dựng trên gần mươi sào đất với chi phí hàng tỷ đồng. Gian giữa đền đặt pho tượng Từ Thức bằng gỗ tốt, cao khoảng 0,70 m trong tư thế ngồi thiền. Hằng năm, nhân dân phường Quang Trung tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 16 tháng 2 âm lịch để tỏ lòng thành kính với vị quan thanh liêm - người con của quê hương.

Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt” không chỉ nổi danh với hệ thống di sản văn hóa phong phú, mà còn là nơi dệt nên bao chuyện tình thấm đẫm huyền thoại: “Hòn Trống Mái” ở Sầm Sơn, “Hòn Vọng Phu - Núi Trông Chồng” ở TP Thanh Hóa, và “Động Từ Thức - Từ Thức gặp tiên” ở Nga Sơn. Những câu chuyện ấy mãi là bản tình ca lãng mạn giữa trời và đất, giữa mộng và thực, giữa niềm tin và ký ức dân gian.

Lê Như Cương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tu-thuc-giang-huong-moi-duyen-troi-dinh-va-khuc-tinh-ca-vuot-thoi-gian-a29544.html
Zalo