Phường Nam Định bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Sau khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp, phường Nam Định (Ninh Bình) được mở rộng với nhiều di sản. Phường hiện có 25 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích quốc gia. Chính quyền và nhân dân địa phương đang tập trung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, biến di sản thành động lực phát triển văn hóa, du lịch.

Toàn cảnh di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần.
Những địa chỉ cách mạng
Trên địa bàn phường Nam Định có nhiều di tích cách mạng, kháng chiến gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những “địa chỉ đỏ” này là chứng nhân lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay về một thời đấu tranh gian khổ và tinh thần yêu nước quật cường của cha ông. Nổi bật là ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên ở Nam Định. Ngôi nhà đồng thời là nơi sinh ra Tam nguyên Trần Bích San và là từ đường dòng họ Trần danh tiếng. Được xây dựng từ năm 1849, nhà số 7 là cơ sở liên lạc bí mật, nơi tập hợp chiến sĩ ra nước ngoài hoạt động và là nơi hội tụ các văn thân yêu nước thời chống Pháp như: Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Hữu Lợi... Kiến trúc nhà cổ truyền với hệ khung gỗ lim, mái ngói nam, có nhiều chi tiết thiết kế thuận lợi cho hoạt động bí mật như: bệ thờ vòm, buồng kín. Hiện, ngôi nhà vẫn được bảo tồn trên diện tích gần 900m² và được Bộ Văn hóa, Thông tin (Nay là Bộ VH,TT và DL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.
Bên cạnh đó, phường Nam Định còn có những di tích độc đáo minh chứng cho ý chí kiên cường của quân và dân địa phương. “Cửa hàng ăn uống dưới hầm” ở ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu là công trình đặc biệt, được cải tạo từ giao thông hào. Quán ăn kiên cố dưới lòng đất phục vụ cán bộ, công nhân và người dân suốt thời chiến, cao điểm lên tới hàng nghìn suất mỗi ngày. Nhờ kết cấu vững chắc, hai lần bom Mỹ đánh trúng khu vực, toàn bộ khách và nhân viên dưới hầm vẫn an toàn. Năm 1979, công trình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Cùng với quán ăn dưới hầm, “Cửa hàng cắt tóc dưới hầm” (ngõ 96 phố Nguyễn Du) cũng ra đời trong thời chiến tranh phá hoại ác liệt. Khai trương ngày 2/9/1966, tiệm cắt tóc nằm sâu dưới mặt đất, với hai thợ thay nhau phục vụ ngay cả khi bom đạn ác liệt. Sự hiện diện kiên cường của tiệm cắt tóc ngầm suốt những năm tháng đó đã tiếp thêm tinh thần lạc quan cho quân dân địa phương. Công trình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1979.
Với hệ thống di tích cách mạng phong phú, phường Nam Định đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị những “địa chỉ đỏ” này. Đồng chí Phạm Hồng Thái, Chủ tịch UBND phường Nam Định cho biết: chính quyền sẽ tiếp tục vận động người dân giữ gìn cảnh quan sạch đẹp tại các điểm di tích, đồng thời phối hợp với ngành giáo dục nhằm truyền tải những giá trị lịch sử địa phương tới học sinh. “Sau sáp nhập, phường Nam Định được mở rộng, tập trung nhiều di sản quý báu. Chúng tôi xác định những di tích cách mạng, kháng chiến trên địa bàn là tài sản tinh thần vô giá, là nguồn lực giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Vì vậy, công tác bảo tồn, tôn tạo và quảng bá giá trị của các di tích luôn được ưu tiên hàng đầu”, Chủ tịch UBND phường Nam Định Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.
Nơi lắng đọng hào khí Đông A
Không chỉ tự hào với các địa chỉ đỏ, phường Nam Định còn là miền đất “địa linh nhân kiệt” lắng đọng hào khí Đông A của vương triều Trần. Từ thế kỷ XIII, vùng Thiên Trường (Tức Mặc xưa) nơi đây đã ghi dấu những trang sử oanh liệt của nhà Trần, triều đại ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Hiện nay, phường Nam Định sở hữu quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Chùa Tháp (Chùa Phổ Minh). Đây là những di sản tiêu biểu, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và kiến trúc thời Trần.

Múa rồng trong lễ hội Khai ấn Đền Trần.
Quần thể Đền Trần Chùa Phổ Minh nằm trên nền đất xưa của phủ Thiên Trường, “kinh đô thứ hai” dưới thời Trần. Trải qua bao biến cố, các cung điện nguy nga bị tàn phá, nhưng nhiều dấu tích thời Trần vẫn được tìm thấy qua khảo cổ. Nền móng kiến trúc, gạch ngói hoa chanh, gốm sứ đề chữ “Thiên Trường phủ chế”… được phát lộ cho thấy phần nào quy mô tráng lệ của cụm cung điện Trần tại Thiên Trường xưa. Đền Trần gồm ba ngôi đền: Thiên Trường (đền Thượng), Cố Trạch (đền Hạ) và Trùng Hoa (phục dựng năm 2000). Đây là nơi thờ các vua Trần, hoàng tộc cùng các quan tướng phò tá triều Trần. Các vua Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đều được phụng thờ trang nghiêm. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền vẫn lưu giữ một số cổ vật quý như chân tảng đá sen thời Trần và bộ cánh cửa gỗ chạm khắc từ thế kỷ XVII. Đền Cố Trạch thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng gia quyến, xây dựng cuối thế kỷ XIX. Đền Trùng Hoa được phục dựng theo kiến trúc cổ, góp phần hoàn chỉnh cụm di tích Đền Trần.
Cách Đền Trần khoảng 300m về phía tây, Chùa Phổ Minh (tức Chùa Tháp) là danh lam cổ tự nổi tiếng, gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Tương truyền chùa có từ thời Lý và được mở rộng dưới thời Trần. Ngày nay, chùa Phổ Minh vẫn giữ được kiến trúc bề thế kiểu “nội công ngoại quốc” cùng nhiều dấu tích cổ. Nổi bật nhất là Tháp Phổ Minh 14 tầng cao gần 20m, được dựng đầu thế kỷ XIV và tương truyền là tháp mộ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trải qua hơn 7 thế kỷ, tháp Phổ Minh vẫn sừng sững uy nghi, trở thành biểu tượng của Phật giáo thời Trần.

Đền Bảo Lộc - nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Ngoài Đền Trần Chùa Phổ Minh, trên địa bàn phường Nam Định còn có các di tích thời Trần giá trị khác. Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc xưa) được coi là quê hương thời niên thiếu của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ban đầu chỉ là ngôi đền nhỏ, về sau được trùng tu mở rộng (1928) thành quần thể kiến trúc lớn với nhiều hạng mục: đền thờ Trần Hưng Đạo, chùa Phật, phủ Mẫu và đền Khải Thánh. Hiện đền còn lưu giữ tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng cùng nhiều cổ vật quý. Hằng năm, lễ hội “tháng Tám giỗ Cha” (20/8 âm lịch) tại đền Bảo Lộc thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Cách đền Bảo Lộc hơn 1 km, Đền Lựu Phố thờ Thái sư Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần nhà Trần. Đền có kiến trúc cổ kính, còn bảo lưu một số dấu tích thời Trần như chân tảng đá sen và sắc phong cổ. Lễ hội truyền thống đền Lựu Phố diễn ra ngày 7/7 âm lịch, tưởng nhớ công lao gây dựng triều Trần của Thái sư Trần Thủ Độ. Cả hai ngôi đền đều đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Phát huy lợi thế là vùng đất “địa linh” với mật độ di sản dày đặc, phường Nam Định tập trung đẩy mạnh kết nối các điểm di tích nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch bền vững. Đồng chí Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích Đền Trần Chùa Tháp cho biết: “Công tác tu bổ, tôn tạo các hạng mục luôn được triển khai định kỳ, song song với việc nâng cao chất lượng thuyết minh, hoàn thiện hạ tầng phục vụ du khách. Đặc biệt, lễ hội khai ấn Đền Trần và lễ hội truyền thống Đền Trần luôn được tổ chức chu đáo, văn minh, tạo dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương”.
Với sự đồng lòng của chính quyền, nhân dân và các cơ quan chức năng, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn phường Nam Định được gìn giữ bền vững, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển văn hóa đô thị, góp phần làm giàu thêm bản sắc địa phương và gìn giữ mạch nguồn truyền thống của dân tộc./.