Từ tháng 7/2025, vợ chồng đi xe của nhau có bị CSGT xử phạt lỗi xe không chính chủ từ 4–8 triệu đồng?

Thời gian gần đây, nhiều người dân tỏ ra hoang mang trước thông tin từ tháng 7/2025, những trường hợp vợ chồng hoặc anh em mượn xe của nhau có thể bị Cảnh sát giao thông xử phạt với lỗi 'đi xe không chính chủ' với mức tiền từ 4 đến 8 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, đây là cách hiểu chưa chính xác.

Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hiện nay không tồn tại khái niệm và cũng không có chế tài xử phạt nào dành cho lỗi "đi xe không chính chủ". Thay vào đó, pháp luật chỉ xử lý các hành vi không thực hiện thủ tục đăng ký sang tên xe theo đúng quy định khi có mua bán, chuyển nhượng hoặc tặng cho phương tiện. Nếu trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT phát hiện xe đã được chuyển nhượng mà chưa thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ thì chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính.

Đối với trường hợp người dân mượn xe của nhau – bao gồm cả vợ chồng, anh em, bạn bè – nếu khi tham gia giao thông có mang đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ như Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, giấy đăng kiểm (đối với ô tô) và giấy tờ tùy thân thì sẽ không bị CSGT xử phạt. Việc điều khiển phương tiện không đứng tên chính chủ trong giấy đăng ký xe là hoàn toàn hợp pháp nếu người điều khiển không vi phạm luật giao thông và có đủ giấy tờ cần thiết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người tham gia giao thông cần mang theo những giấy tờ gì để tránh bị xử phạt?

Khi CSGT kiểm tra hành chính, người điều khiển phương tiện cần xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ sau để tránh bị xử phạt về lỗi không sang tên xe, dù tên trên Giấy đăng ký xe và giấy tờ tùy thân không trùng khớp:

– Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) của người điều khiển xe.

– Giấy đăng ký xe.

– Bằng lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy hoặc ô tô.

– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ô tô).

Mức xử phạt lỗi không sang tên xe (thường bị gọi nhầm là "xe không chính chủ") năm 2025

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với lỗi không làm thủ tục sang tên xe được quy định cụ thể như sau:

Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:

– Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

Kết luận: Vợ chồng, anh em hoặc bạn bè khi mượn xe của nhau sẽ không bị xử phạt lỗi "xe không chính chủ" từ 4–8 triệu đồng như một số tin đồn lan truyền. Tuy nhiên, để tránh rắc rối trong quá trình kiểm tra hành chính, người điều khiển phương tiện cần đảm bảo mang đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Điều quan trọng là việc mượn xe không đồng nghĩa với hành vi mua bán, chuyển nhượng, do đó không bắt buộc phải sang tên xe trong những trường hợp này.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tu-van-phap-luat/tu-thang-7-2025-vo-chong-di-xe-cua-nhau-co-bi-csgt-xu-phat-loi-xe-khong-chinh-chu-tu-4-8-trieu-dong/20250508093418420
Zalo