Từ tầm nhìn của Tổng Bí thư: Việt Nam - một dân tộc, một tương lai

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần hòa hợp dân tộc, vì mục tiêu chung xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết đặc biệt: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” tổng kết những bài học lịch sử quý báu và định hướng cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Một trong những thông điệp sâu sắc được Tổng Bí thư nhấn mạnh là tinh thần hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai, vì mục tiêu chung xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường.

Bài học hòa hợp từ quá khứ

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ những cảm xúc sâu sắc khi chứng kiến các cuộc gặp gỡ giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Hoa Kỳ - những người từng ở hai bên chiến tuyến: “Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Hoa Kỳ - những người từng đứng ở hai bên chiến tuyến, từng cầm súng đối đầu, nay có thể bắt tay, trò chuyện, chia sẻ với nhau bằng sự thấu hiểu chân thành và không còn mặc cảm”.

Từ những hình ảnh xúc động ấy, Tổng Bí thư nêu bật một chân lý giản dị mà sâu sắc, thấm thía: Nếu những người từng trực tiếp đối đầu bằng súng đạn nay có thể bắt tay hòa giải, thì người Việt Nam - cùng chung huyết thống Lạc Hồng - không có lý do gì để tiếp tục chia rẽ, oán hận lẫn nhau.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ - từ cựu thù - đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác vì hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì an ninh và ổn định khu vực. Vậy thì không có lý do gì để những người Việt Nam - cùng chung huyết thống, cùng một mẹ Âu Cơ, luôn đau đáu về một đất nước thống nhất, phồn vinh - lại còn mang mãi trong lòng nỗi hận thù, chia rẽ và ngăn cách”.

Thông điệp sâu sắc, nhân văn ấy của người đứng đầu Đảng ta không chỉ gợi nhắc bài học lịch sử, mà còn soi đường cho hiện tại và tương lai: Hòa hợp dân tộc là con đường tất yếu để phát triển đất nước. Đó không chỉ là sự chiêm nghiệm quá khứ mà còn là lời kêu gọi cho tương lai.

Sức mạnh của Việt Nam luôn có nguồn cội từ sự đại đoàn kết. Ảnh minh họa.

Sức mạnh của Việt Nam luôn có nguồn cội từ sự đại đoàn kết. Ảnh minh họa.

Thông điệp này còn mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tổng Bí thư kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước trên tinh thần bao dung và trách nhiệm.

Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng, kiến tạo và phát triển”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nửa thế kỷ của đoàn kết, của hành trình dựng xây Tổ quốc

Những cảm xúc chân thành, những dẫn chứng sinh động và lập luận thuyết phục trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền đi cảm hứng mạnh mẽ tới đồng bào cả trong nước lẫn ở nước ngoài về một tương lai tươi sáng.

Đó là một nước Việt Nam thống nhất trong lòng dân tộc, phồn vinh, hùng cường trong phát triển và bền vững trong hòa bình. Ở đây, sự hòa hợp dân tộc không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là nền tảng cho tương lai, cũng là để khẳng định vị thế Việt Nam.

Năm mươi năm sau ngày non sông nối liền một dải, Việt Nam đã không ngừng vươn mình mạnh mẽ. Kinh tế liên tục tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế quốc gia không ngừng nâng cao trên trường quốc tế. Những thành tựu đó bắt nguồn từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - từ tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, cùng nhau chung sức dựng xây đất nước.

Nhìn lại hành trình ấy, càng thấy giá trị lớn lao của hòa hợp dân tộc. Đó không chỉ là sự hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại, mà còn là nền tảng để Việt Nam hội nhập sâu rộng, trở thành một đối tác tin cậy, một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Gắn bó bền chặt: Người Việt Nam trong và ngoài nước chung một tấm lòng

Tinh thần hòa hợp và đoàn kết dân tộc cũng đang được thể hiện mạnh mẽ qua sự gắn bó keo sơn giữa người Việt Nam trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Hiện nay, hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở bất cứ đâu, cộng đồng người Việt vẫn luôn hướng về Tổ quốc bằng những hành động cụ thể và đầy ý nghĩa. Năm 2024, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt trên 18 tỷ USD, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Không chỉ đóng góp về kinh tế, kiều bào còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia quảng bá hình ảnh đất nước và lan tỏa những giá trị Việt Nam, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, và tích cực vận động quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Những hoạt động cộng đồng nhân ngày lễ lớn, những đợt quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra... Tất cả đều thể hiện một tinh thần gắn bó máu thịt, một niềm tự hào không bao giờ phai mờ về cội nguồn dân tộc.

Chính sách đại đoàn kết dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước, với nhiều chính sách thiết thực như Nghị quyết 36-NQ/TW đã tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài gắn kết mật thiết hơn với quê hương, chung tay vào công cuộc dựng xây đất nước.

Và tại sự kiện diễu binh, diễu hành năm nay tại TP. Hồ Chí Minh mừng ngày hội lớn của non sông, của đất nước- hình ảnh tiêu biểu cho sự đoàn kết, cho sức mạnh dân tộc, lần đầu tiên, trong khối diễu hành sẽ có khối diễu hành của đoàn kiều bào tiêu biểu. Cùng với đó, dự kiến có hơn 100 đại biểu kiều bào từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự vào sự kiện quan trọng này của đất nước trong năm 2025.

Việt Nam: Một dân tộc, một tương lai

Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là lời nhắc nhở về giá trị hòa bình, mà còn là lời hiệu triệu toàn dân cùng hướng về một tương lai chung. 50 năm sau ngày thống nhất, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên mạnh mẽ, nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi mọi người dân đồng lòng, gạt bỏ những chia rẽ để cùng nhau kiến tạo một đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Như lời Tổng Bí thư trong bài viết: “Trước đây, không một người Việt Nam chân chính nào muốn đất nước mình bị chia cắt. Ngày nay, chắc chắn không một người Việt Nam chân chính nào lại không mong đất nước mình ngày càng hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Đó không chỉ là thông điệp của quá khứ, mà còn là kim chỉ nam cho hành trình phía trước.

Niềm tin vững chắc vào tương lai

Thông điệp sâu sắc, nhân văn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chạm tới trái tim của hàng triệu người Việt Nam: Hòa hợp dân tộc không chỉ là hàn gắn quá khứ, mà còn là hành động tích cực vì tương lai - tương lai của một đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường và trường tồn.

Trong tương lai của đất nước luôn có tương lai của mỗi người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu. Đó là mẫu số chung không thể phủ định.

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, càng thôi thúc, càng gắn kết mỗi người Việt Nam thêm trân trọng hòa bình, củng cố đoàn kết, lan tỏa tinh thần yêu nước, vượt qua sự ngăn cách, mọi định kiến, mọi hận thù.

Đó chính là con đường để Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên, thực hiện khát vọng trở thành quốc gia phát triển, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ trên toàn thế giới.

Đó phải chăng cũng là tiếp nối bài học về sự hòa hiếu làm trọng để phát triển mà danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tổng kết lại trong Bình Ngô đại cáo bất hủ và lời ngẫm của danh sĩ Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng.

Rằng cội nguồn của sự muôn thuở thanh bình là “bất tại quan hà chi hiểm hề/duy tại ý đức chi mạc kinh” (bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”. Ngày kỷ niệm 30/4 năm nay sẽ là dấu mốc lớn của tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-tam-nhin-cua-tong-bi-thu-viet-nam-mot-dan-toc-mot-tuong-lai-385120.html
Zalo