Tự tái cơ cấu mở ra tương lai cho Eximbank

Sở hữu tiềm lực mạnh về lịch sử phát triển, hệ sinh thái khách hàng rộng lớn, cơ cấu cổ đông 'cô đặc' và định hướng chuyển trụ sở chính ra Hà Nội, theo các chuyên gia, Eximbank (EIB) sẽ sớm trở lại đường đua ngành Ngân hàng Việt Nam.

Dấu mốc quan trọng tạo chuyển biến tích cực

Ngành tài chính - ngân hàng đang đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi lớn trong thời gian tới, khi các yếu tố công nghệ, biến động kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ đang đồng thời định hình lại thị trường.

Eximbank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam.

Eximbank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam.

Ra đời từ năm 1989, Eximbank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, ngân hàng đã xây dựng được nền tảng tài chính ổn định, hệ thống chi nhánh rộng khắp và mạng lưới đối tác quốc tế mạnh mẽ.

Với lợi thế tập trung vào khu vực miền Nam, Eximbank đã thiết lập mạng lưới khách hàng trung thành bao gồm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Điều này giúp ngân hàng có cơ hội mở rộng dịch vụ và tăng trưởng doanh thu bền vững.

Trước những thay đổi lớn của ngành tài chính - ngân hàng, Eximbank đã có bước đi quan trọng khi tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, các cổ đông Eximbank chính thức thông qua quyết định chuyển Hội sở chính từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

Không chỉ thể hiện sự đồng lòng của cổ đông trong việc mở rộng thị trường để đón tiềm năng mới, động thái này còn cho thấy quyết tâm tạo nên một khởi đầu mới, đặt nền móng cho những cải cách chiến lược trong quản trị và vận hành của Eximbank.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng: Việc chuyển trụ sở ra Hà Nội giúp Eximbank thuận tiện cho việc thu thập và xử lý các thông tin hành chính, kinh tế vĩ mô; thuận tiện cho các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở và giao dịch ngoại hối là các giao dịch cần xử lý thông tin và ra quyết định nhanh.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà sáng lập First Vietnamese American Bank tại Mỹ, trụ sở chính là bộ mặt của ngân hàng và việc chọn địa điểm đặt trụ sở của Eximbank mang tính chiến lược quan trọng. Động thái quyết định dời hội sở từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội cho thấy những tín hiệu tích cực từ Eximbank.

Hơn nữa, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt là NHNN đặt trụ sở tại đây. Điều này đem lại thuận lợi cho ngân hàng trao đổi, làm việc với cơ quan quản lý.

Củng cố nền tảng tài chính vững chắc

Cùng với việc chuyển trụ sở, mở rộng thị trường, Eximbank đã tiến hành cải tổ toàn diện từ thượng tầng lãnh đạo đến cơ cấu quản trị. Sự tham gia mạnh mẽ và định hướng chiến lược từ các cổ đông lớn thời gian gần đây đã trở thành yếu tố then chốt giúp kết quả kinh doanh của ngân hàng cải thiện rõ rệt.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Eximbank đạt kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng tài sản tăng 11% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn tăng 9,1% từ đầu năm và 12,2% so với cùng kỳ, trong khi dư nợ cho vay tăng 15,1% và đạt mức tăng trưởng 18,9% so với năm trước.

Báo cáo quý 3/2024 của Eximbank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của EIB đạt 904 tỉ đồng, tăng 11% so với quý 2 và tăng gần gấp 2 lần (hơn 597 tỉ đồng) so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn CAR luôn ở ngưỡng 12 - 14%, vượt ngưỡng quy định 8% của NHNN. S&P Global Ratings cũng giữ nguyên mức tín nhiệm B+ với triển vọng “Ổn định”, khẳng định uy tín và tiềm lực phát triển của nhà bằng này.

Ngày 27/11, Eximbank huy động thành công 1.400 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính quốc tế thông qua phát hành trái phiếu cấp 1 kỳ hạn 5 năm. Thương vụ này giúp Eximbank giảm áp lực vốn ngắn hạn, tối ưu hóa cấu trúc vốn và nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trong ngành Ngân hàng.

Cùng với việc chuyển trụ sở, mở rộng thị trường, Eximbank đã tiến hành cải tổ toàn diện từ thượng tầng lãnh đạo đến cơ cấu quản trị.

Cùng với việc chuyển trụ sở, mở rộng thị trường, Eximbank đã tiến hành cải tổ toàn diện từ thượng tầng lãnh đạo đến cơ cấu quản trị.

Trước đó, ngày 25/11, Eximbank được NHNN chấp thuận nâng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua.

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank từ 75 triệu USD lên 115 triệu USD nhờ hoạt động kinh doanh minh bạch và quản trị rủi ro hiệu quả. Sự kiện này giúp Eximbank tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

“Tăng vốn điều lệ là tiền đề để tăng quy mô tổng tài sản của ngân hàng (tăng huy động và cho vay). Mặt khác tăng vốn điều lệ cũng làm tăng khả năng chịu rủi ro cho ngân hàng (tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR) theo quy định của NHNN”, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.

Hiện Eximbank đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, dẫn dắt bởi tính chuyên nghiệp và liêm chính”. Đây không chỉ là tầm nhìn chiến lược được ngân hàng công bố, mà còn là kỳ vọng lớn từ khách hàng và các nhà đầu tư.

Để đạt được mục tiêu nói trên, theo các chuyên gia, Eximbank cần tiếp tục tập trung vào tái cơ cấu quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc, ổn định để sớm trở lại vị thế một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.

“Chỉ cần HĐQT có được sự thống nhất cao về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu ổn định lâu dài, bền vững là Eximbank phát triển đột phá vì ngân hàng này có những lợi thế nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu”, PGS - TS. Nguyễn Hữu Huân, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

A.K

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tu-tai-co-cau-mo-ra-tuong-lai-cho-eximbank-159979.html
Zalo