Từ sự vô lễ với cựu chiến binh, hãy để người trẻ có cơ hội sửa sai !
Ai trong chúng ta cũng từng mắc phải sai lầm và chỉ khi nào có bản lĩnh nhận ra lỗi, sửa sai mới giúp trưởng thành hơn.
Những ngày qua, cộng đồng mạng phẫn nộ vì nhóm sinh viên có hành động vô lễ với các cựu chiến binh trong dịp lễ 30-4. Điều đáng nói, cộng đồng mạng đã liên tục tấn công vào người thân, bạn bè, thậm chí vào tận Fanpage trường đại học để bình luận tiêu cực.
Bình luận "dạo" vẫn có thể bị xử phạt
Tưởng chừng như đó là việc "đòi lấy công bằng" cho xã hội nhưng thực tế, hành động này lại đang đi ngược với pháp luật. Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (trừ trường hợp luật có quy định khác)
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thế, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Bình Yên (TP HCM), khẳng định việc truy ra địa chỉ nhà và công khai thông tin của các cá nhân lên mạng xã hội (dù đúng hay sai) cũng đều vi phạm pháp luật Việt Nam cả về dân sự, hành chính và có thể hình sự tùy mức độ.
Luật sư Phan Văn Tú, Văn phòng Luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt tiền từ 2 -3 triệu đồng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm. Hơn nữa, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì hành vi xâm phạm vào bí mật đời tư còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bài học sâu sắc cho người trẻ
TS Đào Lê Hòa An, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi - Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, cho biết tuổi trẻ thường đi kèm với những thử nghiệm, sai lầm và đôi khi là những phán đoán kém. Điều cốt yếu trong quá trình trưởng thành tâm lý xã hội không phải là sự hoàn hảo, không vấp ngã mà là khả năng nhận diện sai lầm, đối mặt với hậu quả, học hỏi, từ đó điều chỉnh hành vi.
Thiết nghĩ, sai ở đâu thì nên đứng lên ở đó. Bạn trẻ ấy nên dũng cảm chủ động tìm gặp, đối mặt trực tiếp với người mình đã làm tổn thương để bày tỏ sự hối lỗi.
Lời xin lỗi chỉ thực sự mang ý nghĩa hàn gắn về mặt tâm lý khi nó xuất phát từ sự hối lỗi chân thành và được củng cố bằng những hành động sửa chữa cụ thể

TS Đào Lê Hòa An, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi - Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam
Theo TS An, sự việc lần này không chỉ là bài học riêng của người trong cuộc mà là lời nhắc cho tất cả chúng ta về trách nhiệm giữ gìn lòng biết ơn, sự tôn trọng và những giá trị văn hóa cốt lõi, cùng nhau xây dựng một xã hội nhân văn và vững mạnh hơn.
"Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" là câu tục ngữ được ông cha ta truyền qua bao đời nay. Việt Nam chúng ta không chỉ có truyền thống yêu nước nồng nàn và cũng là dân tộc có lòng vị tha, bao dung.

Những ngày qua, đoạn video quay cảnh nhóm sinh viên có hành động vô lễ với cựu chiến binh xảy ra vào rạng sáng 30-4 khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Trong vụ việc đáng tiếc lần này, bản thân người trong cuộc là những sinh viên đã xin lỗi, nhà trường cũng đã họp gấp để đưa ra hướng xử lý, thiết nghĩ cộng đồng mạng nên nhẹ nhàng hơn với người trẻ. Hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, giúp họ nhận thấy những giá trị của cuộc sống nhiều hơn là những bình luận chê trách trên mạng xã hội.