Từ sông Chao Phraya bàn về khai thác du lịch trên sông Hương

Chao Phraya là dòng sông du lịch nổi tiếng ở Băng Cốc, Thái Lan, với nhiều dịch vụ phong phú. Khi so sánh với sông Hương ở Huế, hai dòng sông có nhiều nét tương đồng về khả năng phát triển du lịch, nhưng thực tiễn khai thác có sự khác biệt.

 Dòng Hương

Dòng Hương

Với người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng, nếu đã có dịp đi du lịch ở “xứ sở chùa vàng”, gần như chắc chắn sẽ tham gia đi thuyền và trải nghiệm một số dịch vụ trên dòng sông Chao Phraya. Bởi trong hầu hết lịch trình tour khi sang du lịch Băng Cốc, đi thuyền trên sông Chao Phraya là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình khám phá đất nước Thái Lan.

Du lịch trên sông Chao Phraya sôi động cả ngày lẫn đêm. Trên sông, du khách có thể tham gia vào những buổi tiệc ẩm thực độc đáo được tổ chức ngay trên các du thuyền. Có thể thưởng thức, khám phá từ những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của đất nước Thái Lan cho đến những loại hình hiện đại.

Vì sao dịch vụ du lịch trên sông Chao Phraya phát triển? Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lý do, nhưng tựu chung có một số yếu tố then chốt như: Dòng sông chảy qua trung tâm thành phố Băng Cốc, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân. Hai bên bờ sông dọc hành trình tour là những điểm đến nổi tiếng của Thái Lan. Từ sông, du khách có thể dừng lại, di chuyển lên các điểm du lịch rồi lại quay trở lại thuyền tiếp tục hành trình tour. Chính vì thế mà đi thuyền trên sông Chao Phraya trở thành nét độc đáo riêng có.

 Du khách trải nghiệm cho cá ăn trên sông Chao Phraya

Du khách trải nghiệm cho cá ăn trên sông Chao Phraya

Lý do nữa là các loại thuyền được sử dụng rất nhiều chủng loại, từ đơn giản, các loại thuyền mang nét truyền thống, đến những loại du thuyền đẳng cấp 5 sao... Thậm chí là những loại thuyền “mui trần” phục vụ khách theo kiểu “Hop on hop off”, cũng được khai thác nhiều trên dòng sông này. Và quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp du lịch xác định đây là sản phẩm quan trọng, bằng chứng là hầu hết các hãng lữ hành ở Băng Cốc đều đưa trải nghiệm trên sông vào tour khi bán lại cho các đối tác; trong đó, có đối tác ở TP. Huế.

Từ sự phát triển du lịch trên sông Chao Phraya, có nhiều suy nghĩ về sông Hương. Bởi lẽ, hai dòng sông có những nét tương đồng đến kỳ lạ. Cả hai đều được xem là dòng sông huyền thoại, có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố nơi hai dòng sông chảy qua. Hai bên bờ sông đều có những điểm du lịch nổi tiếng, nhất là những điểm đến truyền thống, gắn với Hoàng gia Thái Lan và còn ở Huế là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam; thêm nữa, cả hai cũng được tận dụng để khai thác du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là điểm khác lớn nhất vì mức độ khai thác có sự chênh lệch rõ ràng.

Dù chưa có con số thật cụ thể để so sánh sự phát triển du lịch giữa hai dòng sông Chao Phraya và sông Hương, nhưng có thể khẳng định là sự khác nhau rất lớn. Đầu tiên là số lượng thuyền khai thác du lịch và sự nhộn nhịp trên hai dòng sông là đối lập. Với sông Chao Phraya, tàu thuyền tấp nập, còn sông Hương thì bên cạnh thuyền rồng đang giảm dần số lượng, số thuyền được đóng theo mẫu mới cũng chưa nhiều. Hạ tầng để phục vụ khai thác du lịch cũng khác nhau. Ở sông Chao Phraya theo thông tin từ cơ quan chức năng của TP. Băng Cốc vào cuối năm 2023 có 29 bến thuyền dọc theo con sông ở đoạn trung tâm để khai thác du lịch, mỗi năm dự kiến xây dựng thêm 3 - 4 bến. Còn ở sông Hương đoạn qua khu trung tâm chỉ có 3 bến thuyền: Tòa Khâm, số 5 Lê Lợi và chùa Thiên Mụ.

Dịch vụ được khai thác trên hai sông cũng có sự khác nhau. Không tính đến việc khai thác thành loại hình vận tải khách tham du lịch, chỉ tính về các dịch vụ được khai thác trên thuyền, như ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật thì trên sông Hương cũng cho thấy sự khiêm tốn. Ở trên sông Hương chỉ dừng lại ở dịch vụ ca Huế, với giá vé chỉ 100 nghìn đồng/khách (nếu mua nhiều còn rẻ hơn), nguồn thu từ du lịch đường sông ở Huế là không lớn trong tổng mức chi tiêu của khách.

Du lịch trên sông Hương chậm phát triển, chậm đổi mới không phải được đề cập mới đây mà ít nhất phải trên 20 năm. Xét về tiềm năng, sông Hương không hề thua kém sông Chao Phraya. Dù có những yếu tố khách quan chi phối, kìm hãm sự phát triển đó, nhưng sòng phẳng mà đánh giá thì chúng ta đang bị động trong cách làm. Lấy một minh chứng là số lượng thuyền rồng trên sông Hương đến hạn dừng hoạt động mỗi lúc tăng lên, khách du lịch đến Huế khó mua vé nghe ca Huế trên sông. Nhưng phương án thay thế, bổ sung, hay tăng thêm dịch vụ thay thế khác trên sông Hương vẫn chưa thấy có sự chuyển biến.

Thúc đẩy khai thác du lịch đường sông là yếu tố quan trọng để góp phần vào sức hút cho du lịch Cố đô. Điều đã và đang tiếp tục được đặt ra.

Quang Sang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/tu-song-chao-phraya-ban-ve-khai-thac-du-lich-tren-song-huong-152469.html
Zalo