Từ Rừng Sác đến Sài Gòn
Tại ngôi nhà nằm sâu trong thôn Hoàng Pha, xã Hoàng Động, TP Thủy Nguyên (Hải Phòng), tôi có buổi trò chuyện thân tình với Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lương Văn Mướt. Khi nhắc đến những trận chiến đấu ở cửa ngõ Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, đôi mắt ông ngấn lệ. Từ Rừng Sác tới Sài Gòn chỉ hơn 20km đường chim bay và hơn 40km đường bộ, nhưng ông và đồng đội phải đi mất nhiều năm với bao máu xương và sự hy sinh...
Trước khi nghỉ hưu vào năm 1991, Trung tá Lương Văn Mướt công tác tại Trung đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông trong Tổ phái viên của Sư đoàn Đặc công 2, có nhiệm vụ theo dõi, tham mưu, chỉ đạo Tiểu đoàn Đặc công 15 thuộc Trung đoàn Đặc công 115 chiến đấu và giữ cầu Bình Phước, một phần chủ yếu trên hướng tiến công phía Đông của quân ta.
Ngày 24-4-1975, Tiểu đoàn Đặc công 15 đánh chiếm các cầu: Bình Phước, Tân An, Rạch Cát, Chợ Mới, cầu Sắt; sau đó đánh lui nhiều đợt phản kích của địch trong ngày 29-4-1975. Sáng 30-4-1975, tại cầu Bình Phước diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt và phía ta vẫn có những chiến sĩ ngã xuống. Đúng 8 giờ 30 phút, một đội quân hùng dũng rầm rập qua cầu Bình Phước tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông Mướt cũng nhập vào đoàn quân ấy đánh chiếm các mục tiêu...

Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lương Văn Mướt và vợ.
Câu chuyện giữa tôi và người CCB già quay trở lại những ngày tháng gian khó ở Chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh hiện nay).
Năm 1965, chàng thanh niên Lương Văn Mướt nhập ngũ, huấn luyện ở Quảng Yên (Quảng Ninh) rồi vượt Trường Sơn vào miền Nam. Từ tháng 7-1967, chiến sĩ Lương Văn Mướt có mặt ở Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác và lăn lộn chiến đấu trên chiến trường đặc biệt này cho đến gần ngày giải phóng. Theo hồ sơ, những năm ở chiến trường, Lương Văn Mướt đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 57 trận; đánh chìm 9 tàu chiến và tàu hàng quân sự của địch (trong đó 8 tàu trọng tải từ 8.000 đến 13.000 tấn); đánh sập 1 cầu cảng Nhà Bè, phá hủy 3 khẩu pháo 105mm, 1 khẩu cối 120mm, 1 khẩu đại liên, tiêu diệt nhiều sinh lực địch... Trong nhiều chiến công có sự tham gia trực tiếp của Anh hùng Lương Văn Mướt, tôi đặc biệt ấn tượng với những trận đánh vào kho xăng Nhà Bè, nhất là những trận diễn ra trong năm 1972, 1973.
CCB Lương Văn Mướt nhớ lại, khoảng đầu tháng 10-1972, chỉ huy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác giao cho ông làm Phân đội trưởng, cùng 2 đồng chí Phúc, Khay đi điều nghiên, trinh sát. Sau nhiều ngày "ăn, ngủ" trên sông Sài Gòn để nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, tổ của ông đã xác định mục tiêu chuẩn xác và tìm ra cách đánh phù hợp. Đêm 17-10-1972, ông và chiến sĩ Phúc nhận 2 quả mìn, mỗi quả 18kg, có ngòi chống tháo gỡ. Hai người bơi ngược sông, kéo mìn vượt qua nhiều trạm gác của địch. Đến nơi, hai ông sử dụng kỹ thuật thả ống, nhanh chóng đột nhập vào cảng Cát Lái, gắn 2 quả mìn vào mục tiêu, hẹn giờ và bí mật vượt ra ngoài. 30 phút sau mìn nổ, con tàu trọng tải 8.000 tấn chở nhiều vũ khí của Mỹ bị phá hủy hoàn toàn.
10 ngày sau, hai người lại được giao nhiệm vụ tiếp tục đánh một mục tiêu nữa tại cảng Cát Lái. Cũng như lần trước, hai ông bí mật bơi đến mục tiêu. Trên bờ, địch thường xuyên bắn và ném lựu đạn vu vơ vào những cụm lộc bình trôi trên sông. Lúc ông Khay đang bơi phía trước chếch về phía bên phải, cách ông Mướt khoảng 5m thì bỗng có tiếng la hét, quát tháo, tiếng ca nô gầm rú man rợ, tiếng súng nhả đạn khô khốc. Ông Mướt tưởng đã bị lộ, nhưng quan sát thấy ông Khay vẫn "án binh bất động" thì vội ra hiệu lặn sâu xuống đáy sông, tản ra vị trí khác. Sau một hồi quần lượn, chửi đổng vu vơ, chiếc ca nô chạy về phía cảng rồi tắt máy. Hai chiến sĩ đặc công nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và đặt hai trái mìn hẹn giờ tại đáy khoang máy tàu địch. 30 phút sau, một quầng sáng lóe lên kèm tiếng nổ long trời lở đất. Con tàu 10.000 tấn chở đầy vũ khí, phương tiện chiến tranh của Mỹ đã bị phá hủy.
Hoàn thành nhiệm vụ, ông Mướt và ông Khay mỗi người một hướng bơi về căn cứ. Đến ngã ba sông Lòng Tàu-Đồng Tranh, cách bờ khoảng 15m thì bất ngờ một con cá sấu lao tới ngoạm vào chân phải của ông Mướt. Ông Mướt lập tức rút dao găm, quay người đâm trúng mắt cá sấu. Bị dính đòn chí mạng, cá sấu oằn mình quẫy đuôi thật mạnh, hất ông ra. Ông Mướt nhanh chóng vượt lên bờ sông, máu từ vết răng cá sấu túa ra, tê buốt. Ông nhịn đau, hái lá cây dại nhai đắp và xé vải dù ga-rô vết thương. Do vết cắn của cá sấu khá sâu, lại trúng ngay đầu gối phải nên ông Mướt phải bò lết suốt 5 ngày mới về đến trạm chốt của đơn vị bạn...
Trở lại với trận đánh "xuất quỷ nhập thần" tiêu diệt kho xăng Nhà Bè năm 1973. Kho Nhà Bè cách căn cứ xuất phát của Đặc công Rừng Sác 20km và cách rừng thưa 8km; địa hình cách trở sông rạch, sình lầy, rộng nhất là sông Nhà Bè tới 1.300m. Sau nhiều lần đột nhập không thành, theo lệnh của chỉ huy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, Đội 21 bàn giao mục tiêu "khó nuốt" này cho Đội 5. Trên tăng cường cho Đội 5 một số chiến sĩ đặc công giỏi, như Hà Quang Vóc, Nguyễn Hồng Thế.
Suốt 6 tháng trời, cơm nắm, gạo rang, dầm nước, dãi nắng, nhưng các chiến sĩ đặc công không vượt qua được hàng rào chẻ ba cao 3,5m của địch. Chuyến đi thứ 13 (ngày 18-11-1973), gặp địch dùng dao phát cỏ gần đụng đầu, anh em phải lùi ra, nhưng may sao lại phát hiện chỗ hở của hàng rào "độc chiêu” này. Chuyến đi thứ 14, tổ đặc công đột nhập từ hướng Nam, luồn giữa kho Shell và cảng, kho Caltex cảng hải quân và sở chỉ huy đặc khu của chúng.
Sau khi nắm được toàn bộ “ruột gan” của kho xăng, Đội 5 báo cáo chỉ huy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác xây dựng kế hoạch, hạ quyết tâm phá hủy từ 80% đến 90% kho Shell vào đêm 3-12-1973. Ông Mướt nhớ lại, trong kế hoạch có 11 tình huống dự kiến, nhưng toàn bộ là phương án xông lên chứ không có phương án rút lui nửa chừng. Ngày 30-11-1973, đơn vị làm lễ xuất quân với khẩu hiệu "Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh". Đoàn trưởng Lê Bá Ước đọc mệnh lệnh chiến đấu, Đội phó Hà Quang Vóc thay mặt toàn đội thề: "Chưa đốt cháy kho Shell, chưa trở về!". Đội trưởng Cao Hồng Ngọt, Chính trị viên phó Lương Văn Mướt tiễn anh em tới tận bờ sông Nhà Bè.
0 giờ 35 phút ngày 3-12-1973, lửa bốc lên trời, kho Nhà Bè bùng nổ. Tiếp đó, kho xăng Shell bốc cháy, lửa sáng rực cả bầu trời, cháy suốt 9 ngày đêm. Đến ngày 11-12, lửa bắt sang bồn dầu ma-zút 11 triệu lít. Địch sợ cháy lây sang kho của hãng Caltex, phải mở khóa xả ống dẫn dầu. Dầu chảy lênh láng ra sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp... chảy tới tận Vàm Láng, Gò Công.
Kết quả trận đánh, kho Shell bị cháy 35 triệu gallon xăng dầu (tương đương 140 triệu lít), 12 bồn butaga, 1 tàu dầu Hà Lan 12.000 tấn, 1 cơ sở lọc dầu, 1 cơ sở trộn nhớt, 1 khu chứa lương thực, 1 khu nhà binh... thiệt hại tổng cộng khoảng 20 triệu USD. Trong trận đánh lịch sử này, đồng chí Bao và đồng chí Tiềm hy sinh, còn lại đều rút về căn cứ Rừng Sác an toàn.
CCB Lương Văn Mướt ngậm ngùi kể, sau này, nguồn tin từ cơ sở và nhân dân cho biết, 7 chiếc tàu địch đã vây chặt hai chiến sĩ Bao và Tiềm. Hai anh đã dùng lựu đạn để quyết tử, kéo theo hàng chục tên địch trên tàu bị tiêu diệt...
Nhìn những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt của CCB Lương Văn Mướt. Tôi hiểu, dù nửa thế kỷ trôi qua và giữa cuộc sống hòa bình hôm nay, nhưng vết thương lòng vẫn nặng trĩu trong những CCB may mắn được trở về như ông...