Từ quyết sách mang tính lịch sử
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa diễn ra, thống nhất cao chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập sẽ là 34 tỉnh, thành phố và thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng từ 60 đến 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Còn cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.
Như vậy, chức năng, quyền hạn và cả bộ máy của cấp xã sẽ cao hơn, lớn hơn, để đảm bảo được yêu cầu quản lý một khối lượng công việc nhiều hơn, khó hơn, đặc biệt là chính quyền sẽ phải gần dân hơn để lắng nghe, giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng, hợp pháp từ Nhân dân. Vấn đề này đã được đặt ra, trăn trở, nghiên cứu, và giờ là thời cơ vàng để cụ thể hóa.
Bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của Nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ Nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng.
Có thể nói, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính là hội nghị có tính lịch sử, bàn và quyết sách một vấn đề mang tính lịch sử, để từng bước kiến tạo, phát triển một bộ máy tương thích với quy mô, tốc độ lớn mạnh của dân tộc, phù hợp với thế giới. Bởi vậy, khi bắt tay vào thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không chỉ đơn giản là thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã với nhau và tăng chức năng, quyền hạn một cách cơ học cho xã mới, mà phải tính đến việc thực hiện các quyền hạn ấy như thế nào để sớm có những phương án, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, cũng cần phải sớm tính đến việc phân bổ tài nguyên, cơ sở vật chất một cách phù hợp, tránh lãng phí, nhất là hệ thống công sở xã, phường và các thiết chế đi kèm.
Một điều rất quan trọng nữa đó là khi thực hiện sáp nhập xã, phường, đội ngũ cán bộ, công chức đông lên, đòi hỏi việc sử dụng, phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm của cán bộ sao cho phù hợp, với mục tiêu tối ưu hóa năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ đó nâng cao chất lượng công việc, các nhiệm vụ công được thực hiện trơn tru, hiệu quả ở các địa bàn rộng, đặc biệt là ở những nơi mà mạng lưới dịch vụ công chưa phát triển đầy đủ.
Sự đổi mới này chỉ thành công khi chính quyền, cán bộ, công chức và người dân đều nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thay đổi, để cùng đồng lòng bắt tay thực hiện.