'Tự phong' siêu thị, coi chừng bị phạt
Nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ ở Hà Tĩnh dù không đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tự ý đặt tên siêu thị để thu hút khách hàng.
Hiện đang xuất hiện tình trạng cửa hàng buôn bán hàng hóa nhỏ lẻ nhưng chủ cơ sở treo biển hiệu đặt tên là siêu thị mặc dù không có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của một trong ba hạng siêu thị theo quy định. Điều này không chỉ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của các siêu thị đúng quy định.
Cơ sở kinh doanh các sản phẩm mẹ và bé A.D tại xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa được phân hạng siêu thị nhưng vẫn đặt biển hiệu là siêu thị A.D. Theo ghi nhận, diện tích cửa hàng này chưa đến 100m2 không đủ điều kiện để đặt tên siêu thị (tiêu chuẩn để được gọi là siêu thị phải có diện tích ít nhất 250m2 - PV).
Tương tự, một cửa hàng mẹ và bé khác cách đó không xa, thuộc địa bàn xã Cổ Đạm cũng được đặt tên là siêu thị mẹ và bé L.N.baby dù diện tích không đủ 250m2 và cũng không đảm bảo các điều kiện khác. Tại cửa hàng này, bảng tên “siêu thị” không đặt ngay phía trước cửa hàng mà chỉ đặt phía bên cạnh, song điều này cũng không đúng quy định và gây nhập nhèm, hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Cửa hàng mẹ và bé K.V tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) cũng trưng biển “tự phong” là siêu thị dù theo ghi nhận thực tế, cửa hàng này không đủ điều kiện về diện tích và các tiêu chuẩn khác.
Ngay ở TP Hà Tĩnh, ghi nhận 1 cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong đặt tên là siêu thị mẹ và bé dù có diện tích rộng trên 250 m2 nhưng cũng không đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn của siêu thị như: khu vệ sinh cho khách, bố trí nơi trông giữ xe, bố trí hàng hóa...
Được biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tuyên truyền, nhắc nhở một số cơ sở kinh doanh vi phạm tự tháo dỡ, xóa bỏ tấm biển siêu thị và xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng "tự phong" siêu thị vẫn diễn ra.
Đơn cử như tháng 8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh) đã xử phạt hộ kinh doanh do bà N.T.H.H. làm chủ tại thị trấn Đức Thọ với số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi vi phạm là “đặt tên gọi của cơ sở kinh doanh là siêu thị mà không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định”.
Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, bà N.T.H.H cho biết, chỉ kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa được phân hạng siêu thị, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định siêu thị để kinh doanh nhiều mặt hàng. Việc tự đặt tên gọi siêu thị trên biển hiệu nhằm thu hút người mua hàng.
Các loại hình bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng hóa tại các trung tâm thương mại, siêu thị với niềm tin về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh dù không đủ điều kiện vẫn tự phong siêu thị để “câu khách”, điều này có thể coi là đánh lừa khách hàng.
Chị Hà Trang (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) bày tỏ: “Khi mua hàng ở siêu thị, tôi vẫn nghĩ rằng sản phẩm yên tâm hơn về chất lượng, nguồn gốc nên chấp nhận mua hàng hóa với giá cao hơn so với ở chợ truyền thống và tạp hóa nhỏ. Do đó, nếu các cửa hàng nhỏ đặt tên siêu thị rất dễ gây hiểu nhầm với người dân, thậm chí là đang lừa dối người tiêu dùng”.
Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh.
Theo đó, tiêu chuẩn được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị phải có quy mô diện tích từ 250m2 đến hơn 5.000m2; danh mục kinh doanh từ 4.000 đến 20.000 tên hàng trở lên. Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện như:
- Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng; có bố trí nơi trông giữ xe và khu vệ sinh cho khách hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của siêu thị;
- Có kho và các thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng gói, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh hiện đại;
- Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân, có các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, giao hàng tận nhà.