Từ Paris đến Tashkent: Hành trình bền bỉ vì chủ nghĩa nghị viện

Ngày 5.4 tới, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm Đại hội đồng lần thứ 150 (IPU-150) tại Thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Đây là dịp để nhìn lại hành trình 136 năm qua của IPU, kể từ Đại hội đồng đầu tiên tại Paris năm 1889, nhìn lại những sự kiện tôn vinh tinh thần hợp tác bền bỉ giữa các nghị sĩ trên toàn thế giới cũng như một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí và phạm vi hoạt động ngày càng được mở rộng trên toàn cầu của IPU.

Tổ chức đa phương đầu tiên trên thế giới

Liên minh Nghị viện Thế giới (Inter Parliamentary Union - IPU) là tổ chức chính trị đa phương được thành lập đầu tiên trên thế giới - vào những năm cuối thế kỷ XIX, thời điểm thiếu các cơ chế chính thức cho hợp tác quốc tế giữa các chính phủ và nghị viện. Nỗ lực tiên phong này được dẫn đầu bởi hai nghị sĩ có tầm nhìn xa: William Randal Cremer người Anh và Frédéric Passy người Pháp. Mặc dù bối cảnh khác nhau, hai chính trị gia này đã tìm được điểm chung ở tình yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, ủng hộ quan điểm giải quyết mâu thuẫn, giải quyết các bất đồng một cách hòa bình nhất thông qua thương lượng có sự can thiệp của một tổ chức trọng tài quốc tế.

 Đại hội đồng IPU lần thứ 25 được tổ chức lần đầu tiên tại Washington, Mỹ. Nguồn: IPU

Đại hội đồng IPU lần thứ 25 được tổ chức lần đầu tiên tại Washington, Mỹ. Nguồn: IPU

Với ý tưởng đó, cả hai nhà lãnh đạo đã tập hợp được gần 94 đại biểu đến từ 9 quốc gia cùng tham gia và họp bàn, thành lập một tổ chức liên nghị viện đầu tiên trên thế giới vào ngày 30.6.1889 với tên gọi Hội nghị Liên nghị viện về trọng tài (Inter Parliamentary Conference for Arbitration - IPCA).

Với sự thay đổi của một số hoạt động cũng như các thành viên tham gia tổ chức, IPCA hoạt động từ năm 1889 đến năm 1899 thì chính thức được đổi tên thành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của tổ chức chính trị đa phương đầu tiên trên thế giới liên kết các nghị viện của các quốc gia có chủ quyền.

Ra đời cách đây 136 năm, từ một hội nghị ban đầu gồm 9 nước, Đại hội đồng IPU đã trở thành một thể chế toàn cầu, là “Nghị viện của các nghị viện” với 181 cơ quan lập pháp quốc gia thành viên, 15 tổ chức nghị viện liên kết và là diễn đàn cho sự hợp tác bền bỉ của 46.000 nghị sĩ trên toàn thế giới cũng như các nhân viên, tổ chức đối tác và chuyên gia. Vào năm 2018, Liên Hợp Quốc chính thức lấy ngày thành lập IPU 30.6 hàng năm là “Ngày quốc tế nghị viện”.

Những cột mốc của 150 kỳ Đại hội đồng

Vào năm 1889, cuộc họp lịch sử tại Khách sạn Continental ở Paris, Pháp, với sự tham gia của 94 đại biểu đến từ 9 quốc gia đánh dấu Đại hội đồng liên nghị viện đầu tiên.

Vào năm 1922, tại kỳ Đại hội đồng IPU-020, Antonie Pfulf, một giảng viên và nghị sĩ người Đức đã trở thành phụ nữ đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng IPU, đánh dấu tiếng nói nữ quyền đầu tiên vang lên ở một hội nghị trước đây vốn chỉ dành cho nam giới. Sự kiện này cũng khởi đầu cho các nỗ lực không mệt mỏi của IPU trong đấu tranh vì bình đẳng giới, tăng cường quyền chính trị của phụ nữ và thúc đẩy sự hiện diện lớn hơn của phụ nữ trong nghị viện các nước thành viên.

Năm 1925, Đại hội đồng IPU được tổ chức lần đầu tại Washington, Mỹ (IPU-025).

Năm 1956, Đại hội đồng lần thứ 45 (IPU-045) đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, đánh dấu lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước châu Á. Nước châu Á thứ hai đăng cai hội nghị của IPU là Nhật Bản với kỳ Đại hội đồng IPU lần thứ 49 (IPU-049) vào năm 1960.

Năm 1958, lần đầu tiên Mỹ Latin trở thành chủ nhà của hội nghị với kỳ Đại hội đồng lần thứ 47 (IPU-047) ở Rio de Janeiro, nơi từng là Thủ đô của Brazil từ năm 1763 - 1960. Mỹ Latin tiếp nối vào năm 1968 với vai trò chủ nhà của Peru tại Đại hội đồng lần thứ 56 (IPI-056).

Năm 1985, Đại hội đồng IPU-073 lần đầu được tổ chức ở Lomé, Togo - một quốc gia châu Phi cận Sahara.

Năm 1989, Nữ hoàng Elizabeth II khai mạc kỳ Đại hội đồng lần thứ 82 của IPU ở London, Anh. Đây cũng là kỳ đại hội đồng đánh dấu lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh này.

Năm 1997, tại Đại hội đồng IPU-089 tại Cairo, Ai Cập, IPU đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về dân chủ, trong đó đưa ra những nguyên tắc cơ bản của dân chủ, những yếu tố cấu thành và thúc đẩy chính phủ dân chủ.

Năm 2010, Đại hội đồng IPU-122 tại Thái Lan thông qua Nghị quyết: Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ, làm tiền đề cho việc thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ.

Năm 2013, Đại hội đồng IPU thành lập “Diễn đàn Nghị sĩ trẻ”, một cơ chế chính thức thường trực nhằm tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của thanh niên trong các nghị viện và trong IPU.

Vào năm 2020, lần đầu tiên kỳ Đại hội đồng IPU thường niên bị hủy bỏ do Covid-19. Thay vào đó, Hội đồng điều hành của IPU đã tiến hành họp trực tuyến.

Vào năm 2022, tại Kigali, Đại hội đồng IPU-145 đã thông qua Tuyên bố Kigali về bình đẳng giới và các nghị viện nhạy cảm về giới; Thông qua Chiến lược mới cho tương lai gồm 5 mục tiêu.

Vào ngày 5.4.2025 tới, lần đầu tiên, Đại hội đồng IPU được tổ chức ở Tashkent, Uzbekistan, một quốc gia Trung Á. Tại đây, IPU sẽ kỷ niệm Đại hội đồng lần thứ 150 của mình.

Với lịch sử 136 năm tồn tại và phát triển, trải qua 150 kỳ Đại hội đồng, IPU đã trở thành “nghị viện của các nghị viện”, đoàn kết và tập hợp các nghị sĩ từ khắp mọi nơi trên thế giới, nỗ lực vì các mục tiêu: thúc đẩy dân chủ và nghị viện thực quyền, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thúc đẩy nhân quyền, khuyến khích sự tham gia của thanh niên.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tu-paris-den-tashkent-hanh-trinh-ben-bi-vi-chu-nghia-nghi-vien-post408917.html
Zalo