Từ những phiên tòa giả định...
Hướng đến mục tiêu phù hợp với từng đối tượng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mô hình 'Phiên tòa giả định' được Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cuối tháng 3/2024, Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức phiên tòa giả định tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Với chủ đề phòng, chống tảo hôn, phiên tòa giả định đã đưa ra tình huống dựa trên sự việc có thật.
Thành phần tham gia phiên tòa gồm có thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, trợ giúp viên pháp lý, bị cáo. Bối cảnh phiên tòa giả định xoay quanh đối tượng Lương Quang Long, sống tại huyện Giang Đông, tỉnh Thanh Phú, bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giang Đông truy tố về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm a, d khoản 2 Điều 145 Bộ Luật Hình sự.
Theo nội dung cáo trạng, Lương Quang Long là thanh niên trưởng thành, có tình cảm yêu đương với bé gái dưới 16 tuổi. Long đã nhiều lần có hành vi vượt quá giới hạn, khiến bé gái mang thai. Bố mẹ hai bên cho các em lấy nhau theo phong tục địa phương nhưng không đăng ký kết hôn. Sự việc trên đã được trưởng thôn tại nơi gia đình sinh sống trình báo với cơ quan chức năng.
Em Thền Thị Vân, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Chung Phố, huyện Mường Khương chia sẻ: Qua phiên tòa giả định giúp chúng em hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.
Tương tự, sau khi tham dự phiên tòa giả định xét xử với nội dung “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa), anh Sùng Seo Lềnh cho biết: Nhờ tham gia phiên tòa giả định, tôi được biết việc săn, bắt động vật quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, tôi sẽ tuyên truyền đến người thân trong gia đình và bạn bè biết đến quy định này, tránh những sai lầm đáng tiếc.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều phiên tòa giả định được Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trong suốt 9 năm qua. Tại mỗi phiên tòa, phần kịch bản đều được xây dựng kỹ lưỡng, dựa trên tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương và sự tư vấn, giám sát của người có chuyên môn đang công tác tại ngành tư pháp, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, đội ngũ luật sư… Đặc biệt, sau khi kết thúc phần xét xử, phiên tòa giả định thường có thêm phần hỏi - đáp, nhằm giúp người tham gia nắm vững kiến thức, trình tự và quy định của một phiên tòa hình sự thực tế.
Với mục tiêu đổi mới, đa dạng các hình thức giáo dục pháp luật, Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh đã chú trọng thực hiện xây dựng sân khấu hóa phiên tòa giả định, lựa chọn các tình huống pháp lý có trong thực tế, gần với tâm lý, độ tuổi của từng đối tượng. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, trước mỗi phiên toàn giả định, Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh cẩn trọng lựa chọn các câu hỏi để đưa ra tương tác với người tham dự, qua đó giúp họ nâng cao ý thức, hình thành lối sống tuân thủ pháp luật.
Phiên tòa giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của các em học sinh. Thay vì phải nhớ những điều, khoản, quy định một cách máy móc, khô khan, các em sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó biết cách phòng tránh.
Anh Thái Vũ Hải Đăng, Bí thư Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh
Hiệu ứng tích cực mà phiên tòa giả định mang lại không chỉ ở nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mà qua đó còn tạo ra những tuyên truyền viên tích cực là những đoàn viên, thanh niên để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Với ý nghĩa đó, thời gian tới, Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục xây dựng những phiên tòa giả định và tổ chức rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh nhằm giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.