Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình 'Con heo đất', 'Ngôi nhà xanh', 'Tiết kiệm tự nguyện'..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 Hỗ trợ sinh kế cho hội viên nghèo được các cấp hội phụ nữ ở Hương Trà chú trọng

Hỗ trợ sinh kế cho hội viên nghèo được các cấp hội phụ nữ ở Hương Trà chú trọng

Thiết thực cho hội viên nghèo

Len lỏi trên những con đường ở các thôn của xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) không khó để bắt gặp những "Ngôi nhà xanh" được làm bằng sắt kiên cố, đặt bên vỉa hè, cạnh các quán ăn... để tập kết vỏ lon bia, rác thải nhựa. Đây là hoạt động gây quỹ ý nghĩa, toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được trao cho những hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn, chị Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ: “Đã trở thành một thói quen, hễ thấy lon bia hay chai nhựa dọc đường là tôi dừng lại lượm bỏ vào cốp xe. Có ngày từ cơ quan về nhà đã nhặt được hơn 10 vỏ lon bia và nước ngọt, sau đó tôi bỏ vào Ngôi nhà xanh”.

Chị Nguyễn Thị Liên, hội viên phụ nữ ở thôn Giáp Trung (xã Hương Toàn) nói: “Mỗi khi trong thôn có nhà hội viên nào tổ chức tiệc cưới, hỏi thì chúng tôi trực tiếp đến vận động thu gom vỏ lon cho “Ngôi nhà xanh”. Dù công việc này mất chút thời gian, nhưng chị em lại cảm thấy rất vui vì ý nghĩa mà nó mang lại rất lớn. Khi “Ngôi nhà xanh” đầy phế liệu sẽ đem bán để gây quỹ”.

Mô hình "Ngôi nhà xanh" tiết kiệm vì phụ nữ nghèo được các cấp hội phụ nữ ở Hương Trà thành lập nhằm tập hợp cán bộ, hội viên, phụ nữ cùng thực hiện phong trào chung tay giúp đỡ đối tượng yếu thế, phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật vươn lên trong cuộc sống. Cũng chính từ nguồn quỹ này, gia đình chị Trần Thị Mai ở thôn An Thuận, xã Hương Toàn đã được hỗ trợ xây dựng lại chuồng trại và được cấp 2 con lợn giống để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay gia đình chị trở thành hộ chăn nuôi giỏi ở địa phương và ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Cùng với “Ngôi nhà xanh”, mô hình “Tiết kiệm tự nguyện” của các cấp hội phụ nữ Hương Trà đã huy động mỗi hội viên tiết kiệm từ 5.000 - 10.000 đồng/tháng để giúp hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn chủ động hơn trong chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ. Ưu tiên cho hội viên phụ nữ chưa có điều kiện vay vốn ngân hàng, với hình thức mượn vốn quay vòng, tạo nguồn tiết kiệm dự phòng.

Chị Châu Thị Thịnh, hội viên phụ nữ ở tổ dân phố (TDP) Lại Bằng 2, phường Hương Vân (Hương Trà) là trường hợp được hưởng lợi như thế. Chị Thịnh vốn là hộ nghèo, đã được Chi hội phụ nữ TDP cho vay vốn từ nguồn của hội viên 10 triệu đồng phát triển chăn nuôi gia cầm. Phát huy đồng vốn hiệu quả và biết tích lũy để tái đầu tư, gia đình chị Thịnh đã có nguồn thu nhập ổn định, trở thành hộ thoát nghèo trong năm 2024.

Đa dạng các mô hình

Chị Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Trà cho biết: Qua 5 năm thực hiện mô hình “Tiết kiệm tự nguyện”, với 66 chi hội xây dựng được mô hình đã huy động trên 2 tỷ đồng cho gần 400 lượt chị vay lãi suất thấp, hỗ trợ cho chị em phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các mô hình “Con heo đất”, “Tiết kiệm tự nguyện”, “Ống tre tiết kiệm Bác Hồ”, “Hũ gạo tình thương”,“Biến rác thải thành quà tặng, học bổng”... được chị em hội viên phụ nữ ở Hương Trà đón nhận thực hiện tích cực và hiệu quả. Cụ thể, hội LHPN các cấp đã xây dựng được 7 chi/tổ hội có mô hình “Hũ gạo tình thương”, 16 chi hội xây dựng mô hình “Biến rác thải thành quà tặng”; 1 chi hội xây dựng mô hình “Ống tre tiết kiệm Bác Hồ”, 12 chi hội xây dựng mô hình “Con heo đất”… Nổi bật trong thực hiện các mô mình có Chi hội TDP Giáp Tư và TDP Giáp Thượng 2 của phường Hương Văn; Chi hội thôn Quang Lộc, xã Hương Bình; Chi hội TDP Phụ Ổ 2, phường Hương Chữ và Chi hội TDP Lại Bằng 2, phường Hương Vân... Từ các mô hình đã giúp đỡ hơn 1.000 lượt hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 865 triệu đồng.

Đáng chú ý, mô hình “Tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình” có 7 chi hội thực hiện, gần 260 lượt chị tham gia với số tiền trên 1 tỷ đồng. Qua mô hình đã giúp hàng trăm gia đình chị em hội viên có thêm phần kinh phí để mua thẻ bảo hiểm hộ gia đình, góp phần cùng với chính quyền địa phương hoàn thành một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo chị Trần Thị Hồng, để đa dạng các hình thức giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ngoài chú trọng đến các mô hình trên, các cấp hội trên địa bàn thị xã sẽ đa dạng hóa về mô hình hỗ trợ sinh kế. Việc hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững mà nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp đã đề ra. Đây là một trong những chính sách ưu tiên để tạo động lực, thúc đẩy hội viên phụ nữ nghèo tạo nguồn vốn, có việc làm, vươn lên trong cuộc sống và tiến tới thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/tu-nhung-mo-hinh-hieu-qua-148160.html
Zalo