Từ ngày 1/11, Hà Nội tăng giá xe buýt | Hà Nội tin mỗi chiều

Xe buýt có lẽ là phương tiện vận tải công cộng phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các tỉnh thành. 10 năm qua, một chiếc vé xe buýt ở Thủ đô chỉ với giá chưa tới 10.000 đồng. Nhưng kể từ 1/11 tới đây, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, liệu có tác động gì đến người dân?

Từ ngày 1/11, giá vé xe buýt trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ chính thức tăng. Cụ thể, giá vé lượt sẽ tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng, trong khi giá vé tháng sẽ tăng từ 15.000 đến 80.000 đồng. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, giá vé xe buýt được điều chỉnh. Theo các cơ quan chức năng, lý do cho sự điều chỉnh này là do mức thu nhập của người dân đã tăng đáng kể so với 10 năm trước, trong khi chi phí vận tải đã tăng gần 50%. Dưới thông tin này, nhiều ý kiến đồng tình như: “Chấp nhận được vì mình di chuyển nhiều mà, đi xe ôm thì không hề rẻ hơn”; “Tôi mong việc tăng giá vé xe buýt sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi chất lượng được cải thiện, các xe buýt có thể tiến tới hiện đại hóa các phương thức thanh toán, mục đích để thuận tiện cho người dân hơn nữa”; “Đã 10 năm kể từ lần cuối điều chỉnh giá, tôi thấy mức tăng như vậy vẫn ở mức chấp nhận được. Tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng vé tháng vì chúng rẻ hơn so với việc di chuyển bằng các hình thức khác”; “Tuyệt vời quá. Đi xe buýt giờ cũng thoải mái và văn minh. Hết sức ủng hộ”.

Ý kiến của đại đa số người dân cũng rất đồng tình. Năm 2012, khi ấy xe buýt ở Hà Nội thật khác. Một chiếc xe to, dài, chở được rất nhiều người cùng một lúc chứ không bé như ở quê. Nhờ có xe buýt mà mọi người có những chuyến đi tác nghiệp đầu tiên trên hành trình học tập. Xe buýt cũng là nơi mà những sinh viên hay tận dụng tối ưu để ngồi lì từ đầu bến đến cuối bến chỉ để nhớ tên đường, tên phố, hình thành bản đồ Hà Nội trong đầu. Nói chung, sinh viên hay học sinh và cả người cao tuổi nữa, xe buýt như một người bạn.

Sinh viên đứng "chật cứng“ bên trong xe buýt vào giờ cao điểm. Ảnh: Báo Lao động.

Sinh viên đứng "chật cứng“ bên trong xe buýt vào giờ cao điểm. Ảnh: Báo Lao động.

Mà người bạn này mang lại cho ta nhiều cảm xúc là đằng khác. Như cảnh ngồi trên xe buýt 05. Từ Khương Đình ra Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chắc chắn phải nhanh chân ra đúng giờ mới có suất lên xe để kịp giờ học thời sinh viên. Mong mãi thì có thêm 60A, 60B giảm tải cho xe 05 nhưng sự xuất hiện của chúng khiến đường Khương Đình tiết diện đã nhỏ, lại càng tăng gánh nặng giờ cao điểm. Có thời điểm, sinh viên lên xe mà đông không thể đứng vững, lái xe thi thoảng phanh gấp. Trải nghiệm đi xe buýt Hà Nội cách đây 12 năm, như một môn thể thao phối hợp vậy! Còn giờ thì khác.

Năm ngoái, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã triển khai “Bộ Quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt”. Bộ quy tắc thực chất là tập hợp cách hành xử văn minh hằng ngày mà có lẽ ai cũng biết.

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ, đó là không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn hành khách; ứng xử đúng mực khi có va chạm trên đường. Đối với hành khách đi xe, đó là giữ gìn trật tự, mua vé, giữ vé để kiểm tra, nhường nhịn giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi; xếp hàng lên xuống xe, tôn trọng sự sắp xếp, điều hành của nhân viên phục vụ.

Xe buýt Hà Nội hiện nay là phương tiện công cộng chính của Hà Nội. Ảnh: Báo Dân Việt.

Xe buýt Hà Nội hiện nay là phương tiện công cộng chính của Hà Nội. Ảnh: Báo Dân Việt.

Khi ban hành bộ quy tắc, Transerco mong muốn nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt, xây dựng văn hóa xe buýt ngày càng gần gũi, văn minh hơn với người dân Thủ đô. Nhìn rộng hơn, xây dựng văn hóa xe buýt chính là xây dựng văn hóa giao thông thân thiện, an toàn, văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, vì thế cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và cộng đồng, hay gần hơn là chính mỗi người dân cùng nâng cao ý thức chứ không chỉ là khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi dán trên xe, ở điểm đỗ nữa.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ có riêng Transerco vận hành xe buýt. Vinbus (một đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup) ngay từ khi đi vào hoạt động cũng đã chú trọng xây dựng văn hóa xe buýt thân thiện và an toàn. Hầu hết các tuyến buýt điện của Vinbus đều thu hút lượng khách đông đảo nhờ điều này. Tất cả cùng mong rằng mỗi đơn vị sẽ có cách làm riêng phù hợp nhưng đều phải hướng đến mục tiêu chung là xây dựng xe buýt Thủ đô thân thiện và an toàn, có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt.

Lê Thông

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tu-ngay-1-11-ha-noi-tang-gia-xe-buyt-ha-noi-tin-moi-chieu-276018.htm
Zalo