Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - Bài 3: Khát vọng hòa bình

Đến Việt Nam lần này để dự các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, ông John McAuliff (83 tuổi) gặp lại rất nhiều bạn cũ.

Ông John McAuliff trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York tháng 9/2024

Ông John McAuliff trong cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York tháng 9/2024

Ông McAuliff (Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển) là một trong rất nhiều người đã tham gia phong trào của nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960 và vận động dư luận ủng hộ ký kết Hiệp định Paris về hòa bình tại Việt Nam. Ông McAuliff tới Hà Nội lần đầu tiên vào ngày 30/4/1975 và từ đó đến nay nhiều lần trở lại thăm Việt Nam.

Nhà văn Mỹ Lady Borton cũng là một trong những người Mỹ có mặt trong đại lễ của Việt Nam lần này. Phát biểu tại cuộc hội thảo ngày 23/4 vừa qua, bà nhấn mạnh rằng Chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ nhờ sức mạnh vũ trang, mà còn là kết quả của một chiến lược ngoại giao khôn ngoan, chủ động và mang tính nhân văn sâu sắc.

Nhà văn Mỹ Lady Borton phát biểu tại hội thảo ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Nhà văn Mỹ Lady Borton phát biểu tại hội thảo ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Tại Mỹ, phong trào phản chiến bắt đầu từ năm 1964, khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam và đưa quân chiến đấu vào miền Nam. Ban đầu, phong trào được các nhà hoạt động hòa bình, trí thức cánh tả và sinh viên đại học khởi xướng, rồi lan rộng kể từ sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Hàng trăm nghìn người tham gia các cuộc tuần hành phản đối chiến tranh, đặc biệt tại những thành phố lớn như Washington D.C., San Francisco, New York... Nhiều thanh niên Mỹ từ chối nhập ngũ hoặc hủy giấy gọi nhập ngũ để thể hiện sự phản kháng. Cuộc biểu tình tại Lầu Năm Góc ngày 21/10/1967 thu hút hàng chục nghìn người và trở thành biểu tượng của phong trào phản chiến.

Ngày 4/4/1967, biểu tượng đấu tranh dân quyền Martin Luther King Jr. có bài phát biểu nổi tiếng “Beyond Vietnam: A Time to Break Silence”, kịch liệt lên án chiến tranh và cho rằng Mỹ đang “tạo ra địa ngục cho người nghèo” cả ở trong nước lẫn ở Việt Nam.

Trong bức ảnh chụp ngày 29/3/1967, nhà vô địch quyền anh hạng nặng Muhammad Ali (bên trái) và Tiến sĩ Martin Luther King nói chuyện với các phóng viên rằng nước Mỹ càng sớm bãi bỏ chế độ quân dịch càng tốt. Ảnh: AP

Trong bức ảnh chụp ngày 29/3/1967, nhà vô địch quyền anh hạng nặng Muhammad Ali (bên trái) và Tiến sĩ Martin Luther King nói chuyện với các phóng viên rằng nước Mỹ càng sớm bãi bỏ chế độ quân dịch càng tốt. Ảnh: AP

Huyền thoại quyền anh Muhammad Ali từ chối nhập ngũ vào năm 1966, với tuyên bố: “Tôi không có thù với người Việt Nam nào cả”. Hành động này khiến ông bị tước đai vô địch, bị kết án 5 năm tù và bị phạt 10.000 USD, nhưng cũng đưa ông trở thành biểu tượng phản chiến toàn cầu.

Phong trào phản chiến không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia, gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc... Nhiều tổ chức quốc tế và nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam.

Tháng 9/1973, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị. Đây là một dấu mốc lịch sử đặc biệt trong quan hệ hai nước Việt Nam, Cuba, đồng thời là một biểu tượng của phong trào quốc tế đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Những lời phát biểu hùng hồn của Lãnh tụ Fidel Castro tại vùng giải phóng Quảng Trị trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Niềm tin đó đã thành hiện thực. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút toàn bộ quân đội và chấm dứt can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Mất đi chỗ dựa chủ lực khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa suy yếu nghiêm trọng, tạo ra một khoảng trống chiến lược mà cách mạng miền Nam Việt Nam nhanh chóng chớp thời cơ.

Trong khi Hội nghị diễn ra ở Paris, trên toàn thế giới, ngay cả trong lòng nước Mỹ, liên tục có những cuộc mít tinh, biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, đòi phải trao trả độc lập cho dân tộc Việt Nam, gây áp lực vô cùng lớn lên phái đoàn Mỹ.

Tấm áp phích phản đối chiến tranh với nội dung: "Chúng tôi sẽ không tham gia cuộc chiến của người giàu nữa" — "Cựu chiến binh yêu cầu Hoa Kỳ rút khỏi Nam Phi - Siêu cường hãy buông tay!! VVAW-WSO" — "Việt Nam - Không bao giờ nữa!/Dừng chiến tranh ở Trung Mỹ". Tác giả: Shiva Addanki

Tấm áp phích phản đối chiến tranh với nội dung: "Chúng tôi sẽ không tham gia cuộc chiến của người giàu nữa" — "Cựu chiến binh yêu cầu Hoa Kỳ rút khỏi Nam Phi - Siêu cường hãy buông tay!! VVAW-WSO" — "Việt Nam - Không bao giờ nữa!/Dừng chiến tranh ở Trung Mỹ". Tác giả: Shiva Addanki

Ngày 23/12/1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom miền Bắc, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme có bài phát biểu nổi tiếng trên đài phát thanh quốc gia, trong đó ông so sánh việc Mỹ ném bom ở miền Bắc Việt Nam không khác gì tội ác của phát xít Đức trong Thế chiến 2.

Phản đối gay gắt của một nguyên thủ quốc gia châu Âu trở thành đòn giáng vào uy tín chính trị của Tổng thống Richard Nixon, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận Mỹ.

Úc, quốc gia từng tham chiến với Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã gửi công hàm phản đối Tổng thống Nixon về quyết định ném bom miền Bắc Việt Nam. Chính quyền của Thủ tướng Úc Gough Whitlam chỉ trích công khai trên truyền thông về quyết định của Mỹ. Phản ứng từ phía Úc khiến lãnh đạo Mỹ bất ngờ và tức giận. Cố vấn an ninh Kissinger thậm chí phải thốt lên rằng “Làm sao một đồng minh có thể cư xử như thế này”.

 Bom đạn không thể phá vỡ ý chí của con người Việt Nam

Bom đạn không thể phá vỡ ý chí của con người Việt Nam

Mặc dù đặt ra nhiều kỳ vọng, nhưng cuối cùng Mỹ đã thất bại trong chiến dịch Linebacker II khi Việt Nam làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố trên trang National Security Archive, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người hoạch định và giám sát nhiều chiến dịch ném bom ở Bắc Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã thả bom xuống miền Bắc và miền Nam Việt Nam với số lượng gấp 2 – 3 lần so với toàn bộ lượng bom mà tất cả quân Đồng minh thả trong Thế chiến II… Nhưng có những điều mà ném bom không thể làm được. Nó không thể phá vỡ ý chí của con người trong những hoàn cảnh nhất định. Nó đã không phá vỡ được ý chí của người Bắc Việt Nam. Và nó không thể ngăn chặn việc vận chuyển đồ tiếp tế cần thiết để hỗ trợ chiến đấu ở miền Nam”.

Trước đó, từ năm 1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam khởi xướng các vòng đàm phán tại Paris, tận dụng danh tiếng trên trường ngoại giao để thúc đẩy mục tiêu chiến lược: vừa giảm sức ép chiến tranh, vừa tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng xây dựng thế trận.

Đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là một trong những cuộc thương lượng ngoại giao dài nhất và phức tạp nhất trong thế kỷ XX. Cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, từ tháng 5/1968 - 1/1973, với nhiều giai đoạn cam go và những bước ngoặt quan trọng.

Thời khắc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1973. Ảnh: AP

Thời khắc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam năm 1973. Ảnh: AP

Quá trình đấu tranh ngoại giao tại Paris diễn ra suốt 4 năm 8 tháng 16 ngày, với hơn 200 cuộc họp chính thức, 45 cuộc họp kín, 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc phỏng vấn.

Cuộc đàm phán chính thức bắt đầu ngày 13/5/1968 tại Paris giữa hai bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Trong giai đoạn này, các cuộc thương lượng chủ yếu xoay quanh việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam và các điều kiện để tiến tới đàm phán rộng hơn.

Từ tháng 11/1968, cuộc đàm phán mở rộng với sự tham gia của 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn này chứng kiến nhiều vòng đàm phán căng thẳng, với các vấn đề then chốt như việc rút quân Mỹ, thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Tháng 10/1972, sau nhiều vòng đàm phán bí mật giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger, hai bên đạt được dự thảo hiệp định.

Ngày 26/10/1972, trong một cuộc họp báo, ông Kissinger tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng hòa bình đang trong tầm tay.” Tuyên bố này nhằm trấn an dư luận Mỹ rằng các bên sắp đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chối ký kết, dẫn đến việc Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II ném bom dữ dội xuống Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 12/1972, nhằm gây áp lực lên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 1/1973, dưới áp lực quốc tế và nội bộ, các bên quay lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, đánh dấu kết thúc cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm.

Khi được hỏi về khả năng tồn tại của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau khi Mỹ rút quân, ông Kissinger dự đoán rằng họ có thể trụ được khoảng 18 tháng. “Tôi nghĩ rằng nếu may mắn, họ có thể cầm cự được một năm rưỡi”, ông nói.

Việt kiều ở Paris hoan nghênh Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973.

Việt kiều ở Paris hoan nghênh Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973.

Bà Nguyễn Thị Bình tham gia Hội nghị Paris với tư cách Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định. Tham gia những cuộc đàm phán vô cùng cam go, bà để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng quốc tế thông qua những phát biểu mạnh mẽ và hình ảnh kiên cường trên bàn đàm phán.

“Người Mỹ có thể lên Mặt Trăng và trở về an toàn. Còn sang Việt Nam thì chúng tôi không chắc!” Đây là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của bà Nguyễn Thị Bình, thể hiện sự kiên quyết và cảnh báo về hậu quả của việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam.

“Chúng tôi không đàm phán để van xin hòa bình. Chúng tôi đàm phán để khẳng định quyền làm chủ đất nước mình”. Phát biểu này thể hiện rõ lập trường kiên định của bà và phái đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự quyết và độc lập dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Bình trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Bình trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Ảnh tư liệu

Trong quá trình đàm phán tại Paris, bà Nguyễn Thị Bình được truyền thông quốc tế ví như “người phụ nữ khiêu vũ giữa bầy sói” bởi sự thông minh, khả năng tranh luận bằng tiếng Pháp lưu loát và bản lĩnh vững vàng trước các đối thủ mạnh.

Trong cuộc hội thảo hôm 23/4/2025 vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho biết: “Khi ấy, chúng tôi đều nhận thức rằng chiến trường sẽ quyết định đàm phán. Tình hình quân sự sẽ quyết định vị thế của đoàn đàm phán. Còn ngoại giao, cụ thể là đàm phán, có một vai trò quan trọng, là phát huy thắng lợi của chiến trường”.

“Căn cứ vào tình hình chính trị của ta và đối phương, phải tìm ra giải pháp có lợi nhất cho nhân dân ta. Cụ thể, chúng ta đã đặt ra giải pháp là yêu cầu Mỹ phải rút quân, còn vấn đề Việt Nam thì để Việt Nam giải quyết. Có thể nói, Hiệp định Paris đã góp phần to lớn vào thắng lợi vang dội mùa Xuân năm 1975”, nhà ngoại giao 98 tuổi cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp bằng video đến hội thảo ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Bà Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp bằng video đến hội thảo ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói rằng với Hiệp định Paris năm 1973, Việt Nam đã giành được những thắng lợi hết sức cơ bản, khiến Mỹ và các đồng minh công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nội dung cốt lõi để chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là Chương 2 của Hiệp định, nói về việc chấm dứt chiến tranh và rút quân đội nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam; buộc phía Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, phải rút hết quân và các căn cứ quân sự ở miền Nam, không được can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Hình ảnh tại lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris 1973. Ảnh tư liệu: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao

Hình ảnh tại lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris 1973. Ảnh tư liệu: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên gọi đây là chìa khóa để chúng ta tạo nên cục diện chính trị, cục diện đấu tranh mới để tiến hành công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước.

Ông khẳng định, mặt trận ngoại giao đã có những đóng góp vô cùng quan trọng và hữu hiệu. Nếu không có Hiệp định Paris sẽ không có chuyện quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam Việt Nam.

“Nếu còn tồn tại quân đội hay căn cứ quân sự nước ngoài ở miền Nam Việt Nam thì không thể có hòa bình ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta đã chốt lại cốt lõi của vấn đề, vì thế đóng góp của ngoại giao là vô cùng quan trọng, được thế giới ủng hộ và hoan nghênh”, ông nói.

Vào lúc 11h30' ngày 30/4/1975, lá cờ bách chiến, bách thắng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, hai miền Nam Bắc được hoàn toàn thống nhất. Khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực.

Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

(Còn nữa)

Nội dung: Thu Loan | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-nga-re-dau-thuong-den-khat-vong-vuon-minh-bai-3-khat-vong-hoa-binh-post1737412.tpo
Zalo