Từ nay đến cuối năm, kỳ vọng khai thông nhiều quyết sách lớn về kinh tế - xã hội

Theo ông Phan Đức Hiếu, từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá.

Ngày 8/11, phát biểu khai mạc Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV thông tin, tính đến quý III, 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đạt được, dự kiến năm nay đạt hết 15 chỉ tiêu. Hiện Chính phủ rất mong muốn không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội đề ra.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: BTC

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: BTC

Về xây dựng thể chế, ông Hiếu cho biết Quốc hội đang họp, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 19 Luật và Nghị quyết mang tính quy phạm về phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời Quốc hội đang thảo luận cho ý kiến 12 dự án luật và Nghị quyết khác.

Theo ông Hiếu, việc cải cách thể chế hiện nay có điểm khác với giai đoạn trước. Thứ nhất là có khái niệm Quốc hội họp bất thường, để xây dựng thể chế đảm bảo tính kịp thời.

Điểm thay đổi thứ hai là sử dụng nhiều hơn phương thức cải cách thể chế toàn diện, đồng bộ và giải quyết ngay. Cụ thể, liên quan đến việc xây dựng chương trình pháp luật, Quốc hội đã sửa cùng lúc nhiều luật có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Ví dụ trong năm 2023, đầu năm 2024, ba luật nhà ở, bất động sản và đất đai được sửa đồng thời. Sử đồng thời như vậy sẽ đảm bảo tốt tính tương thích, đồng bộ giữa các luật.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đang xem xét, sửa đổi 2 đạo luật, có thể gọi là 1 luật sửa nhiều luật. Luật thứ nhất 1 luật sửa 8 luật gồm chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế. Luật thứ 2 là 1 luật sửa 4 luật gồm đầu tư, quy hoạch, PPP (đối tác công tư) và đấu thầu.

Theo ông Hiếu, cách làm thể hiện quyết tâm cải cách thể chế kịp thời, toàn diện, đồng bộ, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc và cấp bách.

Điểm thứ ba chưa từng có trong tiền lệ là Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi luật đất đai có hiệu lực sớm hơn thời hạn 5 tháng.

Theo ông, có những vấn đề cấp thiết, cấp bách chưa đủ cơ sở xây dựng thành luật, Quốc hội đã sử dụng khái niệm “Nghị quyết thí điểm”. Cụ thể, Quốc hội đang xem xét Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Tiếp theo là Nghị quyết thí điểm về xử lý tài sản vụ án dân sự, hình sự.

Ông Hiếu thông tin thêm, từ nay đến cuối năm, Quốc hội sẽ quyết định vấn đề lớn, trong đó, Quốc hội xem xét quyết định có hay không có chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

"Từ nay đến cuối năm, các quyết sách lớn về kinh tế xã hội, các dự án đầu tư lớn và công cuộc về xây dựng, cải cách thể chế kỳ vọng sẽ được khai thông, bứt phá", ông Hiếu nói.

 Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: BTC

Trao đổi tại sự kiện, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

"Tôi cho rằng Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí mức giảm còn nhiều hơn bởi 'di sản' mà ông Joe Biden để lại cho tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là khối nợ khổng lồ 35.700 tỷ USD, lãi suất năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ", ông Tú Anh nói.

Trong khi đó, chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.

Điểm thứ hai là trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ lên 33,4% nhưng từ năm 2013 đạt đỉnh và bây giờ xu hướng giảm dần, hiện nay còn khoảng 23,5%. Điều này có nghĩa là nếu xu hướng người nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ càng thấp thì khả năng Mỹ in tiền và ảnh hưởng đến cả thế giới vì lạm phát của USD sẽ càng ít đi.

Như vậy, chính sách tài khóa của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất.

Yếu tố quốc tế thứ hai tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là Trung Quốc. Nước này đang đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước.

"Tôi đánh giá dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn", ông Tú Anh kỳ vọng.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-nay-den-cuoi-nam-ky-vong-khai-thong-nhieu-quyet-sach-lon-ve-kinh-te--xa-hoi-post320530.html
Zalo