Từ năm 2029, ô tô ở Mỹ phải trang bị phanh khẩn cấp tránh tai nạn

Cuối tháng 4/2024, Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ ban hành tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật liên bang, yêu cầu ô tô mới sản xuất phải trang bị phanh khẩn cấp.

Dừng xe khẩn cấp từ 100km/h

Theo quy định mới, phanh khẩn cấp trang bị trên ô tô phải có khả năng tự động dừng xe mà không gây tai nạn, va chạm với chướng ngại vật hoặc người đi bộ ngay cả khi di chuyển với tốc độ cao.

Cơ chế hoạt động của phanh khẩn cấp tự động dựa vào cảm biến trong xe để phát hiện nguy cơ xảy ra va chạm, tự động dừng xe khẩn cấp, đảm bảo an toàn nhất có thể cho người ngồi trên ô tô và người đi đường.

Tiêu chuẩn mới bắt buộc hệ thống phanh khẩn cấp phải có khả năng đưa ô tô đang di chuyển với tốc độ 100km/h dừng ngay lập tức mà không gây ra va chạm với chướng ngại vật tiềm ẩn. (Ảnh: RTA)

Tiêu chuẩn mới bắt buộc hệ thống phanh khẩn cấp phải có khả năng đưa ô tô đang di chuyển với tốc độ 100km/h dừng ngay lập tức mà không gây ra va chạm với chướng ngại vật tiềm ẩn. (Ảnh: RTA)

"Phanh khẩn cấp tự động sẽ cứu sống hàng trăm nạn nhân trong các vụ TNGT, giảm nguy cơ thương tích nghiêm trọng từ các vụ tai nạn do va chạm trực diện. Ngày nay, công nghệ phanh nêu trên đã phát triển và có thể ứng dụng trên tất cả ô tô", đại diện Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) tuyên bố.

NHTSA nhấn mạnh công nghệ phanh khẩn cấp hiện nay tiên tiến tới mức có thể phát hiện người đi bộ băng qua và dừng xe khẩn cấp ở tốc độ cao.

Tiêu chuẩn mới bắt buộc hệ thống phanh khẩn cấp phải có khả năng đưa một xe hơi, xe chở khách hoặc xe tải nhẹ đang di chuyển với tốc độ 100km/h dừng ngay lập tức mà không gây ra va chạm với chướng ngại vật tiềm ẩn. Đối với người đi bộ băng qua đường, công nghệ cũng phải giúp tài xế dừng xe khẩn cấp từ tốc độ khoảng 75km/h.

Áp dụng từ năm 2029

Thời hạn cho các nhà sản xuất ô tô tuân thủ quy định là từ mùa thu năm 2029, muộn hơn 1 năm so với đề xuất ban đầu của NHTSA nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu về hiệu suất của phanh khẩn cấp.

Dù vậy, các quan chức thuộc Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ hy vọng ngành công nghiệp ô tô nước này triển khai hệ thống phanh khẩn cấp trước thời hạn trên.

NHTSA ước tính tiêu chuẩn mới sẽ ngăn chặn ít nhất 362 trường hợp tử vong trên đường mỗi năm và giảm mức độ nghiêm trọng đối với 24.321 ca chấn thương. (Ảnh: Max Meyers Law)

NHTSA ước tính tiêu chuẩn mới sẽ ngăn chặn ít nhất 362 trường hợp tử vong trên đường mỗi năm và giảm mức độ nghiêm trọng đối với 24.321 ca chấn thương. (Ảnh: Max Meyers Law)

Trên thực tế, nhiều hãng xe đã lắp đặt phanh khẩn cấp trên sản phẩm, nhưng ở tiêu chuẩn thấp hơn so với quy định mới ban hành.

NHTSA ước tính tiêu chuẩn mới sẽ giúp giảm ít nhất 362 trường hợp tử vong trên đường mỗi năm và giảm mức độ nghiêm trọng đối với 24.321 ca chấn thương trong các vụ tai nạn va chạm trực diện, trong bối cảnh Mỹ ghi nhận con số đáng báo động với hơn 41.000 ca tử vong do tai nạn giao thông vào năm 2023.

NHTSA cũng đang hợp tác với Cơ quan An toàn Xe tải Thương mại Liên bang Mỹ để yêu cầu trang bị phanh tự động trên ô tô hạng nặng.

Bà Cathy Chase, Chủ tịch Tổ chức Ủng hộ An toàn Đường bộ, cho biết tiêu chuẩn mới về phanh khẩn cấp trên ô tô là "chiến thắng vang dội" cho tất cả người dân và cho sự an toàn nơi công cộng.

Tuy nhiên, quy chuẩn mới đảm bảo hệ thống phanh khẩn cấp đạt hiệu quả cao hơn đã vấp phải sự phản đối của nhiều đơn vị sản xuất ô tô.

Trong đó, Liên minh Đổi mới Ô tô kêu gọi NHTSA nên cân nhắc một giải pháp thay thế liên quan đến việc giảm tốc độ trong một số tình huống, bởi hiện nay gần như không có chiếc xe nào được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp có hiệu suất cao như quy định mới.

Mặt khác, các nhà sản xuất sẽ phải thay đổi đáng kể về cả phần cứng và phần mềm trên ô tô thì mới có thể tuân thủ quy định.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-nam-2029-o-to-o-my-phai-trang-bi-phanh-khan-cap-tranh-tai-nan-192241123081211554.htm
Zalo