Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học có điểm gì mới?
Phương án tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ được điều chỉnh như thế nào đang là mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018.
Dự kiến nhiều điểm mới trong tuyển sinh năm 2024
Năm 2025 là thời điểm những học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD&ĐT, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Thay vì thi 6 môn như trước (3 môn bắt buộc và 3 môn thành phần trong tổ hợp môn tự chọn), thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số những môn học còn lại. Trong số các môn thi tự chọn, có 2 môn lần đầu tiên sẽ được thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.
Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi như: tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Việc truyền tải đề thi sẽ có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Về tổ chức điểm thi, phòng thi sẽ được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi như cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh; thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được điều chỉnh theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố. Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện nay.
Dự kiến giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước áp dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức chính được nhiều trường sử dụng với tỉ lệ chỉ tiêu nhiều nhất là sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước.
Đáng chú ý, ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, học sinh được lựa chọn 2 môn thi còn lại, trong số các môn được học ở lớp 12. Với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học lớn ở Hà Nội đã rục rịch có những định hướng mới trong tuyển sinh, trong đó có việc giảm tỉ lệ chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Bách khoa Hà Nội công bố, các đơn vị này cũng dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT 2025. Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ giảm từ 18% của năm 2024 xuống còn 15% vào năm tới. Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội giảm theo lộ trình khi 5 năm trước, tỉ lệ này là 70%. Phương thức xét tuyển kết hợp của trường từ năm 2025 sẽ tăng từ 80% lên 83%.
Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng được nhà trường giảm từ 50% của năm 2024 xuống còn 40%, tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức còn lại.
Dự kiến kỳ tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ ổn định 3 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm đáng chú ý là tỉ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn 15%, trong khi năm 2024 là 18%, năm 2023 là 25%. Nhà trường cũng thông báo sẽ chỉ áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); không sử dụng các tổ hợp từng được nhà trường duy trì từ năm 2024 trở về trước.
Trao đổi với Hà Nội Mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhà trường duy trì 3 phương thức xét tuyển năm 2025 như năm 2024, tuy nhiên dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 50% như năm 2024 xuống còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.
Nhiều trường dự kiến tổ chức kỳ thi riêng
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo tổ chức kỳ thi riêng. Năm 2025, nhà trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ. Điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường là ngoài việc xét tuyển bằng việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như năm 2024, nhà trường sẽ tự tổ chức kỳ thi riêng nhằm thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng tham gia xét tuyển vào trường.
Năm 2024, số trường trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là gần 100 trường; với Đại học Bách khoa Hà Nội là hơn 40 trường.
Kỳ tuyển sinh tới Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo dự kiến thời gian tổ chức 6 đợt thi năm 2025, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5. Thí sinh có thể đăng ký tham gia kỳ thi vào tháng 2-2025. Thông tin từ Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết, học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội năm 2025 có thể tham gia kỳ thi riêng. Dự kiến nội dung bài thi thuộc các môn toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025, học sinh có nhiều cơ hội tham gia xét tuyển đại học bằng các kỳ thi riêng. Việc này giúp giảm áp lực cho học sinh khi tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm, tăng cơ hội tham gia xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức.
Theo Pháp luật Việt Nam, về phương án tuyển sinh Đại học năm 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ Đại học, tuyển sinh Đại học đã có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đi đến chặng cuối của đổi mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để tương ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục Đại học.
Bộ GD&ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, bảo đảm chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục Đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
Trúc Chi (t/h)