Từ một vũ khí bị từ chối trở thành thứ vũ khí vạn năng
Các nhà vật lý Liên Xô thừa nhận nếu không có sự đóng góp của các đồng nghiệp người Đức, quá trình chế tạo vũ khí nguyên tử ở Liên Xô có thể kéo dài trong nhiều năm.

Hình ảnh buổi thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô ngày 29/8/1949. (Nguồn: RIA Novosti)
Hơn bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày ngọn lửa của vụ nổ nguyên tử đầu tiên của Liên Xô được ví von là "sáng hơn hàng ngàn Mặt Trời" bùng lên trên thảo nguyên Kazakhstan.
Sau đó, vào ngày 29/8/1949, quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô đã được thử nghiệm tại bãi thử Semipalatinsk.
Sự kiện lịch sử này là kết quả của nhiều năm làm việc chăm chỉ của nhiều nhà khoa học và kỹ sư, không chỉ riêng Liên Xô.
Trở lại những năm 1930, nhà vật lý người Đức Houtermans, người trước đây từng làm việc tại Viện Kỹ thuật Vật lý Kharkov và sau đó bị trục xuất khỏi Liên Xô, đã bí mật thông báo với các đồng nghiệp Liên Xô rằng gần đây Đức đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.
Có lẽ vào thời điểm đó, các nhà vật lý người Đức là những người đầu tiên thực sự tiến hành những bước tiến trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
Năm 1938, các nhà khoa học người Đức Otto Hahn và Fritz Strassmann đã phát hiện ra quá trình phân hạch hạt nhân urani, kèm theo sự giải phóng một lượng năng lượng chưa từng có. Quân đội không Đức quốc xã thể bỏ qua một khám phá như vậy.
Theo sự thúc đẩy của họ, vào mùa Thu năm 1939, cái gọi là “Hội Uranium” đã được thành lập trực thuộc Ban giám đốc vũ khí quân đội, bao gồm hầu hết các nhà khoa học hàng đầu của Đức làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân và các lĩnh vực liên quan. Trong số đó có những bậc thầy như Heisenberg, Weizsäcker, von Ardenne, Riehl, người đoạt giải Nobel Gustav Hertz và một số người khác.
Đầu tiên, nhóm của Heisenberg nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc chế tạo và đưa lò phản ứng hạt nhân sử dụng urani và nước nặng vào hoạt động. Phải mất hai năm các nghiên cứu tiến hành đã xác nhận rằng chỉ có đồng vị uranium-235 mới có thể được sử dụng làm chất nổ. Nhưng trong quặng urani tự nhiên, nó chỉ chứa ở nồng độ cực kỳ nhỏ. Do đó, phần quan trọng nhất của quy trình công nghệ phải là làm giàu uranium. Nhưng để làm giàu uranium, ít nhất bạn phải khai thác được số lượng đủ lớn.
Tại Bỉ, người Đức đã thu giữ được hơn 1.000 tấn uranium cô đặc mà người Bỉ lấy được từ thuộc địa châu Phi của họ. Congo thuộc Bỉ, nơi vào những năm đó gần như là nơi duy nhất trên thế giới khai thác uranium. Sau khi chiếm đóng Na Uy, Đức Quốc xã đã chiếm giữ một nhà máy nước nặng duy nhất trên thế giới vào thời điểm đó.
Dự án uranium được Hitler ủng hộ (tức là được tài trợ từ ngân khố) miễn là vẫn còn hy vọng có được một loại vũ khí siêu mạnh mới. Heisenberg được Bộ trưởng Bộ Vũ trang của Hitler là Albert Speer đích thân tiếp đón.
Ông đặt câu hỏi thẳng thắn: "Khi nào chúng ta có thể trông thấy một quả bom có thể treo được trên máy bay ném bom?"
Nhà khoa học thành thật: “Tôi nghĩ sẽ mất nhiều năm làm việc chăm chỉ, nhưng trong mọi trường hợp, quả bom sẽ không thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến hiện tại.”
Sau khi nghe kết luận này, giới lãnh đạo Đức, mặc dù thất vọng, nhưng đã hành động một cách sáng suốt họ quyết định để các nhà khoa học tiếp tục làm việc vì tin rằng cuộc chiến chắc chắn sẽ không kết thúc sớm.
Trọng tâm của toàn bộ chương trình bom là lò phản ứng hạt nhân. Và lò phản ứng cần một lượng lớn than chì hoặc nước nặng. Sau nhiều cuộc thảo luận, các nhà vật lý người Đức đã quyết định sử dụng nước nặng. Sau này người ta phát hiện ra rằng nước nặng lại tạo ra thêm một vấn đề rất nghiêm trọng nữa ngoài nhiều vấn đề đã tồn tại.
Vào đầu Thế chiến II, nguồn cung cấp nước nặng của nhà máy Na Uy chỉ còn vài chục kilôgam, và người Đức lấy được rất ít trong số đó vì người Pháp nhanh tay lấy được hầu hết nước nặng có tại nhà máy, theo đúng nghĩa đen là ngay trước mũi quân Đức Quốc xã, vào tháng 5 năm 1940.
Sau đó, tháng 2/1943, những kẻ phá hoại người Anh được cử đến Na Uy với sự giúp đỡ của các chiến sỹ Kháng chiến Na Uy đã cho nổ tung nhà máy và khiến nó ngừng hoạt động trong một thời gian dài, toàn bộ chương trình hạt nhân của Đức đã bị đình trệ. Đây không phải là đòn cuối cùng giáng vào chương trình này, chẳng bao lâu sau, một lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm mà họ đã xây dựng được ở Leipzig cũng đã phát nổ.
Kết quả là Hitler quyết định chỉ tập trung nguồn lực khoa học, sản xuất và tài chính vào những dự án hứa hẹn mang lại lợi nhuận thực sự dưới dạng các mẫu vũ khí mới nhất có khả năng được sử dụng trong cuộc chiến tranh lớn hiện nay.
Nguồn tài trợ của nhà nước cho dự án uranium đã bị cắt giảm. Tất nhiên, ở Liên Xô, họ biết một cách khái quát nhất về công việc của Hiệp hội Uranium Đức.
Và khi Moskva biết rằng quá trình phát triển vũ khí hạt nhân đã bắt đầu và đang được đẩy nhanh hơn, do Anh và Mỹ cùng thực hiện, chính quyền Liên Xô hiểu rằng cần phải ngay lập tức tham gia vào cuộc chạy đua hạt nhân để không bị tụt hậu so với đối thủ.
Hơn nữa, trong khi Mỹ tập hợp các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới để tham gia vào dự án nguyên tử thì Liên Xô lại phải dựa vào sức mạnh của chính mình.
Ngay khi những loạt đạn cuối cùng của cuộc chiến vừa lắng xuống thì một nhóm các nhà vật lý Liên Xô đã được cử đến nước Đức bại trận để xác định nên mang những thiết bị, cũng như vật liệu và tài liệu nào liên quan đến phát triển nguyên tử đến Liên Xô.
Họ cũng xác định các nhà vật lý người Đức đã tham gia vào dự án uranium và có mặt ở vùng chiếm đóng của Liên Xô có thể hữu ích cho việc thực hiện dự án nguyên tử của Liên Xô.
Nhờ vào “hoạt động do thám có vũ lực” được thực hiện theo cách này, hơn hai trăm nhà vật lý và kỹ sư nổi tiếng của Đức đã đến Liên Xô.
Toàn bộ phòng thí nghiệm von Ardenne cùng với máy ly tâm uranium, cũng như các thiết bị từ Viện Vật lý Kaiser, nhiều tập tài liệu kỹ thuật, thuốc thử và nhiều thứ khác nữa đã được đưa ra khỏi Berlin.
Các chuyên gia cũng đã thu được 15 tấn uranium kim loại mà người Đức chưa sử dụng.
Tại Liên Xô, bốn phòng thí nghiệm bí mật đặc biệt (lần lượt mang mật danh “A”, “B”, “C” và “G”) đã được thành lập trong khuôn khổ dự án nguyên tử, các giám đốc khoa học đều là các nhà khoa học đến từ Đức.
Phòng thí nghiệm "A" được chỉ huy bởi Manfred von Ardenne, hậu duệ của một gia đình người Đức lâu đời, một nam tước và gần đây là một sĩ quan SS Standartenführer và người giữ Huân chương Hiệp sỹ.
Tuy nhiên, tất cả những danh hiệu và cấp bậc này không ngăn cản ông tiếp tục là một nhà vật lý tài năng có khả năng thực hiện những khám phá.
Khi còn ở Đức, làm việc theo các chương trình của Hiệp hội Uranium, Ardenne đã phát triển một phương pháp tinh chế khuếch tán khí và tách các đồng vị uranium trong máy ly tâm - giai đoạn quan trọng nhất của toàn bộ quá trình công nghệ sản xuất uranium-235 cấp độ vũ khí.
Phòng thí nghiệm "A" ban đầu được đặt tại Moskva. Sau đó được chuyển đến Sukhumi (ngày nay là thủ phủ của Abkhazia). Nghiên cứu do Phòng thí nghiệm A thực hiện đã mang lại kết quả xuất sắc.
Năm 1947, Ardenne được trao Giải thưởng Stalin vì đã chế tạo được máy ly tâm để tinh chế đồng vị uranium ở quy mô công nghiệp. Sáu năm sau, Ardenne đã hai lần giành được giải thưởng Stalin.
Các nhà khoa học người Đức hào phóng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp Liên Xô. Mỗi chuyên gia Đức được phân công hướng dẫn 5-6 kỹ sư thực tập sinh Liên Xô.
Cuộc sống thường ngày của các chuyên gia Đức được tổ chức ở mức cao nhất. Phần thưởng cho công việc của họ là mức lương xứng đáng, điều kiện nhà ở và thức ăn tốt.
Ngoài ra, mỗi tháng một lần, mỗi gia đình được nhận nửa ký cà phê (một sự xa xỉ không thể diễn tả được trong thời buổi vẫn còn khá đói kém đó). Bản thân Von Ardenne và vợ ông sống trong một biệt thự tiện nghi, và vợ ông có thể chơi nhạc trên cây đàn piano được mang từ Đức về. Không chỉ ông mà nhiều đồng nghiệp của ông cũng đến Liên Xô cùng gia đình.
Những người Đức này, những người bị đưa đến Liên Xô trái với ý muốn của họ, có thể được coi là tù nhân không? Viện sỹ Anatoly Aleksandrov, người sau này là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đồng thời là người tham gia tích cực vào dự án nguyên tử, đã trả lời câu hỏi này như sau: “Tất nhiên, các chuyên gia Đức thực sự là tù nhân, nhưng bản thân chúng tôi cũng là tù nhân.”
Nikolaus Riehl trở thành người đứng đầu Phòng thí nghiệm B, nơi tiến hành nghiên cứu về hóa học bức xạ và sinh học tại dãy núi Ural ở thành phố đóng cửa hiện được gọi là Snezhinsk. Làm việc cùng với Riehl là đồng nghiệp và người quen cũ của ông từ Đức, nhà sinh vật học và nhà di truyền học nổi tiếng người Liên Xô Timofeev-Resovsky.
Tiến sỹ Riehl trở thành một trong những nhân vật chủ chốt trong dự án nguyên tử của Liên Xô. Sau khi thử nghiệm thành công quả bom đầu tiên của Liên Xô, ông đã trở thành Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa và là người đoạt Giải thưởng Stalin.
Ngoài các giải thưởng chính thức, Riehl còn nhận được một món quà từ Joseph Stalin đó là một ngôi nhà gỗ ở Zhukovka, ngoại ô Moskva.
Công trình nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm B, đặt tại Obninsk, được chỉ đạo bởi Giáo sư Rudolf Pose, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân.
Dưới sự lãnh đạo của ông, các lò phản ứng neutron nhanh đã được tạo ra và nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đã được xây dựng ở Liên Xô. Với sự tham gia của Pose, quá trình phát triển lò phản ứng cho tàu ngầm đã bắt đầu.
Phòng thí nghiệm của Rudolf Pose đã trở thành nòng cốt của Viện Vật lý và Kỹ thuật Điện Leipunsky, hiện vẫn hoạt động thành công tại Obninsk. Pose cũng được làm việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân chung ở Dubna.
Gustav Hertz, cháu trai của nhà vật lý nổi tiếng thế kỷ 19, bản thân là một nhà khoa học nổi tiếng và là người đoạt giải Nobel, khi đến Liên Xô đã trở thành người đứng đầu Phòng thí nghiệm G, được bí mật đặt trong tòa nhà của một trong những viện điều dưỡng Sukhumi.
Các hoạt động của Hertz cũng như toàn bộ nhóm của ông đều mang lại hiệu quả rất cao. Kết quả của nghiên cứu này đã được sử dụng trong một cơ sở công nghiệp được xây dựng tại Novouralsk.

Hình mẫu quả bom nguyên tử của Liên Xô RDS-1.
Đến năm 1949, vật liệu dùng làm lõi cho quả bom nguyên tử RDS-1 đầu tiên của Liên Xô đã được sản xuất tại đây. Gustav Hertz đã được trao Giải thưởng Stalin năm 1951 vì những thành tựu của ông trong dự án nguyên tử.
Sau khi hoàn thành công việc cực kỳ hữu ích cho dự án nguyên tử của Liên Xô, các chuyên gia Đức được trao cơ hội trở về quê hương nếu họ muốn.
Trước khi rời Liên Xô, họ đã ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin trong 25 năm về việc tham gia vào dự án nguyên tử. Họ chia tay những người đồng nghiệp Liên Xô như những người bạn.
Sau khi trở về Cộng hòa Dân chủ Đức, các nhà khoa học thường tiếp tục làm việc theo chuyên môn của mình.
Manfred von Ardenne (người hai lần được trao Giải thưởng quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Đức) đã trở thành giám đốc Viện Vật lý ở Dresden, được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội đồng Khoa học về việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, do Gustav Hertz đứng đầu. Rudolf Pose cũng làm việc ở đó, tại Đại học Kỹ thuật Dresden.
Sự tham gia của các nhà khoa học người Đức vào dự án nguyên tử không làm giảm vai trò của các nhà khoa học Liên Xô trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử trong nước, cũng như công lao của tình báo Liên Xô trong việc nắm được bí mật về bom nguyên tử của Mỹ.
Nhưng như chính các nhà vật lý Liên Xô thừa nhận nếu không có sự đóng góp của các đồng nghiệp người Đức, quá trình chế tạo vũ khí nguyên tử ở Liên Xô có thể kéo dài trong nhiều năm./.