Từ lòng đất D67 đến mùa xuân toàn thắng

Cuốn hồi ức Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gắm, giãi bày những suy ngẫm, tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân đầy vinh quang qua những năm tháng khốc liệt nhưng hào hùng.

Cuốn hồi ức Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Phạm Chí Nhân thể hiện), được khởi thảo và chuẩn bị trong nhiều năm

Cuốn hồi ức Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Phạm Chí Nhân thể hiện), được khởi thảo và chuẩn bị trong nhiều năm

Khi bắt tay vào viết cuốn hồi ức Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bước sang tuổi 90.

Sách dày 370 trang, in lần đầu vào năm 2000 do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành. Với nguồn tư liệu phong phú, tác giả kể lại một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang của cả dân tộc.

Qua cuốn sách, địa điểm làm việc của Tổng hành dinh được công khai. Đó là nhà D67 một tầng, thuộc số 9 đường Hoàng Diệu (Hà Nội). Nơi có hệ thồng hầm ngầm sâu dưới đất 9 m. Nơi đây diễn ra tới 1.000 cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương để đưa ra những quyết sách chiến lược trong thời gian chống Mỹ. Nơi đây trải qua những ngày tháng căng thẳng nhưng vẫn bảo đảm hoạt động bình thường từ vị tổng tư lệnh cho tới các tướng lĩnh, sĩ quan cùng hàng chục chiến sĩ.

Tổng hành dinh luôn bám sát tính "thời" (thời sự). Sau khi hiệp định Pari được ký kết chúng ta liền nắm bắt và đẩy nhanh thời cơ. Bằng những trận đánh trinh sát Thượng Đức (tháng 10/1974), Phước Long (1/1975) và chỉ ra "thế" của ta đã lớn lên vượt bậc.

Nhận rõ Mỹ không còn khả năng trở lại can thiệp, sau bao nhiêu trăn trở, cuối năm 1974 Bộ Chính trị kết luận trận đánh mở màn chiến lược sẽ là Buôn Ma Thuột. Việc nghi binh, ém quân phải tuyệt đối giữ bí mật. Đây là một sự kết hợp nhịp nhàng tài tình đầy nghệ thuật.

Việc cài thế, bao vây chia cắt đã xong, Tổng hành dinh quyết định 6 giờ 30 ngày 10/3 đồng loạt nổ súng. Từ đây toàn bộ hệ thống đã rung chuyển.Trong cuốn sách ta thấy "thời" đi với "thế", thế của ta luôn giữ vững chủ động, đi cùng là lực và liền đó là cơ mưu. Ngoài sức mạnh của vũ khí còn là sức mạnh của tinh thần chiến sĩ, sức mạnh của lòng dân. Chúng ta phát huy tối đa sức mạnh của binh vận, của tấn công từ bên ngoài và kết hợp với nổi dậy từ bên trong...

Đọc cuốn hồi ức của Đại tướng, ta thấy nổi lên vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ thống soái tối cao và các cơ quan tham mưu chiến lược của Tổng hành dinh trong suốt cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch. Đại tướng kể lại: “Mùa xuân 1975, Bộ thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược, hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước, khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng, giành toàn thắng trong tình hình quốc tế vô cùng phức tạp giữa những năm 70 của thế kỷ XX. Các chiến dịch đều diễn ra theo một kế hoạch thống nhất của Bộ Tổng tư lệnh, có sự phối hợp với nhau cả về kế hoạch và tình huống chiến dịch, tạo tiền đề cho nhau và cùng tạo ra điều kiện hình thành đòn quyết định chiến lược cuối cùng”.

Qua những dòng hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ta thấy rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quét sạch quân thù.

Những trang viết hấp dẫn, giàu tư liệu khắc họa một cách rõ nét trí tuệ của một tập thể tài năng thuộc lớp cận vệ đầu tiên chói sáng ở thời điểm lịch sử quyết định dẫn dắt dân tộc ta đi đến đích vinh quang.

Với bản tính điềm đạm và đôn hậu, ông kể về các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan từ Tổng hành dinh đến những nhà lãnh đạo các chiến trường - những người đồng chí, đồng đội - một cách thân thiết, chân thành, hết sức trân trọng.

Đây là cuốn sách viết về quân sự song là sự hòa quyện của những yếu tố chính trị thể hiện một nhãn quan phân tích thời cuộc một cách sắc bén chỉ ra rằng một thời đại mà mọi biến diễn ở một nước, không thể không xem xét tới các mối liên hệ một khu vực và toàn cầu.

Cuốn sách có những trang viết mang đậm chất hồi ký mà qua đó người đọc cảm nhận một cách rất riêng về lối làm việc cùng ứng xử nhân văn của Đại tướng. Được tin máy bay B52 đầu tiên rơi trên bầu trời Hà Nội, Đại tướng không nén nổi cảm xúc khi thấy B52 không còn là con ngáo ộp bất khả xâm phạm nữa: ‘‘Tôi bước ra ngoài sở chỉ huy. Trời rét đậm và mưa bụi. Nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường,...(*)

Chương cuối Đôi dòng suy ngẫm, tác giả tổng kết cả một giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó then chốt nhất vẫn là vấn đề mặt trận đoàn kết lòng dân, phải tiếp thu nghệ thuật đánh giặc của cha ông, trong đó hiểu mình và hiểu người sao cho thấu đáo và luôn vì quyền lợi của nhân dân, của dân tộc.

Tuy tình hình thế giới và khu vực có nhiều phức tạp, song những bài học quý giá đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

NGUYỄN VIỆT THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-long-dat-d67-den-mua-xuan-toan-thang-409029.html
Zalo