Từ kẹo giả đến sữa rởm: Khi người nổi tiếng tiếp tay cho gian thương

Gần 500 tỷ đồng doanh thu từ 573 nhãn hiệu sữa bột sản xuất và bán ra thị trường trong vòng 4 năm, nhưng tất cả chỉ là một vỏ bọc tinh vi cho một đường dây sản xuất hàng giả. Câu chuyện không dừng ở sự tinh vi của thủ đoạn, mà còn ở những lỗ hổng pháp lý bị lợi dụng và sự tiếp tay trắng trợn của những người nổi tiếng - 'người của công chúng'.

 Minh họa: DAD

Minh họa: DAD

Tự công bố chất lượng - "Cửa ngõ" hợp pháp cho hàng giả xâm nhập thị trường?

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, phần lớn các sản phẩm sữa bột (trừ nhóm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi hoặc đối tượng đặc biệt) được phép tự công bố chất lượng mà không cần kiểm tra, kiểm định trước khi lưu hành. Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được toàn quyền sản xuất, kinh doanh và… tự chịu trách nhiệm nếu có rủi ro. Song, trách nhiệm ấy thường đến quá muộn - khi hàng trăm ngàn hộp sản phẩm đã nằm trong tay người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng khám phá vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả

Cơ quan chức năng khám phá vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả

Lợi dụng kẽ hở đó, các nghi phạm đã thành lập 2 công ty - Dược quốc tế Rance Pharma và Dược dinh dưỡng Hacofood Group - rồi tung ra thị trường hàng trăm dòng sữa bột giả, từ sản phẩm cho người suy thận, tiểu đường, trẻ sinh non đến bà bầu. Không chỉ vi phạm đạo đức, họ đã thao túng lòng tin người tiêu dùng bằng chính lỗ hổng của pháp luật.

Tương tự như vậy là những thực phẩm khác như kẹo giả Kera được Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs bán ra thu về hơn 20 tỷ, lợi nhuận 17 tỷ đồng. Hơn 135.000 hộp kẹo Kera đã đến tay người tiêu dùng và với kết quả như cơ quan chức năng kết luận không chỉ thiếu hàm lượng chất xơ so với công bố, mà loại kẹo này còn có thành phần của thuốc sổ.

Người nổi tiếng: Từ biểu tượng tin cậy đến kẻ tiếp tay cho gian thương

Không ít người vẫn đặt câu hỏi: Tại sao những sản phẩm kém chất lượng ấy lại bán chạy đến vậy? Câu trả lời nằm ở sức mạnh của mạng xã hội - nơi người nổi tiếng được tôn lên như thần tượng và lời họ nói được xem như sự thật.

Trong vụ kẹo Kera đầy tai tiếng, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs - hai cái tên đình đám trên mạng xã hội - không chỉ quảng cáo sai lệch về công dụng của sản phẩm, mà còn tiếp tục lặp lại chiêu bài này với sản phẩm yến sào LoiNest. Một loại yến được quảng cáo là "nguyên chất, đạt chuẩn xuất khẩu" nhưng được bán với giá 188.000 đồng cho hộp 6 lọ - mức giá rẻ đến mức khó tin.

Dù vậy, vẫn có hàng chục ngàn người mua chỉ vì họ tin vào hình ảnh và lời nói của thần tượng mạng.

Một buổi quảng cáo bán kẹo Kera với sự tham gia của Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs

Một buổi quảng cáo bán kẹo Kera với sự tham gia của Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs

Sự thật là, người nổi tiếng giờ đây không chỉ là người truyền cảm hứng, mà đã trở thành công cụ quảng bá sản phẩm bất chấp - bất chấp đạo đức, bất chấp hậu quả. Họ livestream, họ nói như thật, họ dùng ngôn ngữ mùi mẫn để biến một món hàng rẻ tiền thành "thần dược". Nhưng khi scandal vỡ lở, tất cả những gì họ để lại chỉ là lời xin lỗi - hoặc thậm chí là sự im lặng đến đáng sợ.

Nếu ai đó còn nghĩ rằng người nổi tiếng sẽ tự kiểm duyệt nội dung thì vụ việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh. Khi lợi nhuận quá lớn, lương tâm không đủ sức níu giữ. Vấn đề không chỉ là đạo đức nghề nghiệp mà là an toàn sức khỏe cộng đồng.

Không thể tiếp tục để thị trường thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa bột - những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe - bị thao túng bởi các livestream thiếu kiểm chứng. Cũng không thể mãi đổ lỗi cho "người mua cả tin". Khi mà thông tin được định hướng có chủ đích, khi mà người bán cố tình sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tạo cảm giác tin cậy, thì người tiêu dùng là nạn nhân chứ không phải kẻ dại dột.

Pháp luật cần đi trước, không thể chạy theo

Tự công bố sản phẩm có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhưng nếu không có cơ chế giám sát và hậu kiểm hiệu quả, thì đó là con dao hai lưỡi.

Vụ việc của Công ty Chị Em Rọt với sản phẩm kẹo Kera hay sữa giả từ Hacofood là minh chứng cho thấy: đã đến lúc cần siết lại quy định, đặc biệt với các sản phẩm nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Đừng để đến khi thiệt hại đã xảy ra mới bắt đầu xử lý hậu quả.

Đồng thời, người nổi tiếng nếu không thể tự chịu trách nhiệm thì cần bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Việc xử lý hình sự những người trực tiếp tiếp tay, quảng bá cho hàng giả là bước đi cần thiết để tái lập lại ranh giới giữa ảnh hưởng và trách nhiệm.

Niềm tin công chúng không phải là thứ có thể đem ra mặc cả. Một khi người nổi tiếng đánh đổi sự tín nhiệm để kiếm tiền bất chấp, họ không chỉ phản bội khán giả, mà còn góp phần làm rối loạn thị trường, làm suy yếu nền tảng đạo đức trong thương mại.

Sau loạt vụ việc nối tiếp nhau - từ kẹo giả, đến sữa bột rởm - đã đến lúc chúng ta đặt lại câu hỏi: Phải chăng thời của những người nổi tiếng quảng cáo lố đã thật sự kết thúc?

Nếu câu trả lời là chưa - thì ít nhất, xã hội cũng nên bắt đầu hành động như thể điều đó đã đến lúc cần phải xảy ra.

Tiểu Di

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-keo-gia-den-sua-rom-khi-nguoi-noi-tieng-tiep-tay-cho-gian-thuong-20250415173259008.htm
Zalo