Từ hạt lúa, trái mãng cầu, đến cuộc 'cách mạng' về tư duy giúp nông dân Tây Ninh liên tục giàu lên

Với những thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với những loại cây trồng thế mạnh mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho nông dân, HTX.

Những năm gần đây, Tây Ninh xác định ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh là trọng tâm đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu sẽ có khoảng 9.259 ha cây ăn trái, 900 ha mía, 275 ha lúa... được sản xuất tập trung.

Thành công nhờ sản xuất khoa học

Mãng cầu (na) là một trong những cây trồng có tiếng ở Tây Ninh, với diện tích canh tác hơn 5.000ha, tập trung ở các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và TP Tây Ninh. Bình quân mỗi ha mãng cầu từ 2,5 tuổi sẽ cho thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi vụ 8 tấn, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng trên 140 triệu đồng/ha/năm, mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân.

Dự trên thế mạnh của địa phương, cùng với hoài bão giúp người nông dân thoát nghèo từ nông nghiệp, ông Hà Chí Mãng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng Cầu Thạnh Tân (xã Thanh Tân, TP Tây Ninh) đã không ngừng mày mò nghiên cứu, mang lại giá trị kinh tế cao cho trái mãng cầu.

Mãng cầu (na) đang là một trong những cây xóa nghèo, làm giàu của người dân Tây Ninh (Ảnh: BTN).

Mãng cầu (na) đang là một trong những cây xóa nghèo, làm giàu của người dân Tây Ninh (Ảnh: BTN).

Theo ông Mãng, tiếng là thủ phủ của trái mãng cầu ở miền Nam, nhưng trước đây, người nông dân ở Thanh Tân vẫn còn xa lạ với việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, canh tác truyền thống, giá trị kinh tế mang lại không cao.

Vì lẽ đó, năm 2015, ông Mãng thành lập HTX để giúp bà con làm mãng cầu sạch, nâng cao đời sống. Để phòng ngừa sâu bệnh, ông Mãng nghiên cứu đưa bẫy dẫn dụ côn trùng vào sử dụng. Cùng với đó, ông cùng các thành viên HTX đã triển khai biện pháp “mặc áo” (bao trái) cho trái mãng cầu để ngăn ngừa côn trùng phá hoại.

“Việc bao trái giúp giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, trong quá trình chăm sóc, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, từ đó tiết kiệm nước, chi phí, tăng năng suất”, ông Mãng cho hay.

Đến nay, HTX Mãng Cầu Thạnh Tân đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích hơn 25,7 ha và đang tiếp tục nhân rộng phát triển diện tích sản xuất an toàn cho các thành viên, nông dân liên kết, hướng đến sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Nhờ chất lượng, mẫu mã tốt, sản phẩm của HTX đã được đưa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài (Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc...). Sản phẩm thu hái đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên, ngoài sản lượng trái tươi đạt chuẩn cung cấp theo hợp đồng ổn định, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị để chế biến mãng cầu không đạt chuẩn theo quy trình chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên kết để phát triển bền vững

Cùng với HTX Mãng Cầu Thạnh Tân, nhiều HTX ở Tây Ninh đang đứng ra liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đạt hiệu quả tích cực, góp phần giúp sản phẩm làm ra có giá cả cao hơn, cuộc sống người dân ổn định hơn.

Điển hình, hơn 3 năm nay, gia đình anh Lê Văn Chơn (huyện Châu Thành) thoát khỏi cảnh bấp bênh tìm đầu ra vì toàn bộ 1,5 ha đất ruộng đã được HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hòa Thạnh) bao tiêu sản phẩm, nhờ đó thu nhập của gia đình dần ổn định hơn, giá lúa bán ra cũng cao hơn...

Thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị là chìa khóa để nông dân Tây Ninh làm giàu bền vững (Ảnh: BTN).

Thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị là chìa khóa để nông dân Tây Ninh làm giàu bền vững (Ảnh: BTN).

Anh Chơn cho biết: "Lúc trước làm ruộng cực lắm, nhất là khi tới mùa thu hoạch, lúc đó thương lái toàn mua lúa khô. Cực nhất phải vận chuyển từ ruộng về nhà để phơi, chưa kể mùa mưa, lúa phơi không được, có đợt phơi tận 10 ngày mới bán được, gây thất thoát nhiều lắm. Chưa kể, giá lúa bán cho thương lái thường rất thấp, thậm chí những năm được mùa còn bị thương lái ép giá".

Từ khi tham gia vào HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, việc làm ruộng của gia đình anh Chơn nay đã đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn.

Ông Hoàng Phú Hậu, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu cho biết, HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa do các thành viên HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó giúp lợi nhuận của bà con tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha so với ruộng lúa không liên kết theo chuỗi.

“Tham gia sản xuất lúa theo chuỗi giá trị vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, vừa liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững”, vị đại diện HTX nói.

Thêm các động lực phát triển

Có thể thấy, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang có những bước tiến toàn diện. Trong thời gian qua, Tây Ninh đã chuyển đổi trên 7.640 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm.

Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô đàn trên 10 triệu con gia súc, gia cầm, tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và Trung Quốc; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 48 cơ sở sản xuất là những HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất với tổng diện tích là 1037,19ha; 62 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP gồm 39 cơ sở chăn nuôi heo, 22 cơ sở chăn nuôi gà, 1 cơ sở chăn nuôi bò.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đã có nhiều đánh giá tốt đẹp đối với Tây Ninh, trong đó nhấn mạnh Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò kết nối với thị trường Campuchia.

Thời gian tới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị vẫn tiếp tục là định hướng phát triển ưu tiên và là một trong những mũi nhọn tạo đột phá chiến lược của tỉnh Tây Ninh.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tăng cường thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản...

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tu-hat-lua-trai-mang-cau-den-cuoc-cach-mang-ve-tu-duy-giup-nong-dan-tay-ninh-lien-tuc-giau-len-1102659.html
Zalo