Tự hào với đất Đồng Nai

Địa danh Đồng Nai có lúc từng chỉ cả vùng đất phía Nam của Đàng Trong thưa dân mà trù phú. Rồi sau này, tên gọi Đồng Nai cơ bản ứng với địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai hiện nay và cũng là một địa phương giàu có về sản vật, đậm nét về bản sắc văn hóa, có tiềm năng phát triển kinh tế và giữ vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Khoảng 40 năm trước, khi tôi nghe đến các cái tên như Bà Rịa, Bà Rá, Bình Long, Đồng Xoài…, những địa danh trong vùng Đông Nam Bộ, thì cảm giác nơi đó rất hoang sơ, xa vắng… Nhưng nghe đến Kim Long, Long Khánh, Long Thành, Biên Hòa, Phương Lâm… thì biết đó là những nơi đông đúc, trù phú. Đương nhiên, bấy giờ những nơi như Tà Lài, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch… cũng còn khá hoang sơ, thưa dân. Dù sao thì Đồng Nai khi đó cũng nổi tiếng với một số nông sản như: thuốc lá Tân Phú, trái cây Long Khánh, nhiều loại thủy sản ở Nhơn Trạch… Rồi nhiều nhà máy, sản phẩm công nghiệp ở Biên Hòa thuộc hàng đầu cả nước. Từ ngày đó, Đồng Nai đã là một tỉnh “giàu có” so với nhiều tỉnh khác ở khu vực Nam bộ rồi.

Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi

Trải qua nhiều năm, tiềm lực của Đồng Nai ngày càng lớn mạnh, cả công nghiệp lẫn nông nghiệp. Không kể thời gian có thêm huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), huyện Xuyên Mộc, huyện Long Đất (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn phát triển nghề biển, hiện nay, các huyện và thành phố của Đồng Nai đều là những địa phương khá phát triển.

Các huyện miền núi vốn từng rất khó khăn như Định Quán, Tân Phú thì nay cũng đã có khu công nghiệp, ngày càng phát triển nông nghiệp với các loại cây công nghiệp như: cao su, điều hay nhiều loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, xoài, mít, chuối… Các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch bên cạnh các khu công nghiệp bề thế thì đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều địa phương của Đồng Nai vừa có đất sản xuất nông nghiệp, đất đô thị hóa, đất sản xuất công nghiệp và cả đất rừng, điều mà không phải địa phương nào cũng có.

Đồng Nai lại có khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi. Trừ một vài nơi gần sông, suối có lũ quét, còn lại do xa biển nên rất ít chịu ảnh hưởng của bão, thỉnh thoảng mới có gió lốc.

Có thể nói, Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi với mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ với nhiều nơi đất đá bazan, đất phù sa cổ, đất nâu… Như vùng Định Quán, Thống Nhất, Long Khánh, cây trái quanh năm tốt tươi; nhiều loại rau quả chỉ cần trồng một lần, từ đó tự mọc trở lại và có thể thu hoạch thường xuyên…

Vận hội gắn liền với thách thức, nếu Đồng Nai không vươn mình phát triển thì có thể sẽ bị tụt hậu. Do đó, hơn lúc nào hết, sự tự hào phải gắn liền với những hành động cụ thể để tỉnh nhà chuyển mình vươn vai!

Vùng đất có bề dày lịch sử

Đồng Nai là vùng đất có bản sắc văn hóa khá độc đáo với sự đan xen của nhiều dân tộc, nhiều thành phần dân cư. Năm 1679, Tổng binh Trần Thượng Xuyên vì không thuần phục nhà Thanh đã chạy sang Đàng Trong, được chúa Nguyễn cho phép vào khai phá vùng cù lao Phố và nhanh chóng biến nơi này thành vùng đất trù phú. Cột mốc này đánh dấu sự tồn tại cộng đồng người Hoa ở Đồng Nai, mãi đến hiện nay cũng có khá đông đồng bào người Hoa sống hòa thuận cùng với người có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ (nhất là vùng Định Quán, Tân Phú).

Sự hình thành các cộng đồng dân cư lâu đời và đa dạng dân cư đã tạo nên dấu ấn văn hóa đặc sắc. Những dấu vết xưa cũ nay vẫn còn ít nhiều đọng lại ở cù lao Phố trong các công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, hay những nét văn hóa riêng của các sắc dân cũng tạo nên sự phong phú về bản sắc mà không phải nơi nào cũng có.

Nếu nhìn xa hơn, di chỉ khảo cổ Hàng Gòn và nhiều di tích, tên gọi ở Đồng Nai đã cho thấy đây là vùng đất có bề dày lịch sử, với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Hay nhìn về Văn miếu Trấn Biên sẽ thấy đây như là vùng đất mang tính thủ phủ của xứ Đồng Nai mới tiếp thu (bao gồm nhiều địa phương thuộc Nam Bộ hiện nay, tính từ khi xây dựng Văn miếu vào năm 1715).

Đương nhiên, nói đến Đồng Nai không thể bỏ qua di tích lịch sử Chiến khu Đ ở rừng Mã Đà gắn liền với câu nói nổi tiếng: “Chiến khu Đ còn Sài Gòn mất”.

Tự hào với vùng đất Đồng Nai đương nhiên không chỉ tự hào về một địa phương có bề dày truyền thống lịch sử hay một vùng đất trù phú, có vị thế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ mà còn tự hào về một xứ sở có bản sắc văn hóa độc đáo, một nơi xứng danh “địa linh nhơn kiệt”. Tự hào về Đồng Nai là tình cảm của những người con đất Đồng Nai, từ đó hình thành trách nhiệm trong việc chung sức chung lòng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển…

Nguyễn Minh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/tu-hao-voi-dat-dong-nai-deb3e60/
Zalo