Tự hào những người vợ anh hùng liệt sĩ

Để có đất nước hòa bình, độc lập, biết bao người vợ phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, nhất là những người vợ anh hùng liệt sĩ.

Chồng hy sinh, bà Lê Thị Thảnh ở thôn Kim Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà) đã một mình vượt qua nỗi đau, nuôi dạy các con nên người

Chồng hy sinh, bà Lê Thị Thảnh ở thôn Kim Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà) đã một mình vượt qua nỗi đau, nuôi dạy các con nên người

Chồng hy sinh, một mình gồng gánh nuôi 4 con thơ

Một chiều cuối tháng tư, chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Thảnh, sinh năm 1935 ở thôn Kim Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà) là vợ liệt sỹ Nguyễn Công Chinh.

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Nguyễn Công Chinh đã để lại người vợ trẻ và 4 đứa con thơ để lên đường vào chiến trường miền Nam. Trước ngày đi, ông từ đơn vị về thăm vợ và các con. Rồi kể từ đó, ông vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa.

Dù đã 90 tuổi, nhiều chuyện đã quên nhưng bà Thảnh vẫn nhớ ngày nhận giấy báo tử của chồng. Đó là một buổi chiều tháng 6/1972, khi bà Thảnh đón các con từ nhà trẻ về thì nhận được tin chồng mình đã hy sinh tại chiến trường miền Nam vào tháng 1/1970. “Hai tay ôm 2 con, tôi rụng rời khụy xuống, đầu óc quay cuồng rồi chẳng nghĩ được gì. Nước mắt cứ trào ra vì thương chồng, xót con và thương cả chính mình”, bà Thảnh nhớ lại.

Bà Thảnh kể từ khi chồng nhập ngũ đến khi nhận tin chồng hy sinh, bà chỉ nhận được duy nhất một lá thư chồng gửi về từ chiến trường. Thư ông Chinh gửi về, ai đọc cũng khóc. Cả bức thư dài mấy trang nhưng không hề kể về khó khăn, gian khổ. Ông chỉ tâm sự về hoàn cảnh thời chiến và những chiến sỹ cùng vào sinh ra tử ở chiến trường. Cuối thư ông không quên dặn vợ ở nhà giữ sức khỏe, chăm sóc các con thay chồng. Như một định mệnh đã được dự báo trước, một mình bà phải tảo tần sớm khuya làm đủ mọi việc, thay chồng nuôi các con.

Gạt nước mắt, bà Lê Thị Thảnh nghẹn nghào cho biết chính niềm tự hào khi chồng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc là động lực mạnh mẽ giúp bà và các con có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, thương nhớ. Đến nay, 4 người con của liệt sỹ Nguyễn Công Chinh và bà Lê Thị Thảnh đều đã trưởng thành. Các cháu, chắt trong nhà đều ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Tin đầu tiên về chồng là tờ giấy báo tử

Trong thời chiến, vợ những người lính luôn giàu đức hy sinh, sự can trường, chịu thương, chịu khó. Những người vợ liệt sỹ lại càng vất vả hơn hết, bởi một lúc họ phải gánh vác nhiều trọng trách, vừa làm dâu, làm mẹ, làm cha nhưng chưa bao giờ họ thở dài, than vãn.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại trong ánh mắt của bà Trần Thị Đót, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thúy ở thị trấn Nam Sách

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại trong ánh mắt của bà Trần Thị Đót, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thúy ở thị trấn Nam Sách

Bà Trần Thị Đót, sinh năm 1939 ở thôn Đồn Bối, thị trấn Nam Sách là vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thúy. Dù sức khỏe đã yếu, bà Đót vẫn nhiệt tình kể lại cho chúng tôi nghe chuyện về người chồng liệt sỹ của mình.

Đã hơn 50 năm kể từ khi chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng trong ánh mắt của bà Đót vẫn đọng lại nỗi buồn sâu thẳm.

Bà Đót nghẹn ngào nhớ lại: Năm 1965, ông Thúy tái ngũ vào chiến trường miền Nam, để lại cho bà 2 người con nhỏ, trong đó đứa con thứ hai mới được 2 tháng tuổi. Để vợ yên tâm, ông Thúy không nói mình tham gia vào chiến trường miền Nam mà chỉ nói vào Quảng Bình rồi dặn vợ yên tâm ở nhà nuôi con, ông đi một thời gian ngắn sẽ về.

Dù không muốn xa chồng nhưng bà Đót phải cố nén nước mắt để chồng yên tâm lên đường. Cũng từ ngày đó, bà Đót đằng đẵng chờ tin chồng trong vô vọng. Đến năm 1973, thông tin đầu tiên về chồng bà nhận được lại là tin báo tử. Ông Thúy đã hy sinh vào tháng 8/1973 tại chiến trường miền Nam.

Nhận tin dữ, nỗi đau như xé nát trái tim người vợ trẻ. Nhìn 2 đứa con thơ dại, bà Đót tự nhủ phải mạnh mẽ vượt qua để thay chồng nuôi dạy các con trưởng thành.

Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm. Người con gái thứ hai của bà lại bị bệnh bại não từ khi còn nhỏ. Đến năm 1998, người con trai cả cũng mất vì bị u não. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, nhiều đêm dài, bà Đót cùng cô con dâu lặng lẽ ngồi khóc, giấu kín nỗi buồn vào sâu thẳm trái tim, gạt nước mắt, động viên nhau phải mạnh mẽ hơn vì các con, các cháu.

Trải qua bao vất vả, đến nay các cháu nội của bà Đót đều đã thành đạt, công tác tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Làm vợ 20 ngày, một đời thờ chồng

Trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Cách, sinh năm 1950 ở thôn Bình Đê, xã Gia Phúc (Gia Lộc) ngồi lặng lẽ với đôi mắt ngấn lệ ngắm nhìn tấm ảnh duy nhất của mình chụp với chồng là liệt sỹ Đặng Thanh Bình quê ở xã Kim Sơn, huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

Bà Cách nhớ lại, ông Bình nhập ngũ năm 1972. Sau khi hòa bình lập lại, ông về phép. Qua mai mối, năm 1976, hai người làm lễ cưới. Cưới nhau tròn 20 ngày thì ông Bình tái ngũ.

Bà Nguyễn Thị Cách ở thôn Bình Đê, xã Gia Phúc (Gia Lộc) một đời chung thủy sắt son thờ chồng liệt sỹ

Bà Nguyễn Thị Cách ở thôn Bình Đê, xã Gia Phúc (Gia Lộc) một đời chung thủy sắt son thờ chồng liệt sỹ

Đó là ngày cuối tháng 10/1976, bà cùng người thân tiễn ông Bình ra bến phà Bính (Hải Phòng) để vào Nam. Trước khi phà rời bến, ông chỉ dặn dò vợ: “Em ở nhà nhớ giữ sức khỏe, hoàn thành nghĩa vụ anh về với em”.

Người vợ trẻ ở nhà ngóng trông chồng về. Cuộc sống vợ chồng quá ngắn ngủi, ông Bình nhập ngũ khi chưa kịp để lại cho bà Bính đứa con. Lời hứa trở về của chồng vẫn luôn khoắc khoải trong mỗi giấc ngủ, trong nỗi trống vắng, cô đơn dài dằng dặc của người vợ trẻ. Rồi đến một ngày hè năm 1978, giữa cái nắng gắt, bà Cách như chết lặng khi nhận được giấy báo tử từ đơn vị của chồng gửi về. Ông Bình đã hy sinh vào tháng 7/1978 tại tỉnh Tây Ninh.

Những năm sau đó, dù nhiều người ngỏ ý muốn cùng bà xây dựng gia đình nhưng bà Cách đều từ chối. Bởi thế, gần 50 năm qua, bà Cách vẫn một mình giữ nguyên tình yêu son sắt, thủy chung với người chồng liệt sỹ.

Không cùng nơi sinh ra, không cùng tuổi tác nhưng bà Thảnh, bà Đót và bà Cách cùng với bao người phụ nữ Việt Nam khác đều đã gói lại niềm riêng, gạt tình yêu sang một bên để chồng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đó là đức hy sinh cao đẹp của phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc và cả trong thời bình.

LAN NGUYỄN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-hao-nhung-nguoi-vo-anh-hung-liet-si-409768.html
Zalo