Tự hào Nhơn Hưng!
Là địa phương giáp biên với nước bạn Campuchia, phường Nhơn Hưng (TX. Tịnh Biên) khởi sắc về kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị ngày một khang trang. Đặc biệt, Nhơn Hưng cũng là một trong những 'địa chỉ đỏ' của lòng yêu nước ở vùng Bảy Núi, trở thành niềm tự hào cho những ai sinh ra, lớn lên trên mảnh đất thành đồng này.
Lịch sử hào hùng
Lần giở những trang Lịch sử Đảng bộ xã Nhơn Hưng, mới cảm nhận được khí phách hào hùng của vùng đất. Dù ở miền biên giới Tây Nam xa xôi của Tổ quốc, Nhơn Hưng vẫn có dấu ấn đặc biệt gắn với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Trong giai đoạn 1920 - 1925, cụ đến chùa Hòa Thạnh (chùa Cây Mít) hốt thuốc trị bệnh, vừa giáo dục lòng yêu nước cho người dân. Đây là động lực tạo nên truyền thống yêu nước nồng nàn cho bao thế hệ người dân Nhơn Hưng.
Hiện nay, Nhơn Hưng có nhiều di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng, như: Chùa Hòa Thạnh, Hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên, Chốt thép. Ngoài ra, mỗi con đường, mỗi mảnh vườn nơi đây đều ít nhiều ghi lại dấu chân của bao thế hệ người yêu nước đã chiến đấu, hy sinh, xây dựng vùng đất. Tháng 7/1930, Nhơn Hưng là nơi hình thành Chi bộ ghép Nhơn Hưng – Thới Sơn để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống Pháp. Những cái tên Tám Viễn, Nguyễn Thị Đời, Sáu Thâu, Bảy Rô… trở thành lực lượng nòng cốt, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống lại sự khủng bố, càn quét, bóc lột của thực dân Pháp và tay sai.
Sau quá trình đấu tranh hào hùng, gian khổ, Chi bộ xã Nhơn Hưng lãnh đạo người dân đứng lên giành chính quyền vào ngày 28/8/1945, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 vĩ đại. Đến giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Nhơn Hưng cũng lập được nhiều chiến công, tiêu biểu, như: Trận du kích Nhơn Hưng phối hợp bộ đội Trần Thắng đánh xe chở lính của Cò Lửa từ Châu Đốc vào Nhà Bàng (tháng 1/1947); trận tấn công đồn Vĩnh Trung (tháng 9/1949); tham gia vào chiến dịch Long Châu Hậu của Bộ Tư lệnh Nam Bộ (tháng 9/1950)…

Những nẻo đường Nhơn Hưng hôm nay
Sang thời kỳ chống Mỹ, lực lượng cách mạng tại Nhơn Hưng đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện “Phong trào Nhân dân du kích chiến tranh”, gây cho địch nhiều khó khăn. Tiêu biểu, phục kích đánh địch càn vào căn cứ Tây Hưng, núi Dài; bao vây, kêu gọi địch ở đồn Cây Trôm ra hàng (năm 1965). Rất nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác khẳng định tinh thần chiến đấu anh hùng của lực lượng cách mạng và Nhân dân xã Nhơn Hưng, cùng hướng đến ngày toàn thắng, non sông liền một dải.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Nhơn Hưng là địa phương duy nhất của huyện Bảy Núi không bị địch chiếm. Trải qua 72 trận đánh lớn nhỏ giai đoạn 1975 - 1979, “chốt thép” Nhơn Hưng vẫn được giữ vững bên bờ kênh Vĩnh Tế, mãi trở thành trang sử hào hùng cho thế hệ trẻ noi theo. Đó chính là động lực để đảng bộ, chính quyền và người dân Nhơn Hưng hôm nay tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương.
Nhơn Hưng hôm nay
Bây giờ, xã Nhơn Hưng trở thành phường Nhơn Hưng. Những con đường trải nhựa phẳng phiu đến từ sự tự nguyện hiến đất, hiến cây của người dân. Những mái trường khang trang và cuộc sống khởi sắc của người dân chứng minh cho tinh thần nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và người dân địa phương qua các thời kỳ.
Năm 2024, phường Nhơn Hưng có 19/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt từ 100% nghị quyết trở lên. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 68,1 triệu đồng/năm; 100% hộ sử dụng điện kế, thủy kế; 100% học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Nhơn Hưng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, giao thông - thủy lợi, an sinh xã hội, chính sách đối với người có công… Trong xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh, địa phương đạt 4/9 tiêu chí, 28/52 chỉ tiêu.
Kết quả trên đến từ nỗ lực kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của hệ thống chính trị địa phương, nhằm kiến thiết mảnh đất bom đạn cày xới ngày nào trở thành phường biên giới khang trang, đáp ứng mong mỏi của mọi tầng lớp Nhân dân. Phát huy những kết quả đạt được, Đảng ủy, UBND phường Nhơn Hưng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận sâu sắc của người dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, địa phương.
Bên cạnh quá trình kiến thiết quê hương, những người con Nhơn Hưng hôm nay vẫn không quên sự hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước. Vào ngày lễ, Tết, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hàng năm, thế hệ trẻ thực hiện hành trình về “địa chỉ đỏ” để thăm lại Chốt thép Nhơn Hưng, Hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên… để mãi nhớ về truyền thống anh hùng của vùng đất này, tiếp tục phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, Nhơn Hưng có 3 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Dân quân du kích xã (ngày 20/12/1979), Ban Công an nhân dân xã (13/8/1980), Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã (3/11/2004). Đây là những dấu son trong chặng đường phát triển, là niềm tự hào cho người dân trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương