Tự hào miền đất khai sinh quân đội anh hùng, xây dựng Cao Bằng năng động, phát triển nhanh và bền vững
Cao Bằng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước chống ngoại xâm, có vị trí chiến lược trọng yếu, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước, là 'phên dậu' vững chắc của Tổ quốc nơi biên cương phía Bắc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Cao Bằng - vùng đất biên cương, căn cứ địa cách mạng với những địa danh - “Địa chỉ đỏ” của đất nước, gắn liền với dấu ấn lịch sử của cách mạng Việt Nam, như: hang Pác Bó, suối Lê-nin, núi Các Mác… Đặc biệt, Cao Bằng là nơi khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước tình hình trong nước và quốc tế có những biến chuyển quan trọng, mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến năm 1942, phong trào cách mạng được hình thành ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng phát triển mạnh và lan rộng.
Đối phó với sự phát triển lớn mạnh nhanh chóng của phong trào cách mạng, từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục tổ chức các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các châu của Cao Bằng, thực hiện mua chuộc đồng bào, gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, tăng cường hệ thống đồn bốt trên những tuyến đường chúng nghi Việt Minh sử dụng để liên lạc. Tại Nguyên Bình, địch xây 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, tiến hành khủng bố ở Kỳ Chỉ, Gia Bằng, Tam Kim, Hoa Thám, Hưng Đạo.
Trước tình hình cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II phát triển theo chiều hướng có lợi cho cách mạng nước ta, để thúc đẩy việc chuẩn bị lực lượng tiến tới chớp thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa. Đến tháng 10/1944, không khí cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc sục sôi, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng lên kế hoạch chuẩn bị phát động khởi nghĩa trên địa bàn khi thực dân Pháp tăng cường đàn áp khủng bố phong trào cách mạng, khiến cho cơ sở ở nhiều nơi bị phá vỡ. Cuối tháng 10/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chỉ đạo hoãn cuộc khởi nghĩa. Người nhận định: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”. Do lực lượng vũ trang cách mạng còn ít, lại hoạt động phân tán, Người quyết định lập Đội quân giải phóng để “tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”.
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn khu rừng giữa 2 tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình tổ chức Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Khu rừng thuộc núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, nơi có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát”. Phía Bắc khu rừng có đường từ Kim Mã qua châu Trần Phú đi Trung Quốc. Phía Đông có đường mòn sang châu Phùng Chí Kiên, dãy núi Kim Hỷ về huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), thị trấn Đình Cả (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Phía Tây nhìn sang ngọn núi phía Bắc, Khao Sơn. Phía Nam tiến thẳng xuống núi Cứu Quốc. Ngoài ra, khu rừng nằm trên dải núi giáp ranh 3 tỉnh có phong trào cách mạng phát triển mạnh là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; ở giữa Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4, thuận tiện cho cơ động, hoạt động cách mạng.
Sau thời gian chuẩn bị, 17 giờ ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt “đoàn thể” tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại địa điểm đã lựa chọn. Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng các loại, biên chế thành 3 tiểu đội. Đội trưởng là Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ), Chính trị viên Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch). Dự buổi lễ có đại diện Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu nhân dân 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành thắng lợi.
Tự hào miền đất khai sinh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Cao Bằng đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, khắc phục khó khăn, có đóng góp xứng đáng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các địa phương trong cả nước làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cao Bằng huy động một số lượng lớn nhân lực, vật phục vụ chiến trường. Nhiều người con của quê hương Cao Bằng có mặt ở nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, chiến đấu trên khắp các mặt trận, góp phần quan trọng làm nên những chiến công vang dội như: Chiến dịch Biên Giới 1950, cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương (ngày 21/7/1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đóng góp sức người, sức của chi viện chiến trường miền Nam. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... được phát động sâu rộng trong nhân dân. Hàng chục nghìn thanh niên đã lên đường cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, lực lượng vũ trang và nhân dân Cao Bằng hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và phối hợp chiến đấu với các địa phương, đơn vị bạn, buộc đối phương phải rút về nước, giữ vững biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên chặng đường dài phát triển, nhất là qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp cụ thể và quyết liệt một cách đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với với tình hình, đặc điểm đặc thù của địa phương. Đó là sự phát huy ý chí tự lực, tự cường, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Là một tỉnh miền núi có điểm xuất phát thấp, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vươn lên, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Kết quả quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng bình quân trên 8%/năm, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 10%/năm, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa. Các mục tiêu về giáo dục, y tế được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, lao động qua đào tạo đạt 50%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%, 100% dân cư thành thị được dùng nước sạch, trên 95% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh...
Với những kết quả đạt được, Cao Bằng đã và đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh, với nhiều dự án lớn được triển khai, sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội như Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); Công viên địa chất Non nước Cao Bằng… Nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược được thu hút, nhiều dự án phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế biên mậu được đầu tư và triển khai với hàng trăm dự án, tổng số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều thay mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tình hình chính trị luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.