Tự hào hướng về ngày chiến thắng

21 năm kiên cường chiến đấu vì mục tiêu 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do', quân và dân ta đã tiến lên giành toàn thắng ngày 30/4/1975, hoàn thành quyết tâm của Bộ Chính trị và di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh trên đường ra trận (Ảnh tư liệu).

Chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh trên đường ra trận (Ảnh tư liệu).

Những ngày qua, thông tin về các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) ở các tỉnh, thành phố trên cả nước ngày thêm đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phương châm "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” cùng khí thế "một ngày bằng hai mươi năm” của quân và dân ta được thể hiện qua các trận đánh của 3 chiến dịch lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Từ ngày 4/3 đến 3/4/1975 là Chiến dịch Tây Nguyên, từ 21/3 đến 29/3/1975 là Chiến dịch tấn công giải phóng Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26/4 đến 30/4/1975). Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng cũng lần lượt diễn ra theo bước chân thần tốc của quân giải phóng.

Từ Buôn Ma Thuột, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận… Và tới đây, vào sáng sớm ngày 30/4/2025, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu về chiến thắng, về hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập vào 11h30 ngày 30/4/1975. Bởi, đó minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng, khẳng định sức mạnh của quân và dân ta, là đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, khép lại bao khổ đau, mất mát của 30 năm chiến tranh. Cho dù hàng chục năm qua, các thế lực phản động luôn tìm mọi cách để phủ nhận thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa, thần thánh của dân tộc cũng như thành quả của công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, nhưng kết quả là Việt Nam đã vững vàng đi lên, ngày càng phát triển để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Hướng về miền Nam những ngày này còn là dịp để mỗi người dân tỉnh Yên Bái không khỏi bồi hồi xúc động, trân trọng ôn lại những ngày tháng cả dân tộc Việt Nam sục sôi "lên đường kháng Mỹ”. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Yên Bái nêu cao truyền thống yêu nước nồng nàn, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử. Chi viện cho tiền tuyến, hậu phương Yên Bái sôi nổi với các phong trào "Ba sẵn sàng”, "Ba đảm đang”, "Tay cày tay súng”, "Tay búa tay súng”; hay các phong trào: "Mỗi người làm việc bằng hai”, "Nghìn việc tốt”, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Tất cả diễn ra và lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh.

Chúng ta có quyền tự hào bởi nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đóng góp 289.000 tấn lương thực, 146.000 tấn thực phẩm, động viên, tiễn đưa 24.632 con em lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh vào các chiến trường: Long An, Thừa Thiên - Huế và miền Đông Nam bộ.

Năm 1968, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, không ngừng tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với 32.880 người; nâng cao chất lượng mọi mặt của lực lượng vũ trang địa phương.

Ở những địa bàn trọng điểm, cùng bộ đội chủ lực, các địa phương đã tổ chức 90 trận địa trực chiến do dân quân tự vệ đảm nhiệm. Chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, các lực lượng vũ trang đã tổ chức 336 đài quan sát báo động phòng không, hình thành cụm phòng không trọng điểm bảo vệ sân bay, thị xã Yên Bái và công trình thủy điện Thác Bà. Các tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh được tổ chức và huấn luyện ở hầu hết các xã, các cơ quan, công trường, xí nghiệp, hình thành lưới lửa phòng không, sẵn sàng tiêu diệt máy bay Mỹ.

Đồng thời tỉnh huy động gần 6 triệu ngày công, đào 1.386 hầm cất giấu máy móc, 445 km giao thông hào, 634.403 hầm tập thể, 727.056 hầm trú ẩn cá nhân và chi viện cho công trường thi công Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sân bay Yên Bái, đáp ứng kịp thời cho việc phòng tránh, sơ tán, bám trụ của nhân dân và lực lượng vũ trang, nhất là các vùng trọng điểm.

Cùng trong giai đoạn này, quân và dân Yên Bái đã anh dũng, kiên cường chiến đấu bắn rơi 115 máy bay Mỹ, phá hủy 724 quả bom nổ chậm, thu nhặt hàng chục vạn bom bi, di chuyển 4 vạn dân, dành 2 vạn héc-ta vùng hồ cho xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; di dời 450 hộ dân cho xây dựng Sân bay Yên Bái; phá hàng chục vụ gián điệp, tổ chức phản động...

Thống kê như vậy để thấy rằng, Yên Bái đã hướng đến cuộc chiến đấu dũng cảm, hy sinh bằng ý chí kiên cường, bất khuất của cả nước với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc. Vì miền Nam ruột thịt và sự nghiệp giải phóng dân tộc đã có 2.364 con em nhân dân tỉnh Yên Bái hy sinh tại các chiến trường, 1.717 thương binh để lại một phần xương máu cho đất nước nở hoa.

Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 2003, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", 16 tập thể được Nhà nước phong tặng, 1 cá nhân truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Tỉnh Yên Bái có 299 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Yên Bái ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Thi đấu bóng chuyền hơi ngành giáo dục và đào tạo).

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Yên Bái ngày càng được nâng cao. (Ảnh: Thi đấu bóng chuyền hơi ngành giáo dục và đào tạo).

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái giai đoạn 1930 - 1975 xuất bản năm 2007 nhận định: "Trong 21 năm ấy, Đảng bộ đã liên tục tổ chức và phát động được các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho cách mạng miền Nam… góp phần đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Yên Bái tự hào về Chiến thắng 30/4, tự hào về đóng góp của mình cho cuộc chiến tranh trường kỳ, thần thánh của dân tộc để thấy được niềm cổ vũ lớn lao, tạo nên sức mạnh mới, góp phần làm nên thành quả trong sự nghiệp xây dựng quê hương.

Không khí sôi động, khát vọng phát triển đang lan tỏa khắp tỉnh Yên Bái trong những ngày tháng Tư - một tháng Tư mang ý nghĩa và dấu ấn sâu sắc. Đó là lúc chúng ta tập trung cao độ cho mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8,2%; trong điều kiện thuận lợi phấn đấu đạt 10,5%. Cũng là lúc tỉnh khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Còn 12 ngày nữa là đến ngày diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là lúc để chúng ta ôn lại truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam, của quê hương Yên Bái. Và cũng thêm suy ngẫm về lời Tổng Bí thư Tô Lâm: "Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển…".

Quang Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/349009/tu-hao-huong-ve-ngay-chien-thang.aspx
Zalo