Từ giao dịch đến tiêu dùng, giải trí: Ngân hàng số đang tái định nghĩa trải nghiệm người dùng
Nhiều người dùng vẫn bất ngờ khi biết rằng, chỉ với một app ngân hàng trên điện thoại, họ có thể gọi taxi di chuyển, đặt vé xem phim giải trí hay mua sắm online mà không cần cài thêm nhiều ứng dụng riêng lẻ.
Ngân hàng – Từ nơi giữ tiền đến “siêu ứng dụng” tất cả trong một
Suốt nhiều thập kỷ qua, ngân hàng đã giữ vững vai trò chủ chốt trong việc kết nối dòng chảy tài chính. Những hoạt động như giao dịch tiền tệ, gửi tiết kiệm và cung cấp các dịch vụ tài chính truyền thống đã trở thành yếu tố cốt lõi của hệ thống ngân hàng.
Từ giữa những năm 2000, ngân hàng điện tử bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với những dịch vụ đầu tiên như Internet Banking, SMS Banking. Đến thập niên 2010, sự bùng nổ của smartphone đã tạo cú hích lớn, đưa Mobile Banking trở thành kênh giao dịch phổ biến và đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng sau này.
Tới nay, từ một công cụ tài chính đơn thuần, ngân hàng số ngày càng mở rộng vai trò thành một “siêu ứng dụng”, gói trọn mọi nhu cầu từ giao dịch – mua sắm tiêu dùng – di chuyển - giải trí của người dùng hiện đại.

VietinBank iPay Mobile tích hợp hàng loạt tiện ích số: VNPAY Taxi, VnShop, Đặt vé xem phim… trên ứng dụng.
Điển hình như những khách hàng của VietinBank iPay Mobile sẽ dễ nhận thấy sự thay đổi bất ngờ của app này khi tích hợp thêm hàng loạt tiện ích mới. Cụm tính năng di chuyển lưu trú có VNPAY Taxi, Đặt vé máy bay, Đặt vé tàu - xe, Đặt phòng khách sạn; cụm tính năng mua sắm thanh toán với VnShop, VNPAY-QR, hay như loạt tiện ích vui chơi - giải trí với Đặt vé xem phim, Đặt vé sự kiện thể thao âm nhạc...
Không chỉ riêng VietinBank, hiện hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam như Vietcombank, Agribank, BIDV, Eximbank, VietBank, VietABank… đang triển khai mở rộng hệ sinh thái số trên mobile banking với mong muốn mang tới trải nghiệm liền mạch, tiện lợi, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.
Theo thống kê từ VNPAY - đơn vị phát triển hệ sinh thái dịch vụ cho nhiều ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, lượng người dùng sử dụng các tiện ích số trên app ngân hàng như VNPAY Taxi, mua sắm VnShop, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, vé xem phim, vé tàu - xe... đã tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cho thấy rõ một xu hướng đang gia tăng mạnh mẽ, người dùng ngày càng có thói quen tận dụng app ngân hàng như một “trợ lý số” để phục vụ các nhu cầu thường nhật.
Lý do các ngân hàng tham gia cuộc đua trở thành siêu ứng dụng
Sự chuyển mình mạnh mẽ này không phải ngẫu nhiên, mà đến từ những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và hành trình số hóa của nền kinh tế. Trước đây, họ phải dùng nhiều app riêng lẻ để phục vụ cho nhu cầu khác nhau như tài chính, shopping, di chuyển hay giải trí. Tuy nhiên, giờ đây họ muốn tất cả những dịch vụ này được tích hợp trong một nền tảng duy nhất, mang lại sự tiện lợi tối đa.
Phỏng vấn nhanh một nhân viên văn phòng về thói quen sử dụng smartphone hàng ngày, anh Duy Anh (28 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Điện thoại của tôi lúc nào cũng kín đặc ứng dụng — ngân hàng, đặt xe, đặt vé xem phim, mua sắm online, mỗi cái lại dùng app riêng. Đôi khi mở điện thoại ra cũng thấy rối mắt, mất thời gian. Nếu có một ứng dụng ‘đa nhiệm’ có thể gom tất cả tiện ích hàng ngày vào một chỗ, chắc chắn tôi sẽ xóa bớt app để nhẹ máy và dễ dùng hơn.”

Trải nghiệm liền mạch, nhanh chóng, tiện lợi sẽ giữ chân người dùng.
Theo nhận định từ một chuyên gia tài chính, trong kỷ nguyên số, tiêu chuẩn cạnh tranh của ngành ngân hàng đã thay đổi rõ rệt. Một hệ sinh thái số đủ lớn, đáp ứng đa dạng nhu cầu từ giao dịch, thanh toán, tiêu dùng đến giải trí đang dần trở thành “tiêu chuẩn mới” trên thị trường.
Đây không còn là chiến lược để tạo khác biệt, mà là điều kiện cần để ngân hàng tồn tại và phát triển bền vững. Ngân hàng nào xây dựng được hệ sinh thái số đa tiện ích, gắn liền với nhu cầu sống hàng ngày, ngân hàng đó sẽ nắm lợi thế bền vững nhất.
Thực tế, nếu chỉ dừng ở dịch vụ tài chính thuần túy, tần suất khách hàng mở app ngân hàng thường rất thấp. Nhưng khi tích hợp thêm loạt tiện ích như gọi xe (VNPAY Taxi), mua sắm online (VnShop), đặt vé xem phim, vé máy bay…, ứng dụng ngân hàng sẽ thật sự bước vào đời sống hàng ngày của khách hàng.
Từ đây, không chỉ gia tăng tần suất tương tác và mức độ gắn kết khách hàng, chiến lược này còn mở ra dư địa tăng trưởng mới. Lợi thế cạnh tranh của ngân hàng không còn nằm ở số lượng chi nhánh, mà ở khả năng thấu hiểu và hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dùng qua hệ sinh thái số — một bước tái định vị quan trọng trong kỷ nguyên số.