Tư duy kiến tạo sẽ thúc đẩy kinh tế nền tảng phát triển

Với những kết quả đã đạt được cùng ưu thế về công nghệ, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng, sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và hai con số ở những năm tiếp theo. Điều quan trọng là cần xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo tư duy kiến tạo, tránh tư duy quản lý cốt để không sai sót.

Kinh tế nền tảng đóng góp khoảng 10% GDP

Với dân số hơn 100 triệu người, tỷ lệ sử dụng internet cao và tăng nhanh cùng tỷ trọng lớn của nhóm dân số ưa chuộng sử dụng các dịch vụ nền tảng, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số nói chung, kinh tế nền tảng nói riêng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Tại Hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Minh Tuấn cho biết, tính đến tháng 6.2024, có khoảng 9.300 ứng dụng đang sử dụng tại nước ta, với tổng số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng trên tất cả các nền tảng là 2,3 tỷ người dùng, tổng thời lượng sử dụng 6,5 tỷ giờ. Với kết quả này, dù là nước có dân số xếp thứ 15 thế giới, song khả năng sử dụng các nền tảng và dữ liệu chúng ta sử dụng đứng trong top 10 thế giới, chứng tỏ người dân rất quen thuộc sử dụng các nền tảng số hàng ngày.

Riêng các nền tảng số do Việt Nam phát triển, tính đến tháng 6.2024 là 461 nền tảng, tăng 8,5% so cùng kỳ 2023, với số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng trên tất cả các nền tảng là gần 500 triệu người dùng, tăng 28% và tổng thời lượng sử dụng là 0,78 tỷ giờ, tăng gần 80%. Có khoảng 60 nền tảng số có trên 1 triệu người sử dụng, chiếm khoảng 25% nền tảng số ở Việt Nam, trong đó nền tảng số lớn nhất đạt tới 75 triệu người sử dụng. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước mà nền tảng số trong nước phát triển. Kết quả này góp phần đưa thị trường thương mại điện tử của nước ta tăng trưởng 20 - 25%, là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh của thế giới trong thời gian qua.

Hiện, ngành kinh tế nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP, theo CIEM. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế (năm 2022). Với 1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ tác động tới nền kinh tế theo cấp số nhân. Cụ thể là làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên 2,754 tỷ USD; kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế là 1,1918 tỷ USD; tạo ra 93.734 cơ hội việc làm và tăng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thêm 0,7326 tỷ USD.

Nên giao Bộ Tư pháp xây dựng khung pháp lý tổng quát

Theo các chuyên gia, quản lý và phát triển kinh tế nền tảng không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của kinh tế số Việt Nam. Nhà nước cũng đã quan tâm đến phát triển ngành này, thông qua việc ban hành một loạt chính sách có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Viễn thông… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Tuy vậy, hiện chưa có khái niệm pháp lý thống nhất về kinh tế nền tảng. “Việc chưa thống nhất về mặt khái niệm sẽ rất khó xây dựng khung khổ pháp lý để kiến tạo, quản lý và phát triển kinh tế nền tảng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM bổ sung, dù có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế nền tảng, song cũng còn nhiều thách thức. Đó là tư duy, nhận thức trong quản lý nhà nước về những vấn đề mới còn chưa cởi mở; sự phát triển nhanh của các mô hình kinh doanh nền tảng, kinh tế số khiến các quy định pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số chưa theo kịp; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số vẫn còn hạn chế, nhất là hạ tầng dữ liệu.

Bên cạnh đó là thách thức về quản trị rủi ro đối với hoạt động kinh doanh nền tảng; khó khăn, thách thức trong việc đề xuất và xây dựng sandbox. Sandbox thường được ban hành dưới dạng nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng, trong khi nhiều nội dung liên quan vướng mắc trong luật bởi văn bản luật chưa cho phép. Vì thế, việc ban hành các sandbox rất chậm hoặc hạn chế.

Từ thực tế hiện nay, TS. Nguyễn Minh Thảo đề xuất, để thúc đẩy kinh tế nền tảng phát triển, Chính phủ cần có quan điểm nhất quán và rõ ràng về phát triển mô hình kinh tế nền tảng; cần có tầm nhìn bao quát, toàn diện cũng như thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành thực chất hơn, hiệu quả hơn trong quá trình soạn thảo chính sách liên quan. Tư duy quản lý cần thay đổi, cơ quan soạn thảo chính sách cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng để có tư duy mới trong quản lý, tránh khiên cưỡng áp quy định cũ, cách thức quản lý cũ đối với các mô hình mới. Cùng với đó, cần dự liệu những tác động không mong muốn, những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế nền tảng để dự phòng các phương án quản lý; sớm nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp công nghệ số với nguồn vốn huy động từ xã hội.

Cũng theo bà Thảo, việc thiết lập sandbox cần thoát ra khỏi tư duy quản lý cũ, và cần được ban hành kịp thời để tận dụng các cơ hội về công nghệ. Do đó, soạn thảo và phê duyệt sandbox nên được áp dụng theo quy trình đơn giản hóa thay vì thực hiện theo quy trình phức tạp và tốn thời gian như hiện nay. Khung thể chế thử nghiệm cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới...

Về phía doanh nghiệp kinh doanh nền tảng, cần liên tục nâng cấp, phát triển công nghệ để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho khách hàng; đặc biệt chú trọng đến các giải pháp bảo đảm sự an toàn của khách hàng, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, nhất là đối với an toàn thông tin, dữ liệu của khách hàng; thiết lập cơ chế tương tác, giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có).

Chia sẻ với các đề xuất trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề xuất, việc đầu tiên là cần phải có khái niệm thống nhất, rõ ràng và đầy đủ về kinh tế nền tảng; xây dựng khung pháp lý tổng quát các vấn đề lớn. “Việc xác định các nguyên tắc lớn, nguyên tắc tổng quát nên để bộ trung gian làm, tốt nhất là để Bộ Tư pháp chủ trì, trên cơ sở đó các ngành đưa ra quy định cụ thể”, ông Khánh đề nghị.

Nhấn mạnh vai trò của sandbox, ông Khánh cho rằng, nên bắt đầu thí điểm sandbox với tư duy kiến tạo, bởi “nếu cứ giữ tư duy là quản lý làm sao cho không sai sót thì sẽ không thể phát triển kinh tế nền tảng”; đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực này.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tu-duy-kien-tao-se-thuc-day-kinh-te-nen-tang-phat-trien-post405375.html
Zalo