Tư duy hệ thống trong đánh giá năng lực

Xu hướng thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển sinh đại học (ĐH) những năm gần dây đã khiến nhu cầu ôn luyện thi của người học gia tăng. Thời điểm này, nhiều học sinh lớp 12 đang ráo riết tìm 'lò' luyện thi ĐGNL, để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại Đại học quốc gia Hà Nội 2024. Ảnh: NTCC.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại Đại học quốc gia Hà Nội 2024. Ảnh: NTCC.

Thông tin từ các cơ sở tổ chức thi ĐGNL để tuyển sinh cho thấy, mùa tuyển sinh 2025 kỳ thi ĐGNL sẽ thay đổi cấu trúc, dạng câu hỏi so với trước, nhằm phù hợp với lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới).

Bài thi ĐGNL (HSA) năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội được điều chỉnh chủ yếu ở phần khoa học và cách đặt câu hỏi. Cụ thể, bài thi gồm 3 phần, trong đó hai phần bắt buộc là Toán học và Xử lý số liệu, Văn học - Ngôn ngữ, tương tự hiện tại.

Ở những năm trước phần Khoa học với 50 câu. Từ năm 2025, thí sinh có thể chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh. Với phần Khoa học, thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý, mỗi chủ đề có 17 câu. Phần lựa chọn Tiếng Anh gồm 50 câu trắc nghiệm, dùng để tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Cùng đó, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết từ năm 2025, cấu trúc bài thi ĐGNL được điều chỉnh phù hợp với chương trình mới. Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của 2 phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm ĐGNL của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội. Như vậy, cấu trúc đề thi ĐGNL từ năm 2025 chỉ có 3 phần: sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), toán học; tư duy khoa học (logic, phân tích số liệu; suy luận khoa học).

Các kỳ thi ĐGNL của ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM cũng có thay đổi. Đơn cử, kỳ thi ĐGNL của ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Thí sinh đăng ký số môn thi theo nhu cầu xét tuyển ĐH. Đề kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm tùy theo cấu trúc từng bài; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Từ năm 2026, dự kiến kỳ thi sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của trường ĐH Sư phạm TPHCM gồm 6 bài thi độc lập: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh. Đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành ba phần, thay vì 50 câu với hai phần như trước đây.

Kỳ thi ĐGNL của Bộ Công an năm 2025 sẽ gồm ba phần: tự luận bắt buộc, trắc nghiệm bắt buộc và trắc nghiệm tự chọn. Thí sinh làm bài trong 180 phút, tổng điểm 100. Thượng tá Tạ Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý nội dung và Phương pháp đào tạo, Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, cấu trúc bài thi năm 2025 khác các năm trước. Điều chỉnh này nhằm phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khoảng 70% kiến thức bài thi sẽ nằm ở lớp 12, phần còn lại thuộc chương trình lớp 10, 11.

Trước nhu cầu ôn luyện thi ĐGNL của nhiều thí sinh, TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng, việc tham gia luyện thi một phần giúp thí sinh tự tin hơn, có kỹ năng làm bài tốt hơn. Tuy nhiên đối với luyện thi ĐGNL cần cẩn trọng. Hiện có nhiều cá nhân, tổ chức luyện thi ĐGNL dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các ĐH công bố để xây dựng các đề cho thí sinh giải. Những bài thi này chưa được kiểm chứng, do đó có khả năng sai. Theo đó, để đạt điểm thi cao trong kỳ thi ĐGNL thì bản thân thí sinh phải có năng lực tốt, đây là kết quả của quá trình dài, cách học trong khoảng thời gian dài chứ không phải trong một thời gian ngắn.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, bài thi ĐGNL không đơn giản là kiến thức một lĩnh vực hay một dạng nào đó, mà đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng phân tích tổng hợp, tư duy hệ thống, hiểu bản chất sự việc. Những thứ đó không trung tâm nào có thể cung cấp cho thí sinh trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi quá trình tích lũy từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, thí sinh cần học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi ĐGNL. Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là các trường THPT. Nếu các em học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-duy-he-thong-trong-danh-gia-nang-luc-10296588.html
Zalo