Tư duy đột phá, quyết tâm hành động

Yên Bái còn nhiều khó khăn, song nói như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn, nếu cứ mang 'cái nghèo' ra để 'kêu khó, than khổ' thì không bao giờ bứt phá vươn lên được. Trên cơ sở đã định vị được con đường và mục tiêu phát triển, với ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Yên Bái đã sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển.

Triếtlý phát triển “giàu thêm” qua mỗi nhiệm kỳ

Trong ký ức của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái vẫn khắc sâu tâm thế những năm đầu tiên bước vào thế kỷ XXI. Nhiệm kỳ 2000 - 2005, lần đầu tiên, trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, cụm từ “đột phá” được nhắc đến một cách rõ nét: “huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư vào khâu then chốt tạo đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Tiếp nối và kế thừa tư duy đó, Yên Bái đã xác định 3 đột phá chiến lược là: Phát triển công nghiệp; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn: “Việc xác định “đúng” và “trúng” các khâu đột phá có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển trong từng giai đoạn. Nhiều nhiệm kỳ nối tiếp nhau, Yên Bái đã lựa chọn những khâu đột phá chiến lược phù hợp để tập trung nguồn lực thực hiện; đồng thời có sự kế thừa, bổ sung quan điểm, thậm chí “định vị lại” các đột phá chiến lược để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, với tình hình thực tiễn và dự báo tương lai phát triển trong những năm tiếp theo”.

Giai đoạn 2020 - 2025 là nhiệm kỳ đặc biệt, với dấu ấn về một triết lý phát triển ra đời từ thực tiễn địa phương; từ những trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, của tập thể lãnh đạo tỉnh đương nhiệm; và từ khát khao, nhu cầu, nguyện vọng của mỗi người dân Yên Bái. Yên Bái trở thành tỉnh đầu tiên và duy nhất đưa chỉ số Hạnh phúc vào nghị quyết, cụ thể hóa một điểm mới và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, nay là Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC15)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, nay là Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC15)

Con đường phát triển của Yên Bái nhiệm kỳ này đã được xác định rõ, đó là một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Xanh màu xanh của rừng; hài hòa giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn, giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; không tăng trưởng GDP bằng mọi giá, không tăng trưởng bằng cách đánh đổi; gìn giữ bản sắc văn hóa; không khoác lên mình chiếc áo phải thu ngân sách bao nhiêu mà phải lấy mục tiêu nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân là giá trị cốt lõi.

Có thể nói, Yên Bái đã vẽ nên một bức tranh phát triển đầy cảm hứng, nơi những giá trị bền vững, hài hòa và hạnh phúc của con người được đặt lên hàng đầu. Từ những năm tháng đầu thế kỷ XXI, khi tư duy “đột phá” lần đầu xuất hiện trong hành trình phát triển, đến hôm nay, triết lý phát triển của tỉnh đã không ngừng được bổ sung, định hình và làm giàu thêm qua mỗi nhiệm kỳ.

Giữa muôn vàn thách thức, Yên Bái đã chọn cách đi riêng, không chỉ hướng đến tăng trưởng kinh tế mà còn chăm lo cho những khát vọng sâu thẳm của con người - khát vọng được sống trong môi trường xanh, hài hòa và giữ vẹn nguyên bản sắc văn hóa. Chỉ số hạnh phúc - một thước đo tưởng như xa lạ trong quản trị địa phương - nay đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới đầy nhân văn và quyết tâm tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân.

Quyết tâm đột phá mạnh mẽ và đổi mới, sáng tạo

Một năm nữa nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới kết thúc, song giờ đã có thể nhìn lại những thành quả Yên Bái đã đạt được nhờ định hướng đúng đắn và khát vọng vươn lên, hành động quyết liệt, tư duy đột phá mạnh mẽ và đổi mới, sáng tạo.

Trước hết phải kể tới đột phá về tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách.Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành gần 300 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án bao trùm tất cả các lĩnh vực. Việc ban hành, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách gắn với cải cách hành chính đã tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho phát triển. Năm 2023, Yên Bái là tỉnh thứ 12/63 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp đến là đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.Cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Yên Bái đặc biệt quan tâm phát triển nhân lực là lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 67,7% (đứng thứ 5/14 tỉnh trong Vùng). Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho gần 20.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp gần 8.000 lao động. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính, sự nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 76,46%, trong đó trình độ sau đại học chiếm 6,91%; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng là 92,89%.

Đặc biệt, Yên Bái đã ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án 11-ĐA/TU ngày 8.8.2018 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Qua 2 lần thi tuyển (năm 2018 và năm 2022) đã lựa chọn được 210 cán bộ nổi trội, xóa bỏ quan niệm “con ông cháu cha” khi nói về công tác cán bộ lâu nay.

Và không thể không nhắc tới đột phá về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.Yên Bái đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực mới cho phát triển. Nhiều công trình trọng điểm được khởi công, khánh thành; nhiều tuyến giao thông trọng điểm, tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn bản được đầu tư, mở rộng. Được Chính phủ đánh giá trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước và được Trung ương giao thêm vốn. Riêng với các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Yên Bái luôn ở trong nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân tốt.

Những bước chuyển mình mạnh mẽ mà Yên Bái đạt được đã vẽ nên một bức tranh đầy sức sống về sự phát triển toàn diện và bền vững. Từ tư duy đột phá, chính sách sáng tạo đến những thành quả cụ thể về hạ tầng, nhân lực và quản trị, tất cả đều phản ánh khát vọng mãnh liệt của một vùng đất không ngừng vươn lên.

Khát vọng vươn lên

Và bây giờ, một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc đã mở ra với những cơ hội, thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức.

“Yên Bái còn nhiều khó khăn song nếu cứ mang “cái nghèo” ra để “kêu khó, than khổ” thì không khác gì tự nhấn chìm chính mình, sẽ không bao giờ bứt phá vươn lên được. Trên cơ sở đã định vị được con đường và mục tiêu phát triển của địa phương, chúng tôi tin tưởng Yên Bái hoàn toàn có thể tạo ra những cơ hội mới. Bởi, nhân tố quyết định thành công chính là ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Yên Bái đã sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển”.

Trải lòng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cũng chính là khát vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước với bộn bề khó khăn, Yên Bái đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 7,24%/năm, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 5,53%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong Vùng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,99%. Đến nay, toàn tỉnh có 110/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 73,3% tổng số xã toàn tỉnh; có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Trở lại triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Ở Yên Bái hôm nay, khái niệm về hạnh phúc đã được định hình rõ nét trong các phong trào thi đua yêu nước của mỗi ngành, địa phương, đó là: “Gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư hạnh phúc”, “Thôn bản, tổ dân phố hạnh phúc”, “Làng hạnh phúc”, “Xã, phường, thị trấn hạnh phúc”; là “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc”; là “Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”. Tỷ lệ người dân hài lòng về cuộc sống, về môi trường sống, về tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe tăng cao, để trong tương lai không xa, Yên Bái tự tin xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.

Sự tự tin “Yên Bái đã sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển” của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, Yên Bái có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển riêng có khi nằm ở trung tâm khu vực trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ vào vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy của tỉnh ngày càng hoàn thiện.

Cùng với đó là “thiên đường du lịch” ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ; hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia đến năm 2040 với mục tiêu trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Đặc biệt, Nhân dân các dân tộc Yên Bái có truyền thống cách mạng, thân thiện, hiền hòa, cần cù, yêu lao động, khát khao vươn lên... là những yếu tố quan trọng để Yên Bái tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển cùng đất nước.

Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố, Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 39/63 tỉnh, thành.

Chỉ số chuyển đổi số DTI của tỉnh Yên Bái từ vị trí thứ 40 năm 2020 vươn lên vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố vào năm 2022, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện Chỉ số DTI. Yên Bái là 1 trong 9 địa phương đứng đầu về nhận thức số, 1 trong 10 địa phương đứng đầu về nhân lực số; xếp thứ 9 trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; đứng thứ 15 trong xếp hạng thể chế số và xếp thứ 11 trong hoạt động kinh tế số.

HỒNG THANH TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tu-duy-dot-pha-quyet-tam-hanh-dong-post398097.html
Zalo