Từ đường dây nóng, động vật hoang dã được giải cứu kịp thời
Từ tính cấp thiết trong bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, vừa qua, ngành kiểm lâm tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, cứu hộ cứu nạn các loài động vật rừng.
Vào đầu tháng 12 này, nhận được tin báo qua đường dây nóng, Hạt Kiểm lâm TP. Huế và Phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với lực lượng công an kiểm tra tại nhà hàng B.X. thuộc phường Vỹ Dạ (TP. Huế). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện hai cá thể chồn bạc má nam (Melogale personata) đã chết, đông đá với trọng lượng 2,3 kg, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đoàn đã tiến hành lập các hồ sơ vi phạm hành chính đối với chủ nhà hàng.
Trước đó, qua đường dây nóng, lực lượng kiểm lâm cũng đã kịp thời tiếp cận hiện trường, giải cứu, tiếp nhận nhiều ĐVHD do người dân tự nguyện giao nộp; tháo gỡ bẫy, cò giả, lưới… và cứu hộ cứu nạn nhiều cá thể chim trời.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn đánh giá, các biện pháp bảo vệ, bảo tồn ĐVHD trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân ngày càng cao trong bảo vệ các loài động vật rừng. Số vụ vi phạm săn bắt, giết mổ và tiêu thụ ĐVHD giảm dần qua các năm. Nhiều tụ điểm buôn bán ĐVHD đã xóa bỏ. Một thời rượu ngâm rắn, chân sơn dương, chim bìm bịp… khá phổ biến, nay hầu như đã không còn nữa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, nuôi nhốt ĐVHD vẫn còn tái diễn ở nhiều nơi. Một số nhà hàng, quán ăn vẫn lén lút chế biến các món ăn từ thịt rừng, ĐVHD. Từ đó, ngành kiểm lâm đã thiết lập đường dây nóng (08.44.77.30.30) và đã có sự lan tỏa tích cực đến nhiều người dân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Thông qua đường dây nóng, lực lượng kiểm lâm đã tiếp nhận thông tin, tiếp cận hiện trường và giải cứu, tiếp nhận hàng trăm cá thể động vật rừng, ĐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, các cuộc gọi qua đường dây nóng đa phần thông báo về việc tự nguyện giao nộp ĐVHD và phản ánh tình hình vi phạm pháp luật lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước. Các cuộc gọi này đều được nhân viên đường dây nóng hướng dẫn người dân phản ánh về đơn vị kiểm lâm sở tại để được giải quyết.
Thuận lợi lớn hiện nay là được sự quan tâm của các cấp, ban ngành liên quan, các dự án hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thực thi pháp luật trong bảo tồn, bảo vệ ĐVHD. Nhà nước hỗ trợ xây dựng các trung tâm cứu hộ động vật, điển hình là xúc tiến xây dựng trung tâm cứu hộ động vật tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đóng tại Phong Điền.
Đường dây nóng về bảo vệ ĐVHD sau khi đưa vào hoạt động không chỉ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, mà cả nhiều tỉnh trong cả nước. Điều này được thể hiện qua việc có đến hàng trăm cá thể ĐVHD được người dân tự nguyện giao nộp cho lực lượng kiểm lâm. Đến nay, có rất nhiều số điện thoại từ người dân nhiều tỉnh gọi đến đường dây nóng phản ánh tình hình vi phạm lâm luật, xâm hại ĐVHD.
Dù vậy, lực lượng kiểm lâm cũng đối diện với một số khó khăn khi trực đường dây nóng, như nhiều trường hợp gọi đến đường dây nóng vào đêm khuya, ngày nghỉ nên không có đủ lực lượng để xử lý kịp thời. Có thông tin người dân báo đến đường dây nóng tự nguyện giao nộp ĐVHD, nhưng khi lực lượng đến thì được báo động vật đã bị sổng. Một số trường hợp như rắn bò vào nhà, động vật xuất hiện ven rừng… nhưng khi lực lượng kiểm lâm có mặt hiện trường thì động vật đã bỏ chạy nên không xử lý được.
Bên cạnh đó, hiểu biết và nhận thức của một bộ phận người dân về tác dụng của các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD còn sai lệch. Nhiều người cho rằng các sản phẩm này có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe nên đã gián tiếp tạo cơ hội cho các đối tượng săn bắt, mua bán, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật. Hoạt động săn bắt ĐVHD ngày càng “thương mại hóa” với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin liên lạc, các trang mạng xã hội khiến hoạt động bảo tồn, bảo vệ ĐVHD gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để hoạt động bảo vệ, bảo tồn ĐVHD hiệu quả hơn, mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh để xử lý thông tin, tiếp nhận ĐVHD qua đường dây nóng. Từ thông tin này, ngành kiểm lâm kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, xây dựng lòng tin của người dân đối với lực lượng kiểm lâm. Từ đó, người dân hợp tác tốt hơn nữa trong việc tin báo các vụ việc vi phạm, tự nguyện giao nộp ĐVHD qua đường dây nóng.