Từ đồ 'cũ' đến xu hướng 'mới': Sự tái sinh trong thời trang của giới trẻ

Xu hướng thời trang secondhand gần đây đang trở nên hấp dẫn với giới trẻ, không chỉ bởi giá cả phải chăng, phong cách độc đáo, mà còn vì tính bền vững, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Bạn trẻ mê mẩn hàng "thùng"

Secondhand, hay còn gọi là "hàng qua tay", thực chất là những sản phẩm đã qua sử dụng và được bán lại cho người tiêu dùng mới. Các mặt hàng secondhand thường có giá rẻ, nguồn gốc đa dạng từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp... Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng đồ secondhand chỉ là những món hàng cũ, ít giá trị và thường được bán với mức giá "siêu rẻ" ở các khu chợ bình dân, nơi chúng được gọi bằng những cái tên như hàng thùng hay đồ sida.

Nhiều bạn trẻ hiện nay là "tín đồ" của hàng secondhand.

Nhiều bạn trẻ hiện nay là "tín đồ" của hàng secondhand.

Trong những năm gần đây, quan niệm về đồ secondhand đã có sự thay đổi rõ rệt. Xu hướng sử dụng đồ cũ ngày càng được nhiều người đón nhận, đặc biệt là giới trẻ. Họ không chỉ mua lại mà còn sáng tạo, biến tấu những trang phục cũ thành các bộ đồ độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Theo Reuters, do những người mua sắm đang ngày càng trẻ, có ý thức về môi trường và tìm kiếm những mặt hàng cao cấp với giá cả phải chăng nên thị trường túi xách và quần áo đã qua sử dụng tăng mạnh trong 3 năm qua.

Vũ Phương Anh (24 tuổi) là một tín đồ của hàng secondhand, chia sẻ rằng mình đã bắt đầu theo đuổi phong cách vintage từ khi còn học cấp ba. Khi ấy, nguồn cung cấp quần áo cho phong cách này ở Việt Nam còn hạn chế, nên cô nàng thường xuyên mua sắm trực tuyến từ các shop ở Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Hiện nay, với sự phát triển của thị trường đồ secondhand chất lượng tại Việt Nam, Ngọc Anh thường xuyên ghé các cửa hàng "hàng thùng xịn" trong nước để tìm kiếm những món đồ ưng ý.

Các bạn trẻ ngày càng chuộng những món đồ đã qua tay (Ảnh: Nguyễn Nhài).

Các bạn trẻ ngày càng chuộng những món đồ đã qua tay (Ảnh: Nguyễn Nhài).

Phạm Minh Tâm, 22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cho biết cô nàng thường chọn mua đồ secondhand vì giá trị kinh tế và tính độc bản của các món đồ: "Với số tiền ít hơn, mình có thể sở hữu những món đồ thương hiệu, chất lượng tốt mà nếu mua mới thì rất đắt. Hơn nữa, nhiều món secondhand là hàng limited (giới hạn), không còn sản xuất, nên mỗi lần săn được một món đồ ưng ý, mình cảm thấy như đã tìm thấy kho báu vậy," Minh Tâm hào hứng chia sẻ.

Đối với Minh Tâm, việc tìm kiếm những món đồ hiếm còn là niềm vui đặc biệt trong quá trình mua sắm. Nữ sinh cho rằng việc sử dụng đồ secondhand giúp mình không chỉ tiết kiệm mà còn có phong cách thời trang riêng biệt, không "đụng hàng".

Chia sẻ về xu hướng chuộng đồ cũ của Gen Z hiện nay, bạn trẻ Trần Minh Đức (24 tuổi) nhận định: "Đối với mình, thời trang không nhất thiết phải là hàng hiệu mới toanh. Mình thích kết hợp những món đồ secondhand với quần áo hiện đại để tạo ra phong cách riêng," Đức chia sẻ. Việc kết hợp những món đồ secondhand giúp anh chàng có nhiều sự sáng tạo trong phong cách ăn mặc, thể hiện cá tính riêng. Ngoài ra, Đức còn nhấn mạnh yếu tố bền vững: "Mua đồ secondhand còn giúp giảm thiểu rác thải thời trang, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường." Đối với nhiều bạn trẻ như Đức, việc chọn mua đồ đã qua sử dụng không chỉ là vì sở thích cá nhân mà còn là cách để sống xanh hơn, có trách nhiệm hơn với môi trường.

Sự đông đúc của một cửa hàng chuyên bán đồ secondhand trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sự đông đúc của một cửa hàng chuyên bán đồ secondhand trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nguyễn Mai Lan, sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa "tậu" cho mình một chiếc váy được mua tại cửa hàng secondhand. Cô nàng cho biết điều bản thân thích nhất ở đồ secondhand là cảm giác săn tìm những món đồ có một không hai: "Có lần mình mua được một chiếc váy từ thập niên 90 mà bây giờ không thể tìm thấy ở các cửa hàng hiện đại". Với cô nàng, mỗi món đồ secondhand mang một câu chuyện riêng, giúp nữ sinh cảm nhận được cái hồn của quá khứ qua từng chiếc váy, đôi giày hay chiếc túi. Ngoài việc đam mê thời trang hoài cổ, Lan cũng chọn đồ secondhand vì giá cả phù hợp với ngân sách của sinh viên. "Mua đồ secondhand giúp mình tiết kiệm mà vẫn có thể theo đuổi phong cách thời trang độc đáo," Lan chia sẻ.

Lý giải về sức hút của đồ secondhand, Nguyễn Thu Trang (23 tuổi) nhận định, đồ secondhand thường tạo nên một "tính chất xoay vòng", giúp người mặc tìm kiếm những món đồ độc đáo, khác biệt mà khó có thể thấy trong các cửa hàng thời trang thông thường. Không chỉ dừng lại ở việc bày bán trên vỉa hè như trước, các cửa hàng secondhand giờ đây còn đầu tư không gian mua sắm thoải mái, đa dạng sản phẩm và trang trí thẩm mỹ, góp phần nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Xu hướng kinh doanh mới

Những năm gần đây, thị trường đồ secondhand tại Việt Nam ngày càng trở nên nhộn nhịp, trở thành xu hướng kinh doanh mới. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ tiệm quần áo secondhand tại chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: "Trước kia, mọi người chỉ nghĩ đồ secondhand là hàng cũ, không còn giá trị sử dụng, nhưng giờ đây chúng được ưa chuộng hơn nhiều. Vài năm trước, khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 40 - 50, nhưng hiện tại đa dạng hơn, đặc biệt là các bạn sinh viên chiếm phần lớn."

"So với hàng Quảng Châu, hàng Nhật, Mỹ và Hàn vẫn được đánh giá cao nhất về chất lượng. Ưu điểm của việc kinh doanh mặt hàng này là vốn đầu tư thấp, sản phẩm phong phú, giá rẻ mà chất lượng. Tuy nhiên, nhược điểm là đồ đã qua sử dụng, thường nhăn nhúm, bụi bặm, khó cạnh tranh với hàng mới, và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe", chị cho biết thêm.

Chị Hà chia sẻ rằng cửa hàng của chị có ý định xây dựng kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại, chị đang tập trung cung cấp sỉ và lẻ cho các đầu mối cũng như những bạn trẻ livestream trên mạng xã hội. Chị cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu vừa phải bán sỉ, bán lẻ, lại phải quản lý cả kênh online thì sẽ khó chăm chút kỹ lưỡng do không có đủ thời gian.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-do-cu-den-xu-huong-moi-su-tai-sinh-trong-thoi-trang-cua-gioi-tre-post1673533.tpo
Zalo