Từ 'diệt giặc đói' đến những thành quả trong công tác giảm nghèo

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền non trẻ vừa ra đời đã đương đầu với những khó khăn chồng chất do thù trong, giặc ngoài cộng với những khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa do chế độ cũ để lại. Ngày 3/9/1945, Chính phủ họp phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trong đó có nhiệm vụ giải quyết nạn đói.

Một góc khu dân cư ở phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào)

Một góc khu dân cư ở phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào)

Tại Hưng Yên, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân trong tỉnh lúc này cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nạn đói và lụt diễn ra khủng khiếp; nông thôn, nông nghiệp tiêu điều; công nghiệp, tiểu công nghiệp và thương nghiệp bị đình đốn; tài chính trống rỗng… Trước tình hình đó, Ðảng bộ tỉnh đã mở cuộc vận động tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Không để một tấc đất bỏ hoang”, “tấc đất tấc vàng”, vận động Nhân dân cấy tái giá, trồng rau ngắn ngày để giải quyết chống đói; đồng thời huy động hàng vạn dân đi đắp đê phòng lụt. Cuộc vận động tăng gia sản xuất trở thành phong trào rộng rãi, lôi cuốn nhiều tầng lớp tham gia. Mọi người đều hào hứng tham gia các phong trào thi đua “người người tăng gia, nhà nhà tăng gia”, tích cực khai phá đất hoang, biến những cánh đồng ngập úng thành ruộng cấy… Từ đó, diện tích và sản lượng lương thực tăng khá nhanh. Cùng với đó, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể Cứu quốc đã phối hợp tổ chức “lạc quyên”, “ngày đồng tâm”, lập “hũ gạo cứu đói” nên nạn đói dần được ngăn chặn, sản xuất được phục hồi, đời sống Nhân dân bước đầu được ổn định.

Nhớ lại một thời đã xa, cụ Ðỗ Thị Pháo ở xã Ðình Dù (Văn Lâm) năm nay đã gần trăm tuổi, dù tai không còn thính, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng ký ức về nỗi thống khổ của Nhân dân ta khi chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, về nạn đói khủng khiếp năm 1945 vẫn được cụ kể vanh vách. Cụ Pháo hồi tưởng: Ngày đó, đói khổ lắm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Cuộc sống lầm than. Thế rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó, Ðảng, chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp chăm lo đời sống của Nhân dân. Nạn đói được đẩy lùi. Ngày nay, từ nông thôn đến thành thị ngày càng sầm uất, hiện đại. Ðường làng, ngõ xóm được bê tông hóa rộng thênh thang, nhà cao tầng khang trang… Cuộc sống của người dân ngày càng đủ đầy, ấm no.

Từ những kết quả “diệt giặc đói” của đất nước nói chung, quê hương Hưng Yên nói riêng gần 80 năm về trước, trên mỗi chặng đường phát triển, tỉnh Hưng Yên luôn xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng, tập trung nguồn lực thực hiện để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ việc xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt nhằm bảo đảm an sinh xã hội, sự phát triển toàn diện của địa phương, tỉnh linh hoạt, sáng tạo ban hành các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đặc thù của tỉnh hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế, tạo điều kiện cho người nghèo thoát nghèo.

Với mong muốn giúp người nghèo “an cư” để có điều kiện “lạc nghiệp”, những năm qua, tỉnh quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Sống trong ngôi nhà “Ðại đoàn kết” được hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo, anh Nguyễn Văn Thi, hộ nghèo ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) phấn khởi: Khi “an cư”, gia đình sẽ tập trung lao động, để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

diện mạo xã Đình Dù (văn Lâm) hôm nay

diện mạo xã Đình Dù (văn Lâm) hôm nay

Tiếp nối thành công của Chương trình “Chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hưng Yên” năm 2023, năm nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xây dựng và sửa chữa nhà. Trong đợt 1 có 159 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở và 81 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà ở.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng. Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh luôn ở mức cao hơn quy định chung của cả nước như: Chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; chính sách nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo… đã kịp thời động viên, khích lệ, sẻ chia khó khăn, tạo điều kiện cho người dân vươn lên.

Tỉnh quan tâm, hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giúp họ tạo điểm tựa an sinh vững chắc. Ðặc biệt, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt chính sách BHYT, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ riêng. Ðó là, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho đối tượng người khuyết tật, người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025… Cùng với đó, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên như: Hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động...

Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo ở tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Ðến hết năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 0,86% tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.

Thu Yến

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tu-diet-giac-doi-den-nhung-thanh-qua-trong-cong-tac-giam-ngheo-3175048.html
Zalo