Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa - Một cuốn sách quý

Hồi còn là sinh viên năm thứ nhất, được cùng ăn, cùng ở, cùng sống với anh Nguyễn Xuân Luật - sinh viên năm thứ 3, tôi thường được anh đọc cho nghe những truyện thơ của dân tộc Mường, như: Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm và chàng Bồng Hương, Út Lót - Hồ Liêu... Anh thuộc và đọc hay đến mức tôi 'mê mẩn' theo giọng lên bổng xuống trầm của anh.

Có thể nói, tôi yêu dân tộc Mường, yêu ngôn ngữ và văn hóa Mường từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”... Ngày ấy, cách đây đã hơn 50 năm, khi biết tin anh làm khóa luận tốt nghiệp về tiếng Mường Thanh Hóa quê anh, tôi rất vui và khâm phục ý chí của anh. Tôi tin với vốn tiếng Mường sẵn có, anh sẽ không chỉ hoàn thành tốt khóa luận mà còn gặt hái được những thành công lớn trong tương lai. Sự hy vọng mỏng manh ấy, thật không ngờ, hôm nay đã trở thành hiện thực. Trước mắt tôi là cuốn Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa mà tác giả là Nguyễn Xuân Luật - người anh đã “bặt vô âm tín” hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày ra trường. Hóa ra, mặc dù về làm công chức ở Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Luật vẫn âm thầm, kiên trì “nhặt nhạnh” từng từ Mường quê mình, say sưa “ngắm nhìn” nó, chắt lọc lấy cái hồn cốt của nó... rồi cho nó vào một cái “bị” chung với những từ Mường khác, để rồi hôm nay trình làng một công trình đồ sộ về tiếng Mường. Đúng là Nguyễn Xuân Luật đã dành cả đời cho đứa con tinh thần của mình... Tôi ngưỡng mộ, nếu không nói là bái phục anh, về ý chí, nghị lực và một tình yêu nồng nàn với tiếng Mường và văn hóa Mường.

Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa là một công cụ hữu hiệu cho cả người Việt (Kinh) và người Mường. Những người Việt học tiếng Mường và những người Mường học tiếng Việt không thể không biết đến cuốn sách này. Con số khoảng 12.800 từ vựng tiếng Mường trong sách này đủ để đáp ứng nhu cầu tra cứu của người học về mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, hầu như người Mường nào cũng có thể nói tiếng Việt, nhưng không phải ai cũng sử dụng các từ tiếng Việt đúng nghĩa và có hiệu quả. Đối với học sinh Mường thì việc nắm chắc tiếng Việt là một yêu cầu bức thiết. Cải cách giáo dục và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đòi hỏi học sinh Mường phải giỏi tiếng Việt. Cuốn sách này sẽ là công cụ rất hữu ích góp phần giúp các em học và sử dụng tốt tiếng Việt. Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa không bó hẹp ở tiếng Mường Khô Thanh Hóa mà có sự đối chiếu với tiếng Mường Bi Hòa Bình. Thanh Hóa và Hòa Bình là hai tỉnh tập trung nhiều người Mường nhất và tiếng nói của khu vực này cũng là điển hình nhất. Theo các nhà nghiên cứu, tiếng Mường Bi có thể coi là tiếng đại diện cho dân tộc Mường. Vì vậy, đối chiếu Mường Thanh Hóa với Mường Bi Hòa Bình là cách làm “khôn ngoan” và rất bài bản. Như vậy, một cách khách quan, cuốn từ điển của Nguyễn Xuân Luật đã gián tiếp cho thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa tiếng Mường Thanh Hóa và tiếng Mường Hòa Bình. Việc này không chỉ hữu ích cho người học mà còn rất có giá trị cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Mường. Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là một cuốn từ điển thông thường mà còn là một công trình lưu trữ văn hóa Mường. Qua đây, văn hóa Mường được làm sáng tỏ, được “bày ra” trước mắt người đọc bằng những lời giải thích rất mộc mạc nhưng rất hiển ngôn của một cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ngôn ngữ của một tộc người là phương tiện quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, để lưu giữ văn hóa của tộc người ấy. Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa là một công trình khoa học thực thụ, góp phần khẳng định chân lý nêu trên. Trước khi đi vào đối chiếu từng mục từ theo bảng chữ cái, tác giả đã có những trang giới thiệu về người Mường và tiếng Mường Thanh Hóa. Đây là việc làm cần thiết. Điều đáng nói ở đây là, qua các trang viết, tác giả thể hiện rõ cách làm việc rất bài bản của một nhà nghiên cứu chuyên sâu, một chuyên gia về ngôn ngữ học. Chúng tôi đánh giá cao những nhận xét có căn cứ của tác giả về cấu trúc tiếng Mường (hệ thống phụ âm, hệ thống nguyên âm, hệ thống thanh điệu, từ vựng tiếng Mường Khô). Ngoài ra, những dòng ngắn gọn nói về kết cấu từ điển (nguyên tắc lập từ điển, cách sắp xếp mục từ, phiên âm tiếng Mường) sẽ giúp cho người sử dụng hiểu rõ hơn về quy tắc biên soạn từ điển và cách tra từ điển.

Tóm lại, Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa là cuốn sách quý, được biên soạn công phu, nghiêm túc, có giá trị cao cả về mặt thực tiễn và ý nghĩa khoa học đáng để bạn đọc gần xa trong cả nước và Việt kiều ở nước ngoài, cũng như các học giả nước ngoài quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa và ngôn ngữ Mường nói riêng.

GS.TS Mai Ngọc Chừ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tu-dien-viet-muong-thanh-hoa-mot-cuon-sach-quy-32307.htm
Zalo