Từ dấu chân thế kỷ tới sự đồng cảm của hai dân tộc Việt - Nga

Hôm nay, tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày Hồng quân Liên Xô và nhân loại tiến bộ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, những bước chân trẻ trung, tự hào của bộ đội Cụ Hồ sẽ bước trên Quảng trường Đỏ của Thủ đô Moscow trong những giai điệu Xô Viết hào hùng.

Hơn 100 năm trước, bước chân nhỏ bé của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc khi tới Moscow để viếng Lenin đã đặt nền móng cho sự đồng cảm đặc biệt giữa hai dân tộc anh hùng đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc.

"Đôi bờ đâu cách xa"

Trong những ngày tháng 4 lịch sử kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, mỗi người dân Việt Nam đều bày tỏ lòng biết ơn to lớn và tri ân, tưởng nhớ các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh… đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

CLIP:

Tại nhiều cuộc gặp mặt kỷ niệm, tri ân của lớp trẻ, của các cựu chiến binh…, tôi vẫn nghe thấy những hành khúc sôi nổi và hào hùng của nước Nga Xô viết: “Dù sương gió tuyết rơi, dù vắng ngôi sao giữa trời. Thì trái tim với tiếng ca, thúc ta nhịp chân trên đường xa”, hay “Từ phía xa có bóng ai in trên màn sương mờ, cất cao lời ca, làm rung bóng cây ven bờ”..., hoặc những giai điệu du dương buồn cất lên giống như số phận tình yêu của một người chiến sỹ cảm tử và cô gái.

Người chiến sỹ ấy đã hy sinh để cho dòng nước được khơi thông tới vùng Sevastopol của Liên bang Xô Viết, để đồng đội, đồng chí của anh tiếp tục chiến đấu và chiến thắng phát xít Đức.

Tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê hương của Lênin. Ảnh: TTXVN

Tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê hương của Lênin. Ảnh: TTXVN

Nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước đã hát những ca khúc, giai điệu từ nước Nga, trong đó có những bông tuyết mà nhiều người hát có khi còn chưa được thấy ngoài đời thực. Nhưng họ lại cảm thấy gần gũi, gắn bó như thể những bài hát được viết cho những hy sinh và gian khổ của dân tộc Việt Nam vậy.

Tôi biết đó chính là sự đồng cảm của hai dân tộc. Hai dân tộc đã cùng sống, chiến đấu, hy sinh và chiến thắng những kẻ thù tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngày tôi còn học đại học, có người bạn hỏi "Vì sao ngày kỷ niệm của người lính thì lại hát bài tình yêu?". Tôi trả lời rằng "Người lính chiến đấu hy sinh để làm gì? Có phải để đêm nào cũng là những đêm trăng thanh bình, để đôi lứa được hò hẹn và yêu thương nhau, để tặng nhau những bông hoa hồng, để được hôn nhau trong hạnh phúc và hát những ca khúc về tình yêu không? Để các thế hệ con cái của họ không còn phải sống trong chiến tranh"... Người bạn bảo "Ờ, cậu nói đúng"...

Chiến thắng của văn hóa, nghệ thuật

Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn sống từng nói: “Đi cùng với những binh đoàn bộ đội hành quân vượt Trường Sơn là cả một binh đoàn văn hóa nghệ thuật”.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu không có binh đoàn văn hóa nghệ thuật ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta sẽ còn gian khổ, khốc liệt và kéo dài tới mức nào?

Các phi công Mỹ thực sự cảm thấy chấn động tâm can khi nghe giọng đọc tiếng Anh của phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam mà họ đặt tên là Hana Hà Nội. Còn trong những năm tháng chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, Hitler từng tuyên bố nếu tiến vào Moscow thì việc đầu tiên hắn sẽ làm là tóm ngay phát thanh viên Levitan huyền thoại của Liên Xô và cắt lưỡi ông. Vì hắn cho rằng, giọng đọc của Levitan trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc chiến tranh Vệ quốc của Liên bang Xô Viết có sức mạnh bằng nhiều sư đoàn, giúp cho Hồng quân Liên Xô phản công, chiến đấu anh dũng và chiến thắng.

Cả hai dân tộc - Việt Nam và Liên bang Nga - trong bom đạn và khổ đau đều đã chứng tỏ rằng: chúng ta có nền văn hóa, nghệ thuật sâu sắc hơn kẻ thù xâm lược và cả hai dân tộc đều đã chiến thắng.

Phát thanh viên huyền thoại Levitan của Liên Xô. Ảnh tư liệu

Phát thanh viên huyền thoại Levitan của Liên Xô. Ảnh tư liệu

Trong các bộ phim chiến tranh của Liên Xô trước kia và cả Liên bang Nga ngày nay luôn có hình ảnh của những người lính hy sinh, những cô gái khóc thương người yêu và nhanh chóng quệt những giọt nước mắt để tiếp tục chiến đấu.

Trên trời, những đàn chim vẫn bay đi đâu đó về phương xa... Đôi khi tôi không ưa các đạo diễn Nga vì họ mô tả cuộc chiến đấu chân thật quá, thật đến sững sờ. Có cuộc chiến nào mà không có đổ máu, hy sinh? Có vinh quang nào mà không có nước mắt?...

Ở đất nước mình, có rất nhiều người từ già tới trẻ vẫn yêu nước Nga, yêu người Nga. Hỏi họ vì sao yêu, họ trả lời đó là vì cái gọi là "tính cách Nga". Nếu cần biết, bạn hãy đọc tác phẩm cùng tên của Alexei Tolstoy. Bạn sẽ hiểu tính cách của người Nga. Họ không tinh quái, họ sống cảm xúc hơn, lãng mạn hơn... Điều đó cũng giống như bộ phim Địa đạo của Việt Nam, rất nhiều người đã khóc khi xem những hình ảnh chân thực về sự hy sinh của các chiến sỹ cách mạng.

Chiến thắng của sự hy sinh cao cả

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, khi nhà thơ Nam Hà xung phong ra mặt trận, các chiến sỹ ở tiền tuyến đã nói với ông rằng, nếu phải hy sinh, anh hãy để chúng em, còn anh phải sống để viết về cuộc chiến đấu của chúng ta...

CLIP:

Quá xúc động và tự hào, tối hôm đó ông đã viết những câu thơ bất hủ:

"Đất nước của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép...

Chia tay chưa hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt"

Thoạt đầu, khi đọc những câu thơ này, tôi cứ ngỡ đó là những câu thơ của một nhà thơ Nga. Nhưng đó lại là một nhà thơ Việt Nam.

Hai dân tộc, hai nền văn hóa bên bờ biển Đông và bên dòng Volga bao nhiêu năm qua luôn đồng cảm từ lời ca, tiếng hát, câu thơ, những tác phẩm văn học, điện ảnh… Chúng ta đồng cảm vì đều có chung một nền văn hóa chiến đấu và hy sinh, trọn nghĩa, vẹn tình.

Rất nhiều gia đình ở đất nước mình đã trải qua những cuộc chia ly trong gia đình người lính. Những cuộc chia ly mà người ta biết sẽ có thể không bao giờ gặp lại người chồng, người con yêu thương. Nhưng họ vẫn ôm nhau và động viên nhau "Con đi chân cứng đá mềm", "Em ở nhà hãy chăm sóc cho mẹ và con, anh đi công tác mấy hôm anh về". Các bác, các chú, các anh, nhiều người đã ra đi và hy sinh như thế.

Bộ phim Khát của điện ảnh Xô Viết năm 1959 với ca khúc nhạc phim "Đôi bờ" bất hủ

Bộ phim Khát của điện ảnh Xô Viết năm 1959 với ca khúc nhạc phim "Đôi bờ" bất hủ

Tôi không bao giờ muốn đọc các con số về sự hy sinh sau mỗi trận đánh của chúng ta, bởi có quá nhiều liệt sỹ đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, nếu không có ai hy sinh thì sẽ không bao giờ có một Tổ quốc Việt Nam thống nhất từ Bắc vào Nam, để thế hệ chúng tôi ngày hôm nay có thể sáng thưởng thức ly cà phê trong nắng ấm của thành phố mang tên Bác, chiều bay Hà Nội mời nhau ly rượu nếp thơm nồng trong gió mùa đông lạnh.

Cũng như vậy, nếu như không có hơn 27 triệu người con của Liên bang Xô Viết ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít thì cậu bé Volodia khi còn nhỏ, sau này lớn lên trở thành Tổng thống Liên bang Nga Putin sẽ không thể tự hào đọc câu thơ: “Tổ quốc Xô Viết của em. Nơi mà những đoàn tàu chạy thẳng tắp. Suốt một tuần mà không thể tới nơi…”.

Diễu hành 'binh đoàn bất tử' ở Hà Nội kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Ảnh: Thạch Thảo

Diễu hành 'binh đoàn bất tử' ở Hà Nội kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Ảnh: Thạch Thảo

Ở hai đất nước cách xa nhau, đã có rất nhiều người lính ra đi như thế. Và người Nga, dân tộc với một đất nước vĩ đại rộng lớn cũng giống như dân tộc Việt Nam cần cù chịu khó ven bờ biển Đông, đã có được những động lực chiến thắng to lớn từ một nền văn hóa sâu nặng và đặc biệt. Hai dân tộc chung một nền văn hóa nặng ân tình, đặt tình yêu và sự hy sinh lên trên sự khôn khéo và toan tính.

Bài học về sự thủy chung

Năm 2001, lần đầu tiên có một vị nguyên thủ nước Nga đã tới thăm Việt Nam. Ông chính là Vladimir Putin.

Chuyến thăm ấy có một buổi gặp gỡ đặc biệt, là buổi gặp gỡ giữa ông Putin và các cựu du học sinh Việt Nam từng học tập tại Nga và Liên Xô. Người Nga thủy chung và nhân hậu. Người Việt Nam nhân hậu và thủy chung. Mặc dù Cung Văn hóa Việt Xô - địa điểm của buổi gặp gỡ hôm đó đã được đổi tên thành Cung Văn hóa Hữu nghị, thì trong lòng của mọi người, đó mãi mãi sẽ là Cung Việt Xô thân thương.

Đoàn QĐND Việt Nam tham gia duyệt binh tại Nga. Ảnh: QPVN

Đoàn QĐND Việt Nam tham gia duyệt binh tại Nga. Ảnh: QPVN

Sáng 2/5 (giờ Moscow), tuyết rơi dày phủ kín khắp nơi, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn miệt mài tập luyện để chuẩn bị tham gia lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: QĐND

Sáng 2/5 (giờ Moscow), tuyết rơi dày phủ kín khắp nơi, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn miệt mài tập luyện để chuẩn bị tham gia lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: QĐND

Không khí buổi gặp mặt xúc động và chân tình đến nỗi chính ông Putin cũng phải ngỡ ngàng. Ông đã lẩm nhẩm hát theo một ca khúc, do một nghệ sỹ Việt Nam từng học ở Nga hát, đó là nghệ sỹ Quang Thọ, với bài Chiều Moscow. Lời ca da diết “Người ơi thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến, Mátxcơ va bên chiều vắng thanh bình”. Thanh bình lắm nhưng mãi đến bây giờ, những người thủy chung và yêu thương nhau mới được gặp nhau bằng xương, bằng thịt ở đây.

Và tình cảm ấy đã được kế thừa, gìn giữ tới tận ngày hôm nay, khi nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng - Tổng Bí thư Tô Lâm có mặt và đứng trên Quảng trường Đỏ trong lễ kỷ niệm 80 năm ngày Chiến thắng phát xít… Giống như Đôi bờ của một dòng sông, xa cách nhưng luôn tràn đầy dòng nước thủy chung, đồng cảm sâu sắc và nhân văn.

Nguyễn Phước Thắng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-dau-chan-the-ky-toi-su-dong-cam-cua-hai-dan-toc-viet-nga-2398431.html
Zalo