'Tự đào tạo' để thích ứng với thị trường lao động
'Cần chủ động đào tạo mình, tái đào tạo mình để thích ứng, hòa nhập với thị trường lao động, nhất là với những người trẻ trong độ tuổi lao động', chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho hay.
“Bức tranh việc làm” tích cực
Theo báo cáo của Cục Thống kê, nhờ thị trường lao động ổn định, trong quý I/2025, thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, đạt 8,3 triệu đồng (tăng 131 nghìn đồng so với quý trước và tăng 720 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước).
Cùng với đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2025 khoảng 1,04 triệu người (giảm 10,7 nghìn người so với quý trước và giảm 14,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2025 là 2,2% (giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%.

Thị trường lao động Hà Nội dự báo có nhu cầu tuyển dụng từ 100 – 120 nghìn lao động trong quý II.
Thị trường lao động việc làm, tuyển dụng của doanh nghiệp thời gian qua diễn biến tích cực. Đơn cử như tại thị trường Hà Nội, theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin hơn 5,6 nghìn việc làm trống của gần 1,3 nghìn doanh nghiệp, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lớn tập trung vào các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ (chiếm khoảng 52,65%); ngành Công nghiệp chế biến chế tạo – xây dựng (chiếm 28,18%)…
Để kết nối doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm với trung bình gần 30 phiên/tháng. Trong đó có các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, các phiên giao dịch việc làm chuyên đề và phiên giao dịch việc làm kết nối các tỉnh, thành.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, dự báo quý II, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 100 – 120 nghìn lao động. Theo ông Thành, bước vào quý II là thời điểm các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may, da giày. Tiếp đến là nhóm lĩnh vực ngành nghề về công nghệ số, chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Ví dụ, ngành công nghiệp thông tin đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các dự án chuyển đổi số. Ngành lưu trú, du lịch và dịch vụ ăn uống cũng sẽ được tăng cường tuyển dụng do bước vào mùa cao điểm du lịch.
“Do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế - xã hội trong khu vực và trên toàn cầu nên một số lĩnh vực cũng được dự báo tuyển dụng sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, một số ngành chắc chắn có nhu cầu nhân lực cao như: y tế - chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, dịch vụ lưu trú – lữ hành”, ông Thành nhận định.
Thách thức đan xen
Bên cạnh những diễn biến tích cực thì theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, thị trường lao động tới đây sẽ có những thách thức đan xen mà người lao động phải chủ động để thích ứng. Bên cạnh những ngành nghề vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động thì cũng có những ngành phải chịu áp lực giảm bớt nhu cầu nhân lực do sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Đơn cử như những ngành nghề: nhân viên thu ngân bị áp lực bởi công nghệ thanh toán tự động; nhân viên kế toán, thư ký có thể mất việc khi các ứng dụng, phần mềm thay thế; nhân viên bán lẻ phải cạnh tranh với công nghệ bán hàng tự động… Dù chưa thực sự bùng nổ nhưng thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp tư nhân đã phải cắt giảm nhân sự để tái cấu trúc bộ máy.
Theo ông Thành, với người lao động bị mất việc, khó khăn đầu tiên trong thời gian này có thể là một khoảng thời gian tạm thời thất nghiệp, phải nỗ lực tìm kiếm cho mình một công việc mới. Nếu ai có ý định chuyển đổi nghề nghiệp thì cần nghiên cứu thật kỹ định hướng nghề nghiệp, các định hướng về lĩnh vực ngành nghề, nơi đang có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng nhiều lao động trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, phải tự bồi dưỡng, nâng cao khả năng kiến thức của bản thân để việc tiếp cận với thị trường lao động được nhanh và tốt hơn.
“Với một số lao động có tuổi thì có thể trang bị thêm cho mình kiến thức về công nghệ, kiến thức về AI, ứng dụng AI trong các vị trí việc làm, hay những kiến thức chung về công nghệ để ứng dụng vào các vị trí việc làm cụ thể của họ. Bên cạnh đó, nếu người lao động có xu hướng chuyển đổi lĩnh vực nghề nghiệp mới cũng cần xác định và tìm hiểu kỹ các lĩnh vực nghề nghiệp có xu hướng tuyển dụng và sử dụng nhiều lao động trong thời gian tới. Từ đó có hướng chuyển đổi công việc và tìm những công việc phù hợp nhất cho bản thân mình”, ông Vũ Quang Thành đưa lời khuyên.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, áp lực việc làm đối với một số ngành nghề không chỉ ở Việt Nam mà là thách thức diễn ra trên toàn thế giới. Làn sóng sa thải bởi thất nghiệp, bởi cạnh tranh của công nghệ, AI là xu hướng tất yếu. Do đó, để tìm kiếm được một việc làm phù hợp với thu nhập ổn định là không dễ dàng. Những người mất việc khó có điều kiện để thích ứng thì chấp nhận chuyển sang các công việc khác ở mức độ đơn giản hơn, thu nhập khiêm tốn hơn để ổn định cuộc sống.
“Cần chủ động đào tạo mình, tái đào tạo mình để thích ứng, hòa nhập với thị trường lao động, nhất là với những người trẻ trong độ tuổi lao động. Luôn thay đổi kỹ năng, thói quen, tư duy, tâm lý mà mình vốn có trong thời gian trước để chấp nhận sự linh hoạt, thách thức và ứng phó với những biến động của yêu cầu mới của thị trường. Đặc biệt là thị trường lao động ngày càng đòi hỏi chất xám cao hơn”, TS Nguyễn Minh Phong cho hay.