Từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại

81 tác phẩm tranh khắc gỗ, 20 sản phẩm gốm và 40 mẫu thiết kế áo dài lấy cảm hứng từ hình mẫu đúc đồng trên Cửu đỉnh triều Nguyễn được giới thiệu trong triển lãm 'Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại' đang diễn ra tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thay vì xem Cửu đỉnh là một di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật làm tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ và nghệ thuật thêu thùa, những người thực hiện dự án mong muốn quảng bá một di sản đặc biệt của Việt Nam bằng các hình thức mới.
Năm 1835, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh với những hình khắc đa dạng miêu tả cuộc sống người Việt. Trên mỗi đỉnh, người xưa chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư với các chủ đề: Thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè, vũ khí và hai chữ Hán mang tên đỉnh... Tất cả tập hợp thành bức tranh toàn cảnh về nước Đại Nam giàu có và cường thịnh dưới thời Minh Mạng.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với hoa văn lấy cảm hứng từ Cửu đỉnh triều Nguyễn.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với hoa văn lấy cảm hứng từ Cửu đỉnh triều Nguyễn.

Năm 2012, Cửu đỉnh triều Nguyễn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Bảo vật quốc gia. Tháng 5-2024, tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, diễn ra ở thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Chia sẻ về ý tưởng thiết kế bộ sưu tập 40 mẫu thời trang lấy cảm hứng từ hoa văn trên Cửu đỉnh, nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan (Hà Nội) cho biết: Bộ sưu tập “Âm vọng và LanV” được hoàn thiện trên chất liệu nhung, lụa tơ tằm truyền thống với những họa tiết thêu tay bằng chỉ tơ óng ả lấy từ các hình ảnh đúc nổi trên Cửu đỉnh thời vua Minh Mạng. Khi bắt đầu thiết kế, theo cảm nhận ban đầu của chị, các hình được đúc nổi trên Cửu đỉnh đồng khá “cứng” ngay cả trong các mẫu hoa lá, mây, sóng nước, nhưng càng ngắm nhiều hình thì càng cảm nhận được sự mềm mại ẩn chứa trong đó, và tất cả ghép vào nhau tạo nên một bức tranh tươi đẹp về đất nước. “Những hình khối ấy được đặt theo chiều ngang; khi ứng dụng trong thiết kế thời trang, trên chất liệu nhung, lụa truyền thống, kết hợp thêu, các hình khối được chuyển hóa mềm mại bằng cách phối màu, sắp đặt. Ví dụ, họa tiết con công với hoa dâm bụt, sóng nước và ánh trăng, chim phượng, các loại cây thuốc dân gian và hoa hướng dương... tạo sự gần gũi. Khi làm bộ sưu tập này, tôi cảm thấy yêu đất nước mình hơn, với những cảnh đẹp nguyên sơ từ quá khứ. Cũng có những mẫu thiết kế kết hợp họa tiết trên Cửu đỉnh với họa tiết đương đại. Bản thân tôi muốn thử thách khi “pha” chúng vào với nhau có tạo nên điều gì mới mẻ không, các bạn trẻ có thích thú không...” - nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

Bộ sưu tập “Âm vọng và LanV” của nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Bộ sưu tập “Âm vọng và LanV” của nhà thiết kế Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Với 20 sản phẩm gốm sứ Bát Tràng gồm 17 đĩa trang trí, 2 chiếc chóe cỡ lớn và 1 chiếc thống của các nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt, Phạm Tiến Thanh, trên chất liệu gốm sứ - đồ gia dụng và đồ thờ, với những màu men lam, men hỏa biến, một lần nữa hình ảnh Cửu đỉnh triều Nguyễn lại được tôn vinh. Theo nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt, anh đã chọn 5 hoa văn từ mỗi Cửu đỉnh, tạo nên 45 hoa văn tiêu biểu để lên mẫu và tạo bố cục khi trang trí trên đồ gốm. Tất cả sản vật từ Nam ra Bắc, núi, sông, đồng bằng, vựa lúa, cây ăn quả, cây gia vị thân thuộc với người Việt... được thể hiện trên sản phẩm gốm một cách tinh tế. Thông qua triển lãm, với chất liệu gốm sứ, các nghệ nhân làng Bát Tràng mong muốn tôn vinh vẻ đẹp đất nước, con người thông qua những hình ảnh thuần Việt. “Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới người xem, đặc biệt là giới trẻ, rằng một đất nước giàu mạnh thì phải xuất phát từ văn hóa, xây dựng tương lai bằng việc học hỏi, kế thừa và phát huy di sản quý báu của ông cha” - nghệ nhân Nguyễn Tiến Đạt cho biết.

Sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ góp phần chuyển tải thông điệp của cha ông đến công chúng của ngày hôm nay. Với mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn nữa giá trị của những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh triều Nguyễn, nhóm tác giả gồm PGS.TS Trang Thanh Hiền, họa sĩ Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thu Nga, Trần Quốc Đức, Nguyễn Xuân Huy, Trần Nhật Nhi (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã chuyển tải hình ảnh, hoa văn trên Cửu đỉnh trên những bức tranh khắc gỗ, để có thể đem những hình ảnh này đi muôn nơi. “Bản khắc nổi trên Cửu đỉnh là nghệ thuật đúc đồng, với những hoa văn, hình ảnh chìm nổi, khác hoàn toàn với nghệ thuật khắc gỗ - in lõm. Nghệ thuật đúc bản trên đồng có thể tạo thành khối lồi lõm nhưng riêng nghệ thuật khắc gỗ thì phải tạo bằng nét. Nét xước, nét tạo nền, nét bo... là ngôn ngữ quan trọng của nghệ thuật khắc gỗ. Người họa sĩ phải dụng công rất nhiều để làm sao chuyển tải được đầy đủ ý nghĩa truyền thống, nhưng đồng thời tác phẩm mang dáng vẻ mới có giá trị đương đại” - PGS.TS Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm dự án chia sẻ.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với hoa văn lấy cảm hứng từ Cửu đỉnh triều Nguyễn.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng với hoa văn lấy cảm hứng từ Cửu đỉnh triều Nguyễn.

Từ việc tìm hiểu giá trị bảo vật quốc gia như Cửu đỉnh, nhóm nghệ sĩ đã tìm cách tạo ra những giá trị mới, cách tiếp cận mới đối với di sản. Những câu chuyện, thông điệp mà người xưa để lại trên Cửu đỉnh đã được nhận diện và diễn giải một cách sinh động với màu sắc tươi mới, chất liệu mới, hình thức mới để chúng ta tiếp cận di sản một cách đa chiều, từng chút một. Thời trang, gốm và tranh khắc gỗ... là những phương tiện nghệ thuật để diễn giải giá trị lịch sử, văn hóa bằng ngôn ngữ khác nhau. TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: Dự án “Âm vọng - từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” càng có ý nghĩa hơn khi UNESCO mới ghi danh những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bổ sung hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.

Tuy vậy, TS Lê Thị Minh Lý cũng lưu ý: Muốn khai thác di sản, trước hết phải hiểu được giá trị của di sản đó một cách cặn kẽ.

“Có thể sản phẩm mới không còn nguyên hình hài so với cái gốc nhưng chúng ta cần diễn giải, tôn vinh giá trị cốt lõi. Chúng ta không được sao chép, làm giả nhưng được quyền khai thác để tạo nên giá trị phái sinh. Để giúp những nhà sáng tạo trẻ hiểu được giá trị văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa và những người làm công tác di sản phải làm tốt công tác số hóa: Mô tả chân thực cái vốn có, nguồn gốc, giá trị cốt lõi, diễn giải một cách khách quan, đồng thời tạo ra giá trị mới, gắn kết với những giá trị cốt lõi” - TS Lê Thị Minh Lý nói.

Đinh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tu-cuu-dinh-trieu-nguyen-den-sang-tao-duong-dai-688001.html
Zalo