Từ chuyện Nick Út đến ý kiến kiểm toán
Cuộc tranh cãi xoay quanh bản quyền tác giả của bức ảnh nổi tiếng 'Em bé Napalm' - bức ảnh gắn liền với tên tuổi của phóng viên ảnh Nick Út (một người Việt, làm việc cho hãng thông tấn AP) khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện của ý kiến kiểm toán. Sự tương đồng giữa hai câu chuyện là gì?
Bức ảnh chụp một cô bé khỏa thân, hoảng loạn chạy trên đường sau một trận ném bom Napalm trong chiến tranh Việt Nam. Đó không chỉ là khoảnh khắc lịch sử, mà còn góp phần làm thay đổi dư luận nước Mỹ về chiến tranh. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, có người đứng ra nhận rằng, chính mình mới là người bấm máy, không phải Nick Út.
AP trong một thông báo giữa tháng 5/2025 đã khẳng định vẫn giữ tên Nick Út là tác giả bức ảnh. Lý do vì không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy ông không chụp. Ngược lại, tổ chức World Press Photo, một nhóm uy tín hàng đầu thế giới về nhiếp ảnh báo chí tuyên bố gỡ tên Nick Út khỏi quyền tác giả. Lý do vì họ không tìm được bằng chứng rõ ràng cho thấy ông đã chụp.
Cùng một câu hỏi: Ai là tác giả thực sự của bức ảnh? đã có hai tổ chức lớn có hai cách xử lý khác hẳn nhau. Một bên coi “không có bằng chứng bác bỏ” là đủ để công nhận. Bên còn lại cần “có bằng chứng xác thực” mới công nhận.
Câu chuyện được nhiều người liên tưởng đến một chuyện quen thuộc nhưng không kém phần rắc rối là ý kiến kiểm toán.
Đối với nhà đầu tư, báo cáo tài chính kiểm toán là tài liệu bắt buộc phải đọc và phải hiểu. Vì đó không chỉ là con số doanh thu, lợi nhuận hay dòng tiền mà còn là câu chuyện về niềm tin giữa doanh nghiệp và thị trường.
Kiểm toán viên là một bên thứ ba, độc lập. Doanh nghiệp trả tiền để thuê họ nhưng họ không phục vụ doanh nghiệp. Họ làm việc theo chuẩn mực để bảo vệ quyền lợi của công chúng, đặc biệt là nhà đầu tư. Đúng hơn, họ bảo vệ chính uy tín của họ, vì nếu làm sai cơ quan chức năng sẽ cấm không cho họ kiểm toán nữa.
Khi kiểm toán viên gặp phải những khoản mục họ cảm thấy "không ổn", họ sẽ không im lặng. Lúc đó, kiểm toán viên có hai lựa chọn: hoặc thương lượng để doanh nghiệp điều chỉnh lại số liệu; hoặc nếu doanh nghiệp vẫn giữ nguyên quan điểm, thì kiểm toán viên sẽ nêu rõ quan điểm của mình trong báo cáo kiểm toán.
Nói cách khác, kiểm toán viên không cần “thắng” trong cuộc tranh cãi nhưng họ sẽ nói rõ: tôi không đồng ý có nêu lý do. Việc công bố quan điểm này là cách thị trường tài chính chọn để giải quyết xung đột, không bên nào hoàn toàn đúng hoặc sai, nhưng mỗi bên đều phải công khai và chịu trách nhiệm với lập trường của mình.
Giống như AP và World Press Photo. Một bên bảo vệ “niềm tin cũ” cho đến khi có bằng chứng ngược lại. Một bên chỉ công nhận nếu có chứng cứ xác thực. Trong tài chính, cách tiếp cận này gọi là cẩn trọng.
Vì vậy, trong công việc phân tích, nhà đầu tư cần ưu tiên đọc báo cáo tài chính có kiểm toán, đặc biệt là phần đầu báo cáo - nơi nêu rõ ý kiến kiểm toán: là chấp nhận toàn phần, chấp nhận có ngoại lệ, hay từ chối đưa ra ý kiến? Không phải kiểm toán nào cũng đáng tin, nhưng ít nhất kiểm toán thì khách quan hơn chính doanh nghiệp.
Chỉ cần đọc báo cáo tài chính có kiểm toán, nhà đầu tư đã có thể đánh giá được mức độ minh bạch và đáng tin của doanh nghiệp. Nếu một công ty tự công bố lợi nhuận cao, nhưng sau kiểm toán lại bị điều chỉnh giảm sâu nên đặt câu hỏi: vì sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Nếu điều này lặp đi lặp lại nhiều lần liệu ban lãnh đạo có đang cố gắng “trang điểm” con số để làm đẹp báo cáo?
Niềm tin trên thị trường chứng khoán giống như niềm tin trong nhiếp ảnh báo chí, không thể xây dựng chỉ bằng danh tiếng hay cảm tính mà phải bằng bằng chứng. Có thể là một tấm hình gốc, có thể là một sổ sách kế toán, nhưng quan trọng là tinh thần minh bạch, dám công bố sự thật, dù sự thật có làm mất lòng.