Từ chuyện ngai vàng bị phá

Dư luận cả nước mấy hôm nay hết sức sửng sốt, ngạc nhiên và căm phẫn với hành vi của một kẻ được cho là ngáo chất kích thích đã leo lên ngai vàng trong điện Thái Hòa ngồi, la hét rồi bẻ gãy tay ngai.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra.

Việc bảo vệ bảo vật của chúng ta lâu nay như thế nào?

Tại sao ngai vàng mà lại dễ bẻ đến như thế?

Những người bảo vệ khu vực ấy đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Cao hơn là trách nhiệm của những cán bộ liên quan của trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế?

Vân vân, vẫn còn rất nhiều câu hỏi nữa.

Thực ra thì, cho tới giờ, ai cũng hết sức tiếc cho sự việc đã xảy ra. Nó là tai nạn, nhưng là tai nạn cực lớn, chứ tôi nghĩ từ mấy anh bảo vệ phải dẫn dụ "kẻ ngồi ngai" ấy ra chỗ vắng rồi mới quật ngã khống chế, bởi gần đấy toàn đồ gốm quý, nếu tóm ông ấy tại chỗ ấy có khi hậu quả còn lớn hơn. Và các vị lãnh đạo, có trách nhiệm liên đới cũng thế, chả ai muốn và không thể ngờ sự việc lại có thể xảy ra một cách hết sức... đơn giản như vậy.

Lướt trên mạng, tôi đọc được 2 ý kiến liên quan đến việc này của hai người có chuyên môn, một là tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người Huế, từng là phó giám đốc trung tâm này. Anh viết: "18 năm gắn bó với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (1990 - 2007), tôi là người trực tiếp viết hồ sơ đề nghị công nhận ngai vàng triều Nguyễn là Bảo vật quốc gia. Mọi chi tiết của chiếc ngai vàng, từ kích thước tới những điểm chạm khắc tinh xảo hay hình ảnh "long vân khánh hội" tôi đều từng tự tay khảo tả để đưa vào hồ sơ. Vì vậy, tôi rất sốc và buồn lòng khi nghe tin về sự cố nghiêm trọng này.

Dư luận cũng bức xúc lên án kẻ phá hoại; chê trách nhân viên bảo vệ lơ là để hắn lẻn vào chính điện thực hiện hành vi phạm pháp, và chậm chạp trong việc khống chế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm do việc quản lý và bảo vệ bảo vật quốc gia rất lỏng lẻo.

Theo tôi, nhân viên bảo vệ đã thiếu kinh nghiệm và sai sót khi không nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần của khách tham quan, nên không theo sát, để anh ta có cơ hội lọt vào chính điện, trèo lên ngai vàng và phá phách. Nhưng khi đối tượng đã quậy phá, cầm vật cứng (có thể là bộ phận của ngai vàng sau khi bị bẻ gãy) trong trạng thái rất manh động, thì họ đã xử trí phù hợp: dẫn dụ đối tượng rời khỏi khu vực trưng bày nhiều cổ vật quý.

Nội thất điện Thái Hòa còn có bốn thống sứ thời Nguyễn, hai độc bình thời Minh, hai độc bình sứ ký kiểu triều Khải Định (hiệu đề Tân Dậu niên tạo - 1921). Đây đều là những cổ vật quý hiếm và độc bản. Nếu lao vào khống chế đối tượng "ngáo đá" đang cầm vật cứng khi không có công cụ hỗ trợ và không được huấn luyện chuyên nghiệp, nhân viên bảo vệ có thể gặp nguy hiểm, du khách bị đe dọa, và nguy cơ nhiều cổ vật quý khác trong điện Thái Hòa cũng bị phá hủy sẽ càng cao. Vì vậy, việc hai bảo vệ "không xử lý ngay" mà "dẫn dụ" đối tượng ra khỏi khu vực có nhiều cổ vật, gọi thêm người hỗ trợ, chờ khi đối tượng sơ hở mới xử lý là giải pháp tốt nhất.

Tôi cũng nhận thấy nhiều ý kiến chất vấn "vì sao không lắp thiết bị bảo vệ ngai vàng, như tủ kính cường lực chẳng hạn?". Tuy nhiên, trưng bày hiện vật trong chính điện Thái Hòa, cũng như trong điện thờ các vua là hình thức "tái hiện lịch sử" nên hiện vật trong các di tích này luôn được trưng bày giống như đã được bài trí, thờ tự trước đây. Vì thế không thể để ngai vàng trong tủ kính cường lực. Tôi đã đi thăm cung điện của hoàng đế nhà Thanh ở Cố cung Bắc Kinh; thăm tẩm thờ các vua nhà Minh trong Minh thập tam lăng ở ngoại ô Bắc Kinh; thăm cung điện các vua triều Joseon ở Gyongbokgung và Changdoekgung ở Seoul; thăm cung điện của Thiên hoàng Nhật Bản ở Kyoto; thăm cung điện của vương triều Sho ở kinh thành Shuri của vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) ở Okinawa, thăm cung điện Potsdam của vua Phổ ở vùng Brandenburg, thăm cung điện Versailles của vua Pháp ở ngoại ô Paris...

Tôi nhận thấy: không nơi nào sử dụng tủ kính cường lực để bảo vệ ngai vàng của các bậc đế vương cả. Việc ngai vua triều Nguyễn được trưng bày mà không có tủ kính bảo vệ, cũng tương tự hình thức trưng bày ở những nơi mà tôi đã viếng thăm trên đây, hoàn toàn hợp lý và hợp lệ. Vậy thì nên có giải pháp nào để tránh các trường hợp như đã xảy ra với ngai vàng triều Nguyễn? Theo tôi, nên làm như các địa điểm mà tôi đã dẫn chứng trên đây, là không cho du khách thâm nhập vào nội điện Thái Hòa, mà giữ khách ở bên ngoài, mở ba ô cửa lớn ở mặt tiền điện Thái Hòa để du khách đứng trên thềm tiền điện Thái Hòa, có hàng rào ngăn cách, và nhìn vào bên trong.

Ngai vàng - Bảo vật quốc gia ở vị trí trung tâm của Điện Thái Hòa. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN.

Ngai vàng - Bảo vật quốc gia ở vị trí trung tâm của Điện Thái Hòa. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN.

Tương tự với Thế Miếu và những điện thờ các vua ở các lăng. Tất cả cung điện mà tôi từng tham quan ở các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... nói trên đều giữ khách ở bên ngoài các chính điện trong hoàng cung của họ. Vì vậy, Trung tâm Bảo tồn di sản Cố đô Huế nên tổ chức lại tuyến tham quan trong nội thất điện Thái Hòa, và cả Thế Miếu, thành tuyến tham quan bắt đầu từ bậc thềm tiền điện, đi vào chái hữu của điện Thái Hòa, dẫn ra hậu điện rồi ra ngoài, không cho du khách thâm nhập nội thất chính điện.

Sau cùng, nên áp dụng cách thức mà cung điện Potsdam, cung điện Versailles... và nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng: đó là dùng cảm biến (sensor) để kiểm soát du khách cố tình thò tay, thò đầu qua vạch/ dây/ hàng rào ngăn cách khu vực tham quan với khu vực trưng bày. Nếu có du khách nào thò tay hay thò đầu qua vạch thì cảm biến sẽ phát thanh báo động để cảnh báo du khách dừng lại, và nhân viên bảo vệ lập tức có mặt để can thiệp. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng du khách đột nhập vào khu vực cấm mà nhân viên bảo vệ không biết, như đã xảy ra"...

Hai là nhà văn Hoài Hương, một chuyên gia văn hóa, nhiều năm làm ở phòng xuất nhập cảnh Văn hóa sở Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Chị viết: "Một cái ngai như vậy sao không làm hộp kính trong suốt bên trong điều chỉnh nhiệt độ chống ẩm- lạnh- khô), vừa bảo vệ di vật bảo vật vừa an toàn. Bỏ ra cả mấy trăm tỉ tôn tạo ngôi nhà mà không dám bỏ chừng trăm triệu cho một hộp kính chống đạn trong suốt gắn camera và thiết bị chống vi phạm bảo vệ".

Tôi thì thấy, ở nước ta, nếu nói về bảo vệ rồi phát huy đưa di tích vào đời sống đương đại có lẽ không nơi nào làm tốt hơn Huế. Nhưng quả là, đời sống có rất nhiều bất ngờ, mà đã bất ngờ thì không... lặp lại, thì cá biệt. Theo tôi biết, cách của Huế là đưa du khách sống lại cùng di tích, nên mới có chuyện cho du khách thuê trang phục để đóng giả vua, hoàng hậu... chụp ảnh. Chưa hết, còn những "đêm hoàng cung", "tết hoàng cung", đưa tiệc cung đình ra đời sống phục vụ du khách...

Nhưng việc để du khách, dẫu là "du khách đặc biệt" mua vé rồi leo lên ngai vua la hét rồi đập phá nó thì quả là quá... đặc biệt.

Bằng kinh nghiệm của mình, tham khảo ý kiến các chuyên gia, cộng với học kinh nghiệm các nước có chung "hoàn cảnh", hy vọng Huế sẽ tiếp tục biến di sản của ông cha thành thế mạnh của mình bây giờ, để Huế vẫn là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, để di sản vừa là di sản nhưng lại cũng là nguồn năng lượng nuôi những người đương thời...

* Bài viết theo quan điểm tác giả!

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-chuyen-ngai-vang-bi-pha-204250527190457322.htm
Zalo