Từ chương trình đào tạo đặc biệt đến sự ra đời của phong cách kiến trúc Đông Dương

Trường Mỹ thuật Đông Dương, với tư duy tiến bộ về giáo dục nghệ thuật và kiến trúc, đã để lại một di sản vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang tính định hướng cho tương lai của nền kiến trúc Việt Nam...

Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine), thành lập năm 1924, không chỉ là cái nôi của mỹ thuật hiện đại Việt Nam mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của kiến trúc Đông Dương – một phong cách độc đáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và giá trị bản địa.

Đặc biệt, khoa Kiến trúc của trường này, với tư duy giáo dục mang tính khoa học đa ngành và nghệ thuật, đã đào tạo nên nhiều kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị xuất sắc, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến việc bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội.

Chương trình đào tạo kiến trúc đặc biệt

Trường Mỹ thuật Đông Dương (trực thuộc Viện Đại học Đông Dương) được thành lập theo Nghị định ngày 27.10.1924 của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin và bổ nhiệm họa sĩ Victor Tardieu làm Hiệu trưởng.

Thầy giáo và sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, với Victor Tardieu ngồi ở giữa hàng đầu. Ảnh: TL

Thầy giáo và sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, với Victor Tardieu ngồi ở giữa hàng đầu. Ảnh: TL

Trong suốt 13 năm làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1937), ông Victor Tardieu đã xây dựng nhà trường thành một trung tâm đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư Việt Nam, được học theo chương trình của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris. Tháng 11.1925 trường khai giảng khóa đầu (1925 - 1930) với 10 sinh viên (tuyển từ khoảng 270 thí sinh toàn Đông Dương).

Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 1.10.1926 thành lập Ban Kiến trúc, là một khoa của trường Mỹ thuật Đông Dương, cơ sở đào tạo kiến trúc sư của Pháp duy nhất ở nước ngoài.

Trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1945, nhà trường đã mời các thầy dạy là kiến trúc sư có tài năng người Pháp đã từng sáng tác nhiều công trình ở Pháp và Đông Dương, như: Arthur Kruze - Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc; Ernest Hébrard - phụ trách quy hoạch đô thị Đông Dương từ năm 1921, người khởi xướng Phong cách Kiến trúc Đông Dương. Ngoài ra còn có Gaston Roger, Louis Georges Pineau, Jacques Lagisquet... Các kiến trúc sư có xu hướng tiến bộ này đã đào tạo kiến trúc sư thiên về nghệ thuật sáng tạo[1].

Tư liệu thể hiện niên khóa năm 1928 – 1929 với sự tham gia giảng dạy của Charles Batteur từ EFEO (trong khung màu đỏ) và Ban Kiến trúc thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương (trong khung màu xanh). Nguồn: L'Avenir du Tonkin, tháng 11.1928.

Tư liệu thể hiện niên khóa năm 1928 – 1929 với sự tham gia giảng dạy của Charles Batteur từ EFEO (trong khung màu đỏ) và Ban Kiến trúc thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương (trong khung màu xanh). Nguồn: L'Avenir du Tonkin, tháng 11.1928.

Mục 3 - Kiến trúc trong Chương trình đào tạo tổng quát của trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1924 ghi: “Việc giảng dạy bộ môn Kiến trúc, Xây dựng, Toán học,... không có trong chương trình của Trường Mỹ thuật vì ở Trường Công chính đã có Ban Kiến trúc, cho nên các khóa học về nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông và bố cục trang trí kiến trúc sẽ được giảng dạy bởi một kiến trúc sư thông thạo các loại hình và kiểu xây dựng của An Nam, chẳng hạn một kiến trúc sư của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp.

Tất cả các sinh viên của Trường Mỹ thuật, học vẽ và học điêu khắc, bắt buộc phải tham gia các khóa học nói trên [về kiến trúc], bởi vì tất cả mọi thứ trong nghệ thuật hội họa đều tuân thủ những yêu cầu của kiến trúc. Các sinh viên Trường Công chính cũng nên theo học các khóa này, vì họ có thể tiếp thu các nguyên tắc chung để rồi chủ trì việc xây dựng và trang trí cho vô số các công trình di tích kiến trúc cổ quan trọng. Đón nhận các nhu cầu hiện đại với thị hiếu và biện pháp [tốt] thì rốt cuộc sẽ bắt mạch được truyền thống, cho phép xứ này bảo tồn được bản sắc độc đáo của mình.

Hình vẽ chùa Một Cột trong môn đạc biểu của sinh viên Trần Quang Trân vào năm 1931. Nguồn: Tập sách của Nha Học chính Đông Dương, xuất bản nhân Đấu xảo Thuộc địa 1931.

Hình vẽ chùa Một Cột trong môn đạc biểu của sinh viên Trần Quang Trân vào năm 1931. Nguồn: Tập sách của Nha Học chính Đông Dương, xuất bản nhân Đấu xảo Thuộc địa 1931.

Các sinh viên [Ban] Kiến trúc sẽ phải đề xuất các đồ án, có bản thiết kế mặt bằng, bản vẽ mặt cắt và bản vẽ trắc diện của công trình trong đó phần trang trí điêu khắc và tranh ảnh sẽ được giao cho các sinh viên hội họa và điêu khắc, và qua đó, sẽ dạy họ làm quen với sự hợp tác nhằm thực hiện một công trình [kiến trúc] duy nhất” [2].

Trong Nghị định về việc tổ chức lại trường Mỹ thuật Đông Dương 1938, Điều 21: Bảng phân phối chương trình hàng tuần của các môn học. Trong đó môn học chung các ban Mỹ thuật và kiến trúc có “Khảo sát (kiến trúc) khảo cổ”. Riêng Ban Kiến trúc có “Lịch sử nghệ thuật kiến trúc và đặc biệt là lịch sử nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông. Trong Điều 22: “Việc giảng dạy về kiến trúc giao cho các giáo sư và giảng viên… giảng viên thì lựa chọn từ những kiến trúc sư Đông Dương có bằng cấp”.

Như vậy, những môn học “Khảo sát (kiến trúc) khảo cổ” hay “lịch sử nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông” do các giáo sư nào đảm trách và hợp tác nghiên cứu/giảng dạy giữa trường Viễn Đông Bác cổ Pháp với trường Mỹ thuật Đông Dương như thế nào?

Thông tin về các môn học và việc giảng dạy của Ban Kiến trúc trong Nghị định ngày 24.5.1938 của Toàn quyền Đông Dương về việc tổ chức lại trường Mỹ thuật Đông Dương. Nguồn: Phạm Long & Trần Hậu Yên Thế chủ biên, Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, tr.94-95.

Các kiến trúc sư trong Viện Viễn Đông Bác cổ và công việc bảo tồn kiến trúc di sản tại Hà Nội

Năm 1898, Đoàn Khảo cổ Đông Dương đã được thành lập và đến 1900 thì đổi thành Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Louis Finot làm Giám đốc. Trong những năm đầu thế kỷ, EFEO chỉ là một cơ quan nhỏ với nguồn tài chính ít ỏi và thiếu đội ngũ cán bộ có khả năng triển khai công tác nghiên cứu. EFEO đã khắc phục bằng đặt ra danh hiệu “cộng tác viên của EFEO”, dành những người nghiên cứu cộng tác với trường, giúp cho trường triển khai các hoạt động của mình.

Mặc dù không một thành viên nào của EFEO là kiến trúc sư hay thanh tra di tích lịch sử, song việc kiến trúc sư Henri Parmentier “được chỉ định để chuyên nghiên cứu kỹ thuật của kiến trúc Đông Dương và chuẩn bị một kế hoạch chi tiết sửa chữa các công trình xuống cấp nghiêm trọng” đã báo hiệu một xu hướng chuyên môn hóa trong lĩnh vực này. Đến năm 1905, ông được bổ nhiệm là trưởng phòng khảo cổ của EFEO.

Tư liệu cho thấy Charles Batteur (EFEO) sang tham gia giảng dạy cho Ban Kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là giảng sư. Cùng với Hébrard, Batteur thiết kế Bảo tàng Louis Finot; đồng thời trợ giúp đắc lực cho Hébrard và Victor Tardieu trong quá trình xây dựng trụ sở Viện Đại học Đông Dương. Nguồn: Tổng san học chính Đông Dương, 1930

Tư liệu cho thấy Charles Batteur (EFEO) sang tham gia giảng dạy cho Ban Kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là giảng sư. Cùng với Hébrard, Batteur thiết kế Bảo tàng Louis Finot; đồng thời trợ giúp đắc lực cho Hébrard và Victor Tardieu trong quá trình xây dựng trụ sở Viện Đại học Đông Dương. Nguồn: Tổng san học chính Đông Dương, 1930

Năm 1886, Paul Bert được bổ nhiệm làm Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ. Ông đề nghị Dumoutier đến Việt Nam với tư cách là thông ngôn tiếng Việt và chữ Hán. Gustave Dumoutier (1850 - 1904) là một trong những người sáng lập ra EFEO, với chuyên môn nghiên cứu khảo cổ học, nhân chủng học dân tộc học và khoa học tôn giáo, ông được Paul Bert trực tiếp giao nhiệm vụ: ngoài việc thành lập các trường Pháp-An Nam, ông nhận trọng trách “chuẩn bị, thống kê và mô tả các di tích lịch sử ở Bắc Kỳ”.

Paul Bert quan tâm trước tiên đến những ngôi chùa ở Hà Nội. Để bổ sung cho những chỉ dẫn có tính lịch sử mà ông đã thực hiện, kiến trúc sư Henri Vildieu đã lập những bản kê đầu tiên về các ngôi đền ở Hà Nội. Những công việc này trong bối cảnh những lực lượng quân sự, hành chính và tôn giáo phá hủy nhiều đình chùa cũ quanh hồ Hoàn Kiếm xây dựng các công trình mới.

Trong bối cảnh như vậy, những nghiên cứu của Gustave Dumoutier có tính cấp bách, nhằm thống kê và nghiên cứu những công trình cổ trước khi chúng có thể bị phá hủy (bởi chúng không hề được áp dụng một biện pháp bảo vệ nào) và nhờ đó sẽ giữ lại được ký ức về các công trình này.

Năm 1901, việc Gustave Dumoutier và kiến trúc sư (KTS) Henri Vildieu được bổ nhiệm trở thành thành viên của Ủy ban Cổ vật Đông Dương, đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc công nhận các di tích lịch sử của Hà Nội. Những nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực khảo cổ và văn khắc mà Gustave Dumoutier tiến hành tại những ngôi đền của thành phố khi đó đã mang lại lợi ích rõ rệt. Chúng trở thành cơ sở đối chiếu cho đề xuất xếp hạng “bảy công trình có tính chất tôn giáo (trừ một công trình là một cổng thành cổ của Hà Nội)” do Ủy ban đưa ra năm 1905.

Đề xuất này đã dẫn đến việc lập danh sách các di tích lịch sử của thành phố Hà Nội vào tháng 11 năm 1906.

Từ năm 1923, khi KTS Ernest Hébrard được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công trình dân sự Đông Dương, Hà Nội có những đổi thay quy mô lớn và “Ủy ban chuyên trách soạn thảo những quy định liên quan đến công tác bảo tồn các công trình có lợi ích lịch sử hay khảo cổ học” tại Đông Dương đã có nhiều nghiên cứu và ý tưởng mở rộng khái niệm về công trình lịch sử, công trình mới, công trình dân sự, danh lam thắng cảnh tự nhiên...

Những biện pháp được áp dụng nhằm bảo vệ các địa danh đã dẫn đến ý tưởng áp dụng những qui định đó đối với khu phố cổ của thành phố. Ý tưởng này được Pierre Pasquier (sau này trở thành Toàn quyền Đông Dương vào năm 1928) đưa ra ngay từ năm 1916: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng mối quan tâm của mình tới một số đường phố trong khu vực của người bản xứ nhằm bảo tồn tính độc đáo, đồng thời vẫn đảm bảo những điều kiện vệ sinh thiết yếu. Thật thú vị nếu khách tham quan có thể so sánh được hình ảnh cũ Hà Nội ngày hôm qua với Hà Nội mai sau. Để làm được điều đó chỉ cần đưa những phố này vào nhóm những thắng cảnh được luật pháp bảo vệ…

Như vậy, những đường phố này sẽ được xếp hạng giống như một nơi có phong cảnh đẹp; việc vạch mốc các tuyến đường hay những hoạt động quy hoạch khác sẽ không được phép áp dụng cho những tuyến phố đó nữa, chúng giữ nguyên được vẻ đẹp và chính vẻ đẹp đó sẽ dẫn đến yêu cầu cần bảo tồn”.

Cùng với việc tổ chức phát triển đô thị được thể hiện trên sơ đồ quy hoạch tổng thể Hà Nội do Ernest Hébrard lập năm 1924, việc xếp hạng các công trình không còn được coi là một giải pháp nhằm tránh những hoạt động phá bỏ, mà như một sự lựa chọn có chủ ý nhằm duy trì những dấu ấn của lịch sử trong một môi trường luôn biến đổi không ngừng.

Năm 1925, KTS Ernest Hébrard được bổ nhiệm là thành viên của Ủy ban Cổ vật Bắc Kỳ và cũng năm này tại Đông Dương công bố danh sách xếp hạng “1045 công trình và cổ vật của Đông Dương”. Riêng thành phố Hà Nội có 17 công trình được xếp hạng (Văn Miếu, Trấn Vũ, Ngọc Sơn, Đền Hai Bà, Chùa Nhật Chú, Đình Bạch Mã, Ô Quan Chưởng, cổng thành Cửa Bắc, Chùa Linh Quang, Phổ Quang, Hồng Phúc, Lý Quốc Sư, Hà Khẩu, Chiêu Thiền, Liên Phái và các công trình trong Hoàng Thành Thăng Long) [3].

Những người gây dựng nền móng cho công tác bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội

Việc hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa trường Mỹ thuật Đông Dương và EFEO đã cho thấy những khoa học đa ngành đã được bổ trợ lẫn nhau trong việc bảo tồn các di sản kiến trúc Hà Nội và Phong cách Kiến trúc Đông Dương.

Các giáo sư, KTS giảng dạy tại trường cũng là những nhà khoa học về chuyên ngành kiến trúc nhưng cũng là những chuyên gia khảo cổ, văn khắc, ngôn ngữ học, nhân chủng học, dân tộc học, khoa học tôn giáo. Những công trình nghiên cứu của họ đã từng bước tách bạch những ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Chăm Pa để hình thành những phong cách kiến trúc đặc trưng Đông Dương mà sâu đậm hơn của nghệ thuật truyền thống Bắc Kỳ. Từ trong những năm đầu của Ban Kiến trúc, các sinh viên đã được đi khảo sát thực địa, vẽ ghi nhiều công trình di sản kiến trúc khắp các vùng miền Việt Nam.

Các tác phẩm sáng tác Phong cách Kiến trúc Đông Dương cũng theo thời gian mà giàu có hơn, xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tinh hoa của di sản văn hóa Việt Nam của các KTS Pháp và thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương.

Những KTS Việt Nam, ngoài những kỹ thuật chuyên ngành nghệ thuật kiến trúc quy hoạch, đã tiếp nhận những ngành kỹ thuật xây dựng mới (khảo sát, toán học, hình học, cơ học, sức bền vật liệu, kết cấu bê tông) đến những kiến thức về luật pháp, vệ sinh (môi trường sinh thái); lại được các giáo sư, kiến trúc sư uyên thâm về Đông phương học truyền dạy nên ngay trong nhà trường cũng như sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm kiến trúc mang phong cách Á Đông – Đông Dương đặc sắc. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như các tác phẩm kiến trức nhà ở, trường học, bệnh viện của văn phòng Luyện – Tiếp – Đức, Nhà hàng Thủy Tạ của KTS Võ Đức Diên, Chùa Quán Sứ của KTS Nguyễn Ngọc Ngoạn, các công trình Nhà sàn Bác Hồ, kỳ đài Ba Đình của KTS Nguyễn Văn Ninh…

Các KTS này còn là những người gây dựng nền móng cho công tác bảo tồn, phát huy những giá trị kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam, Hà Nội trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như xây dựng đất nước thời bình.

Những gì trường Mỹ thuật Đông Dương để lại là bài học quý giá mà các trường đào tạo kiến trúc hiện nay có thể kế thừa và phát triển. Việc lồng ghép các yếu tố bản địa và bền vững vào chương trình giảng dạy giúp sinh viên thấu hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và môi trường, đồng thời trang bị tư duy phản biện và sáng tạo để giải quyết các vấn đề hiện đại như đô thị hóa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Bên cạnh đó, giáo dục kiến trúc hiện đại cần thúc đẩy tính khai phóng, tạo điều kiện để sinh viên học hỏi từ các di sản như trường Mỹ thuật Đông Dương và khám phá những biên độ sáng tạo mới trong các lĩnh vực liên ngành. Việc tích hợp nghệ thuật, công nghệ và thiết kế trong các dự án kiến trúc cho phép sinh viên vừa làm chủ kỹ năng vừa phát triển những giải pháp phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu phát triển bền vững.

Trường Mỹ thuật Đông Dương, với tư duy tiến bộ về giáo dục nghệ thuật và kiến trúc, đã để lại một di sản vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang tính định hướng cho tương lai của nền kiến trúc Việt Nam.

KTS. Trần Huy Ánh

_______________________

Tài liệu tham khảo:

1. Hội Kiến trúc sư Việt Nam (2008), Thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

2. Phạm Long & Trần Hậu Yên Thế (đồng chủ biên) (2024), Mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. France Mangin (2003), Di tích lịch sử của Hà Nội: 1900-1930. Trong In trong Pierre Clement và Nathalie Lancret (chủ biên), Hà Nội chu kỳ của những đổi thay – Hình thái kiến trúc và đô thị, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-chuong-trinh-dao-tao-dac-biet-den-su-ra-doi-cua-phong-cach-kien-truc-dong-duong-46654.html
Zalo