Tự chủ đại học không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư Nhà nước

Sáng 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới. Hội nghị gồm 3 phiên thảo luận với 3 chủ đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế, Đổi mới quản trị đại học và quản lý Nhà nước và Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học.

Những vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, là sự thiếu đồng bộ giữa các Luật; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước còn chưa hợp lý. Đặc biệt là hạn chế về nhận thức, từ nhận thức vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng trường đến nhận thức và năng lực của cán bộ.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Có những vướng mắc do hệ thống văn bản pháp luật. Khó khăn vướng víu do thói quen cũ, cách nghĩ, tư duy cũ do sự chia sẻ, đón nhận từ xã hội chưa đồng bộ và tương thích, trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi.”

Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nên giai đoạn tới, cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách, chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục đại học mà bộ, ngành quản lý, để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư Nhà nước như giai đoạn thí điểm. Các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công.

Thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động tự chủ đại học được kỳ vọng sẽ là dẫn dắt hành trình bứt phá của giáo dục đại học. Trong 5 năm tới, giai đoạn 2022-2026, định hướng trọng tâm là đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện : Phan Hằng Đỗ Minh Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tu-chu-dai-hoc-khong-dong-nghia-voi-cat-toan-bo-dau-tu-nha-nuoc
Zalo