Từ chiến trường đến giảng đường: Từ người lính đến nhà văn viết về Bác Hồ (kỳ cuối)

Giáo sư - Tiến sĩ, Đại tá ANND, nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trình Quang Phú sinh năm 1940 trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Tuy An - Phú Yên. Năm 12 tuổi ông đã theo cha (chính trị viên xã đội trong những năm kháng chiến chống Pháp) lên căn cứ làm liên lạc cho xã đội, sau đó làm liên lạc cho tiểu đoàn bộ đội địa phương... Ông được tập kết ra Bắc học trường học sinh miền Nam và dành cả cuộc đời đi khắp 'năm châu bốn biển' để tìm tư liệu viết về Bác Hồ.

Cậu bé liên lạc quyết "theo chân Bác Hồ"

Ông bắt đầu viết báo từ năm 1959, bút ký "Bước chân người địa chất, thủy lợi trên Sông Đà” được giải báo Cứu Quốc năm 1960. Năm 1966, ông làm phóng viên trực chiến đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, khi máy bay Mỹ ồ ạt ném bom, ông suýt chết 3 lần trong 1 ngày. Rồi ông là phóng viên chiến trường ở Khe Sanh. Năm 1968, từ mặt trận nóng bỏng trở về, ông được cử tham gia đoàn đại biểu đầu tiên của Thanh niên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần IX ở Sofia - Bungari. Tại đại hội, có sự tham gia đại biểu của 143 nước, bức ảnh "Tổ xung kích cắm cờ quyết thắng ở Khe Sanh" của ông (lúc đó là nhà báo Hồng Phú) được tặng Huy chương vàng. Ông được các đại biểu công kênh chúc mừng. Nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển - nguyên Tổng biên tập Báo SGGP từng nhận xét: "Cuộc đời của Trình Quang Phú thật lắm thăng trầm. Sinh ra ở Phú Yên, nhưng sự nghiệp của anh lại gắn với khắp các vùng đất nước. Lúc làm phóng viên mặt trận, khi làm trợ lý giúp việc cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, có thời gian dài là cán bộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trên mặt trận đối ngoại, đội mũ tai bèo, mang dép lốp đi khắp năm châu...".

Hai tác phẩm viết về Bác Hồ rất nổi tiếng của ông

Hai tác phẩm viết về Bác Hồ rất nổi tiếng của ông

Về cơ duyên để Trình Quang Phú trở thành tác giả của những cuốn sách viết về Bác Hồ rất nổi tiếng, tái bản từ 19 đến 22 lần, ông cho biết: Khi đó tôi làm việc ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng. Miền Nam cần, chiến trường cần những bài viết về Bác Hồ. Tôi viết, ban đầu là những bài báo ngắn nhằm theo chân anh lính đội mũ tai bèo ra chiến trường. Khi Bác mất, tôi được giao nhiệm vụ ra sân bay Gia Lâm tháp tùng đoàn miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu về thọ tang Bác. Một đồng chí trong đoàn chuyển lời nhắn nhủ của nữ tướng Nguyễn Thị Định (nguyên Phó tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước...) yêu cầu tôi viết về Bác với miền Nam, viết về lễ tang Bác gửi vào chiến trường... Tôi đã viết liên tục các bài được phát trên đài phát thanh giải phóng. Anh Bảo Định Giang khi ấy là trưởng tiểu ban văn nghệ miền Nam nói với tôi: Những bài cậu viết rất xúc động, nên tập hợp lại gửi vào Nam. Được các anh ủng hộ và động viên, tôi đã hoàn thành tập sách đầu tiên Miền Nam trong lòng Bác (1972)...

GS.TS Trình Quang Phú

GS.TS Trình Quang Phú

Nhiều "nhà” nhưng thích "nhà binh" nhất!

Được bạn đọc và nhân dân miền Nam đón nhận nồng nhiệt, năm 1973 Trình Quang Phú lại sưu tầm, biên soạn, xuất bản hai cuốn Người là niềm tin và Đường Bác Hồ đi cứu nước (biên soạn từ 1970, đến nay đã tái bản 19 lần). Cuối năm 1973, trên đường Trường Sơn, ông gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định ở trạm giao liên, bà nói: "Cậu viết về Bác quý lắm. Anh chị em đọc có người khóc. Cậu nhớ bổ sung nhiều về Bác với miền Nam... nói với nhà xuất bản in giấy mỏng, chia làm nhiều tập cho gọn nhẹ, hợp với chiến trường...". Sau giải phóng ông bắt tay viết: Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (xuất bản 1976, đến nay tác giả đã đi nhiều nước, thu thập thêm tư liệu về Bác để bổ sung, tái bản 22 lần, được giải A giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021 - 2023). Ông đem sách đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng khuyến khích và dặn dò ông tiếp tục viết về Bác. Thủ tướng nói: "Cháu nhớ tìm tòi để viết về 30 năm Bác ở nước ngoài, đó là kho đề tài quí lắm". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khuyên ông như vậy. Từ những năm 1977 ấy, nhà văn Trình Quang Phú lao vào sưu tầm, đi trải nghiệm, tập hợp tư liệu và mãi sau 25 năm ông mới bắt tay viết và giữa tháng 6/2024, NXB Hội Nhà văn đã ấn hành tác phẩm thứ 7 của Trình Quang Phú viết về Bác Hồ với tựa Theo dấu chân Người... Chỉ sau 4 tháng, tác phẩm này đã được tái bản lần thứ 4.

Từ cậu bé liên lạc cho du kích, bộ đội 72 năm trước, bằng lòng yêu nước, yêu quê hương Phú Yên; kính trọng, ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trình Quang Phú đã kiên trì vượt khó, lần theo con đường hoạt động cách mạng của Bác từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi để tìm thêm thông tin, tài liệu về hành trình tìm đường cứu nước của Người; Trình Quang Phú đã nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp chung và gặt hái được nhiều thành công. Tên ông trở thành tác giả có uy tín viết về Bác Hồ. Ông là GS.TS, Đại tá ANND, Viện trưởng Viện nghiên cứu, phát triển phương Đông; ông còn là Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TPHCM. Người chỉ đạo, đương đầu đưa 18.000 người dân Phú Yên trong giữa vùng dịch Covid-19, từ TPHCM về quê nhà an toàn để tránh đại dịch hồi tháng 7 - 9/2021)... Có người hỏi: Ông là nhà văn, nhà báo, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh, nhà doanh nghiệp, nhà hoạt động chính trị - xã hội... nhiều "nhà” như vậy, ông thích "nhà” nào nhất? Ông cười: "Mở đầu cuộc đời tôi là người lính, tôi thích "nhà binh" nhất". Bởi vì theo ông: "Đã là người lính thì việc gì cũng phải thắng, phải phấn đấu".

VĂN LONG (Thông tin viết bài từ nhân vật cung cấp và tổng hợp từ nhiều nguồn)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tu-chien-truong-den-giang-duong-ky-cuoi-tu-nguoi-linh-den-nha-van-viet-ve-bac-ho_171782.html
Zalo