Từ Chỉ số PCI, chuyên gia khuyến nghị về môi trường kinh doanh của Hà Nội

Phân tích kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hà Nội mới đây, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đã có những khuyến nghị đáng chú ý về môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội.

Đào tạo lao động được đánh giá tốt nhất cả nước

Theo ông Đậu Anh Tuấn, dù có giảm thứ hạng nhưng về chiều hướng chung, năm 2023 Hà Nội đã có chuyển đổi tăng về mặt điểm số PCI, khi đạt 67,15 điểm trên thang điểm 100, tăng so với 5 năm trước.

Trong số 10 chỉ số thành phần, Hà Nội thể hiện rõ có những thế mạnh truyền thống. Tính theo thang điểm 10, nổi bật là chỉ số thành phần “đào tạo lao động” của Hà Nội đạt 7,43 điểm - đứng cao nhất trong 63 tỉnh, TP (tăng 2 bậc so với năm trước). Hà Nội cũng nhiều năm liền nằm trong nhóm cao về chỉ số “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN)”, năm qua đạt 7,38 điểm, đứng thứ 6 trên cả nước (tăng 3 bậc so với năm trước). Cùng với đó, “tính minh bạch” là một điểm mạnh của Hà Nội, khi năm qua đứng thứ 19/63 tỉnh, TP.

Điều tra hơn 700 DN về đánh giá PCI, khi được hỏi về việc tuyển dụng lao động, Hà Nội được đánh giá nằm trong nhóm đầu tại vùng Đồng bằng Sông Hồng về tỷ lệ DN cho rằng “thuận lợi trong tuyển dụng một số nhóm lao động”, nhất là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giám sát. Vì vậy có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực là thế mạnh của Hà Nội. Đồng thời, về “giáo dục dạy nghề” hay “giáo dục phổ thông" tại "tỉnh có chất lượng tốt” cũng được DN đánh giá cao.

“Nhìn chung, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề, nguồn lực là một thế mạnh của Thủ đô. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc thu hút FDI, nhà đầu tư có chất lượng cao; nếu kết hợp với giải quyết TTHC tốt thì chắc chắn Hà Nội sẽ có những điểm mạnh nổi trội”- ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Cán bộ Sàn Giao dịch việc làm vệ tinh Hà Đông (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) hỗ trợ người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Cán bộ Sàn Giao dịch việc làm vệ tinh Hà Đông (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) hỗ trợ người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Song song đó, công tác hỗ trợ DN có những chuyển biến tích cực, khi so sánh qua 2 năm gần đây, có thể thấy trong năm 2023, cảm nhận của DN về những chính sách hỗ trợ của TP rất tốt, với điểm chỉ số này đã tăng, đứng thứ 6/63 tỉnh, TP. Khi hỏi DN về các thủ tục hành chính (TTHC) hỗ trợ DN như tiếp cận tín dụng, tư vấn pháp luật, tư vấn thông tin thị trường, hoạt động đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị DN…, đều cho thấy có chuyển biến tích cực. Đây cũng là một điểm sáng của TP.

Cùng đó, DN đánh giá tốt hơn về những chương trình hỗ trợ liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, thủ tục đăng ký DN có cải thiện, trong đó các thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện thuận lợi hơn, đã có cải thiện tốt qua 2 năm.

Về mặt minh bạch thông tin, ông Đậu Anh Tuấn cho biết việc ứng dụng CNTT của TP cũng được đánh giá tương đối tốt. 52% DN được hỏi cho biết thường xuyên truy cập website của UBND TP - tỷ lệ cao thứ 14/63 tỉnh, TP, dù DN ở Thủ đô có nhiều kênh thu thập thông tin. Điều đó chứng tỏ chất lượng, hữu ích của website là tương đối tốt. Đây là điểm mạnh, một kênh nên được Hà Nội phát huy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là hữu ích với DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, là giải pháp rất tốt để tăng cường sự công khai minh bạch.

Xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân, doanh nghiệp

Dù đã có những cải thiện tích cực, nhưng so sánh với các tỉnh, TP trên cả nước khi điều tra PCI, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý Hà Nội còn một số điểm hạn chế.

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ

Trong đó, về vấn đề “gia nhập thị trường”, Hà Nội còn nằm trong tốp sau của các tỉnh, TP (năm 2023 đứng thứ 54), theo ông Đậu Anh Tuấn có nguyên nhân khách quan do có khối lượng công việc rất lớn, với lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh mà TP phải tiếp nhận mỗi ngày có thể bằng nhiều địa phương khác tiếp nhận trong cả 1 tuần thậm chí 1 tháng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ của một nhà đầu tư, khi đến địa phương khác cảm thấy rất thuận tiện, thân thiện trong việc làm TTHC, vẫn cần khuyến nghị thủ tục đăng ký thành lập DN và thủ tục nộp thuế của Hà Nội nên được cải thiện để thực hiện dễ dàng nhất.

“Nhìn qua các năm trước, Hà Nội có những thời điểm đã nằm trong tốp cao thậm chí xấp xỉ tốp 10 về chỉ số “gia nhập thị trường”, khi đó TP có ứng dụng CNTT về đăng ký kinh doanh rất mạnh mẽ, nhưng giai đoạn gần đây đang chững lại”- ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, so sánh giữa Hà Nội với tỉnh trung vị và tỉnh thấp nhất, đánh giá của DN cảm nhận về sự năng động của chính quyền các cấp đang ở mức thấp; tỷ lệ DN tương đối cao nhận định các sở, ngành, quận, huyện chưa thực hiện đúng chủ trương chính sách của lãnh đạo TP. Chi phí, thời gian thực hiện TTHC dù đã có thay đổi tích cực nhưng còn thấp hơn mức bình quân chung cả nước...

Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, thuế, đất đai và phòng cháy là 3 lĩnh vực được DN đánh giá ở Hà Nội chưa được cải thiện nhiều, trong đó thuế là lĩnh vực 100% DN phải tương tác nên việc cải cách rất quan trọng. Bên cạnh quản lý thị trường, xây dựng, BHXH…, phòng cháy cũng là lĩnh vực DN đánh giá còn khó khăn, cần được ưu tiên tập trung nguồn lực để cải cách.

Khảo sát còn cho thấy, cùng với giá đất và quỹ đất hiếm hoi, DN tiếp tục phản ánh TTHC về đất đai tại Hà Nội chưa có nhiều không gian cải cách. Không chỉ ngành tài nguyên môi trường TP mà còn liên quan cấp huyện, cấp xã, đây là nhóm TTHC rất quan trọng với hoạt động kinh doanh, nên được TP tiếp tục cắt giảm, thuận lợi hóa; không chỉ rà soát trên giấy tờ mà quy trình thực tế chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc cải cách.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong bối cảnh DN ở Thủ đô còn nhiều khó khăn, rất cần những dịch vụ hỗ trợ, đẩy mạnh CCHC hơn nữa; TP chú trọng phát triển mạng lưới hiệp hội DN nhỏ và vừa, những giải pháp hỗ trợ khối DN này hiệu quả hơn. Để có môi trường kinh doanh thuận lợi, Hà Nội nên tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và DN; các chương trình cải cách TTHC, đơn giản hóa quy trình, giảm giấy tờ và tăng cường công khai minh bạch, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công.

“Hà Nội có những đặc thù, dù TTHC không phải thế mạnh nhưng vẫn có thể tiếp nhận các dự án đầu tư; nếu cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, sẽ có thêm nhiều dự án có chất lượng. Bộ máy lãnh đạo, cán bộ của Thủ đô phải đối mặt rất nhiều thách thức, phục vụ những công dân “khó tính” hơn, để mang lại sự hài lòng là công việc khó khăn hơn nhiều so với ở các địa phương khác, nên TP càng cần quyết tâm nỗ lực cao hơn, hướng tới bộ máy hiện đại, công khai minh bạch, hiệu quả hơn”- Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-chi-so-pci-chuyen-gia-khuyen-nghi-ve-moi-truong-kinh-doanh-cua-ha-noi.html
Zalo