Từ chén trà đến 'hành trình đỏ' - Nhịp cầu kết nối nhân dân Việt-Trung

Trong dòng chảy giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam-Trung Quốc, những sáng kiến như 'Trà hài hòa thế giới - Nhã tập 2025' và tuyến du lịch hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây đã trở thành những biểu tượng sinh động cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Giới thiệu văn hóa trà nhài Hoành Châu (Trung Quốc).

Giới thiệu văn hóa trà nhài Hoành Châu (Trung Quốc).

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (1950-2025) và hưởng ứng Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung 2025, một dấu mốc đầy ý nghĩa là lễ công bố tuyến du lịch văn hóa “Hành trình đỏ hữu nghị Việt-Trung theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây”.

Không chỉ là một sản phẩm du lịch, hành trình này mở ra cơ hội kết nối nhân dân, lan tỏa giá trị lịch sử và nhắc nhớ tình cảm sâu đậm giữa hai dân tộc trong những năm tháng cùng chia sẻ lý tưởng độc lập, tự do.

Giới thiệu tuyến du lịch "Hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây".

Giới thiệu tuyến du lịch "Hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây".

Hành trình du lịch gồm sáu tuyến, kết nối 13 địa danh gắn với thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Tây, Trung Quốc, nơi Người từng đặt nền móng cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Các điểm đến như Nhà lưu niệm Trường học Việt Nam tại Nam Ninh, Trường Dục Tài, Hang Hồ Chí Minh ở Phúc Động Sơn, Văn phòng Việt Minh tại Tĩnh Tây… đều là chứng tích lịch sử sống động, giúp tái hiện bối cảnh lịch sử gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản và quan hệ kháng chiến hữu nghị Việt-Trung.

Điểm đặc biệt của hành trình là không chỉ giới thiệu các di tích cách mạng mà còn tạo không gian giao lưu nhân dân, nơi người trẻ có thể tìm hiểu về lịch sử qua trải nghiệm thực tế. “Hành trình đỏ” hướng đến nhiều đối tượng: từ học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên đến khách du lịch cao tuổi, thể hiện cách làm linh hoạt, gắn kết giữa văn hóa-lịch sử và phát triển du lịch bền vững.

Việc xây dựng tuyến du lịch là biểu hiện rõ nét của tầm nhìn đối ngoại chiến lược, coi lịch sử không chỉ là ký ức mà là tài sản chung của hai dân tộc, cần được sẻ chia, trao truyền, gìn giữ như chất keo gắn kết giữa các dân tộc.

Song hành trong hành trình lịch sử là một không gian văn hóa đậm chất Á Đông - chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025” do Trung Quốc và Việt Nam phối hợp thực hiện.

Lấy hình ảnh chén trà làm biểu tượng, chương trình gợi mở thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc về sự hòa hợp, đối thoại và kết nối giữa hai nền văn hóa lớn của châu Á. Văn hóa trà có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cả hai dân tộc, là nghi thức hiếu khách và biểu hiện của triết lý sống thanh tao và hài hòa.

Trong 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị Việt-Trung luôn là nền tảng vững chắc, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển mỗi nước.

Được Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khởi động từ năm 2023, chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập” đã lan tỏa đến 47 quốc gia, trở thành một trong những sáng kiến văn hóa tiêu biểu của Trung Quốc. Khi dừng chân tại Việt Nam, đất nước cũng có truyền thống thưởng trà lâu đời, chương trình mang ý nghĩa kết nối sâu sắc hơn.

Những không gian tái hiện nghệ thuật trà đạo, giới thiệu trà nhài Hoành Châu cùng các sản phẩm du lịch văn hóa Quảng Tây đã tạo nên chiếc cầu kết nối nhân dân hai nước.

Trong lời phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ nhấn mạnh: trà hài hòa thế giới, đưa mọi người lại gần nhau hơn. Câu nói đó không chỉ gói gọn tinh thần của chương trình mà còn gợi mở giá trị bền vững của văn hóa, đó là sự lan tỏa để từng người đến gần nhau hơn trong sự đồng cảm và sẻ chia.

Giới thiệu các sản phẩm trà tại chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025”.

Giới thiệu các sản phẩm trà tại chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025”.

Bên cạnh những biểu tượng cụ thể như hành trình lịch sử hay chén trà hữu nghị, văn hóa ngày càng xuất hiện đa dạng hơn trong đối ngoại nhân dân. Các lễ hội văn hóa, tuần phim, triển lãm mỹ thuật, giao lưu thư pháp… ngày càng được tổ chức thường xuyên giữa các địa phương hai nước.

Thực tế, những năm qua, trên nền tảng của chén trà, hành trình lịch sử, giao lưu văn hóa-nghệ thuật-du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng trở nên sinh động, phong phú và thực chất hơn. Sự xuất hiện của văn hóa trong đối ngoại nhân dân không còn giới hạn trong các hoạt động nghi lễ, hội nghị mà trở thành nhịp sống thường ngày. Đối ngoại văn hóa ngày nay đang dần trở thành chất liệu mềm của hợp tác, mở rộng không gian cho kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ và giáo dục.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Lâm Lâm-Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây cho biết: bốn tháng đầu năm 2025, Quảng Tây đã đón gần 42 nghìn lượt khách Việt Nam, tăng trưởng hơn 88%. Việt Nam là thị trường khách quốc tế lớn thứ hai của Quảng Tây.

Những con số biết nói ấy cho thấy hiệu quả rõ rệt từ hợp tác văn hóa-du lịch song phương trong đó các sáng kiến như “hành trình đỏ” hay “trà hài hòa thế giới” đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hiểu biết và phát triển văn hóa, du lịch hai chiều.

Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc tại chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025”.

Giới thiệu nét văn hóa đặc sắc tại chương trình “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025”.

Từ một góc nhìn khác, văn hóa ngày càng được Việt Nam coi trọng như một trụ cột quan trọng của ngoại giao hiện đại. Những chương trình giao lưu văn hóa-lịch sử như “Trà hài hòa thế giới-Nhã tập 2025” hay “hành trình đỏ” là biểu hiện cụ thể cho đường hướng ấy, nơi văn hóa là phương thức kết nối và thúc đẩy hòa bình, hiểu biết và hợp tác phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới đối diện nhiều biến động, việc duy trì các kênh đối thoại thông qua văn hóa-du lịch-giao lưu nhân dân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ một chén trà dung dị giữa lòng Hà Nội đến những địa danh ghi dấu bước chân của Bác Hồ tại Quảng Tây, từ ký ức lịch sử đến cảm thức đương đại, từ biểu tượng văn hóa đến các sản phẩm du lịch nhân văn… hai dân tộc Việt-Trung đang tiếp tục kết nối bằng sự chia sẻ giá trị văn hóa với mong muốn hòa bình, hợp tác và cùng phát triển bền vững.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-chen-tra-den-hanh-trinh-do-nhip-cau-ket-noi-nhan-dan-viet-trung-post881339.html
Zalo