Tự chế tạo pháo, tai họa chực chờ
Những ngày gần đây, các vụ tai nạn thương tâm do tự chế tạo pháo theo cách học qua mạng xảy ra liên tiếp, nạn nhân đa số là thiếu niên
Mới đây, em M.Q.Đ (16 tuổi; ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) được Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng bị thương sau tai nạn pháo nổ.
Cụt tay, mù mắt...
Theo người nhà Đ., trước khi nhập viện, em chơi pháo ở nhà thì phát nổ, dẫn đến tổn thương vùng mặt, cẳng chân trái, cẳng tay phải. Đ. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán sơ cứu, chăm sóc vết thương bỏng trước khi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, lấy dị vật trong giác mạc của Đ., đồng thời giải thích cho người nhà về tình trạng bệnh, về nguy cơ em có thể bị co rút sẹo do bỏng, cần theo dõi, tập vật lý trị liệu và khám mắt theo hẹn. Đ. tiếp tục được chuyển đến Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng để điều trị. Hiện nay, các bác sĩ tiến hành điều trị để tránh nhiễm trùng, bớt phù nề và tập phục hồi chức năng cho em.
Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai cũng vừa tiếp nhận 2 trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Trước đó, em N.H.H (14 tuổi; ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tự mua đồ trên mạng xã hội rồi một mình chế tạo pháo tại nhà. Khi em đang nhồi thuốc thì pháo phát nổ.
H. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai trong tình trạng bỏng độ 2-3 khoảng 45% diện tích cơ thể (vùng đầu mặt, thân mình, 2 tay, 2 chân, bộ phận sinh dục), bỏng mi mắt và giác mạc độ 1. Em được chuyển đến phòng mổ để cắt lọc vết bỏng dập nát 2 bàn tay, cẳng tay, 2 chân và vùng môi. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng H. khá nặng do diện tích bỏng rộng, khả năng nhiễm trùng cao.
Trường hợp thứ 2 là em N.V.S (14 tuổi; ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng nai), phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Đây được xem là trường hợp nghiêm trọng vì S. bị pháo nổ dập nát bàn tay, cụt 2,5 ngón tay trái kèm theo vết thương bụng, ngực...
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị hơn 10 trường hợp tai nạn pháo nổ, tai nạn hỏa khí với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Xuyên đêm cứu người
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cũng vừa tiếp nhận cấp cứu 3 thanh thiếu niên (15 - 17) bị đa chấn thương, nguy kịch, phỏng nặng do tự chế tạo pháo qua mạng. Cả 3 được chuyển đến từ một bệnh viện ở tỉnh Tây Ninh. Nguyên nhân vụ nổ là do nhóm thanh thiếu niên này đã đặt mua thuốc pháo về và tự điều chế theo hướng dẫn trên mạng.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Khoa, Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân, Khoa Cấp cứu đã khởi động quy trình báo động đỏ, tiến hành nhiều phương pháp điều trị tích cực như nội soi phế quản, hồi sức… Ê-kíp cấp cứu cũng thông báo với các khoa Chấn thương Chỉnh hình, Ngoại Tiết niệu, Nội phổi, Phỏng và Phẫu thuật tạo hình cùng phối hợp, điều trị cho 3 bệnh nhân này.
Trong 3 trường hợp nêu trên, em P.P.D (15 tuổi) bị bỏng thuốc pháo 35% - độ 2 toàn thân; em K.V.P (17 tuổi) bỏng 31% - độ 2-3 toàn thân. Cả 2 đang được điều trị nội khoa, bù dịch và dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trong thời gian tới, 2 em có thể phải được tiến hành phẫu thuật để cắt lọc vùng hoại tử và ghép da. Trong khi đó, em T.T.N (17 tuổi) bị nặng nhất, bỏng khoảng 50% - độ 2-3 toàn thân, dập nát tinh hoàn phải, bị lóc gần hết vùng da dương vật và đa chấn thương tứ chi.
Theo bác sĩ Trần Anh Vũ, Khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy, trước tình trạng nguy kịch của N., các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu và Khoa Chấn thương Chỉnh hình đã phối hợp mổ cấp cứu xuyên đêm để cứu bệnh nhân. "Do tình trạng N. quá nghiêm trọng, chúng tôi buộc phải cắt bỏ tinh hoàn để cầm máu và lấy sạch dị vật, mảnh pháo. Hiện tại, T. đã qua cơn nguy kịch, được theo dõi sát" - bác sĩ Vũ thông tin.
Đừng để mất Tết!
Theo các bác sĩ, cứ đến những ngày cuối năm, số ca nhập viện do tai nạn pháo nổ lại gia tăng. Việc học chế tạo pháo trên mạng rất đáng báo động, tiềm ẩn tai họa khó lường.
Các bệnh viện trên địa bàn TP HCM những ngày gần đây liên tục tiếp nhận bệnh nhân do pháo nổ từ nhiều nơi chuyển đến. Chỉ trong 2 tuần qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đã chữa trị cho 3 bệnh nhi liên quan hành vi chế tạo pháo.
Đang trong độ tuổi thích khám phá, em Đ.S.R (12 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đã lấy bột từ que quẹt diêm cho vào vòi ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị thương, chảy máu nhiều. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, R. được bác sĩ Nguyễn Dy Lưu, Khoa Bỏng - Chỉnh trực, phẫu thuật cấp cứu với nhiều vết thương nham nhở ở các ngón tay.
Trước đó, em A.T.V (12 tuổi, ở Gia Lai) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bỏng độ 2 - diện tích 35% do chơi pháo gây nổ. Các bác sĩ đã mất nhiều thời gian để cứu bệnh nhi này do em bị thương ở vùng mặt, ngực, tay chân...
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho hay hằng năm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi liên quan pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Không chỉ để lại những thương tích nghiêm trọng, tai nạn từ pháo tự chế còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nạn nhân và gia đình.
Các vết thương do pháo nổ thường rất phức tạp, gây ra sự tổn thương nghiêm trọng các bộ phận cơ thể như mặt, tay, mắt, thậm chí là cơ quan nội tạng. Việc điều trị những ca này rất khó khăn, đòi hỏi thời gian dài và tốn kém chi phí.
"Vết thương do pháo nổ có thể gây tàn tật vĩnh viễn. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện do pháo nổ thường bị thương ở những vị trí rất nguy hiểm như bàn tay, mặt, cổ, thậm chí bộ phận sinh dục. Việc điều trị không chỉ mất nhiều thời gian, chi phí mà còn để lại những vết sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của cơ thể. Nhiều trường hợp phải trải qua hàng loạt phẫu thuật và điều trị kéo dài, làm tăng gánh nặng tài chính" - bác sĩ Ngà nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, để phòng tránh tai nạn do pháo, gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo, đặc biệt chú trọng đối với các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá. Bên cạnh đó, cần giáo dục cho trẻ hiểu sự nguy hiểm do pháo nổ, như gây hỏa hoạn, thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong.
"Thời gian gần Tết, trên mạng xuất hiện nhiều video hướng dẫn làm pháo tự chế. Chúng ta hãy cùng nhau nâng cao nhận thức cho trẻ về hiểm họa từ việc tự chế tạo pháo" - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà khuyến cáo.
"Công thức làm pháo" tràn lan mạng xã hội
Chỉ cần gõ các từ khóa như "chế tạo pháo", "làm pháo", "hướng dẫn chế tạo pháo" trên các nền tảng mạng xã hội, lập tức người dùng có thể tìm thấy hàng loạt video, bài viết liên quan. Từ cách chế tạo pháo, công thức "pha" thuốc đến làm vỏ pháo đều được hướng dẫn cặn kẽ. Các video này được đăng tải công khai, ai cũng dễ dàng tiếp cận.
Trên nhóm Facebook có tên "Pháo chế" với hơn 10.000 thành viên, nhiều bài đăng không chỉ chia sẻ công thức chế tạo pháo mà còn rao bán các nguyên liệu, vỏ nhựa dùng chế tạo pháo... Nhiều người, nhất là trẻ em, có thể dễ dàng tìm thấy các video hướng dẫn làm pháo, tự chế và thử nghiệm tại nhà mà không hiểu rõ mức độ nguy hiểm tiềm ẩn.
Pháo là mặt hàng đã bị nhà nước cấm sản xuất, ngoài các đơn vị được cấp phép. Tự chế tạo pháo không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho người thực hiện. Việc không kiểm soát được thành phần hóa học trong pháo tự chế có thể khiến các chất này phát nổ bất ngờ, gây chấn thương nghiêm trọng như bỏng nặng, mất tay, mù mắt, thậm chí tử vong.
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Các video và bài viết hướng dẫn chế tạo pháo nổ cần bị xóa bỏ và những người có hành vi vi phạm cần bị xử lý theo đúng quy định.
Việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự nguy hiểm của pháo nổ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mỗi người, nhất là trẻ em. "Phụ huynh và nhà trường cần đặc biệt quan tâm, giáo dục thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của hành vi này. Giới trẻ cần chọn lọc các thông tin trên mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy đáng tiếc xảy ra" - bác sĩ Trần Văn Khoa nhắn nhủ.